PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cho biết, bản thân ông cũng đang sử dụng xe ô tô điện với hai lý do: chất lượng đảm bảo và thân thiện với môi trường. Sử dụng xe điện trong điều kiện giao thông ở Việt Nam cũng mang lại trải nghiệm thoải mái hơn so với xe xăng.
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô Đại học Bách khoa Hà Nội. |
Ông nhận định thế nào về tầm quan trọng, tiềm năng phát triển phương tiện xanh như xe điện tại Việt Nam, thưa ông?
Đầu tiên, tình trạng ô nhiễm không khí của chúng ta ngày càng đáng lo ngại và một trong những nguồn phát thải vào không khí là phương tiện sử dụng động cơ đốt trong. Loại phương tiện này phát thải ra CO2 cũng như các loại khí độc khác ảnh hưởng đến môi trường và trực tiếp đến sức khoẻ con người. Chính vì thế, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang tìm cách hạn chế sự phát thải này. Với nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng, lượng phương tiện giao thông ngày càng lớn thì chúng ta phải tìm đến những giải pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nhiên liệu. Đối với ngành ô tô hiện nay có hai xu hướng chuyển đổi chính. Đầu tiên là dòng xe hybrid (xe lai) kết hợp giữa động cơ xăng và động cơ điện. Dần dần người ta chuyển sang phát triển xe thuần điện - những chiếc xe không phát thải CO2 tại chỗ.
Việt Nam đã tham gia COP26 và chúng ta đã cam kết rất mạnh mẽ về việc cắt giảm khí thải. Chuyển đổi xanh trong ngành giao thông vận tải sẽ là mục tiêu chúng ta tập trung vào để thực hiện cam kết này.
Theo quan điểm của tôi, đầu tiên là cắt giảm khí thải của các phương tiện giao thông đường bộ. Các loại hình xe từ xe cá nhân, xe dịch vụ đến xe kinh doanh chúng ta phải dần chuyển dịch sang hình thức vận tải tiết kiệm năng lượng hơn. Hiện nay nổi bật nhất chỉ có xe điện mà thôi. Tuy nhiên phát triển xe điện đang vướng vào những khó khăn như phải đầu tư hạ tầng, trạm sạc, giá thành ban đầu còn cao… nên cần có chính sách hỗ trợ. Nếu chúng ta đẩy mạnh được thì việc chuyển đổi nhanh sang xe điện tại Việt Nam sẽ khả thi và đạt hiệu quả giảm phát thải.
Ông có thể nói rõ hơn cần có biện pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng cho xe điện như thế nào?
Với phát triển hạ tầng xe điện chúng ta cần có những tính toán, nghiên cứu về tổng nguồn điện. Giả sử chúng ta chuyển đổi hết các xe động cơ đốt trong sang xe điện thì cần bao nhiêu điện? Từ đấy, quy hoạch điện từng vùng, từng nơi sẽ như thế nào? Cần có những giả thiết và tính toán rất cụ thể. Ví dụ, nếu TP Hà Nội chuyển đổi sang 100% xe buýt điện, 100% taxi điện thì sẽ cần bao nhiêu điện? Nếu người dân chuyển đổi phương tiện cá nhân sang xe điện sẽ cần bao nhiêu điện? Tóm lại, chúng ta cần quy hoạch về nguồn điện khi chúng ta chuyển đổi.
Tiếp theo, chúng ta phân bố các loại trạm sạc ở đâu, số lượng bao nhiêu trên tổng số xe? Chúng ta cần dự kiến mỗi năm số lượng xe tăng trưởng bao nhiêu %, từ đó có kế hoạch phát triển số lượng trạm sạc tương ứng, đáp ứng nhu cầu cho xe công cộng và xe cá nhân.
Khi có được quy hoạch điện và quy hoạch trạm sạc như vậy thì chúng ta sẽ làm được việc tiếp theo là thúc đẩy, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển trạm sạc. Nếu hạ tầng trạm sạc được quy hoạch tốt, người đi xe điện sẽ không còn phải lo lắng về cung đường, trạm sạc hay thời gian. Người ta chỉ cần điều chỉnh thói quen từ đổ xăng trong 1 - 2 phút sang sạc điện trong nửa tiếng đến một tiếng.
Bên cạnh đó, giá điện cần thay đổi hợp lý, cân bằng giữa các chi phí. Nếu chi phí cho nhiên liệu điện trên mỗi km tương đương với chi phí của xe xăng hoặc thậm chí ít hơn thì người tham gia giao thông sẽ sẵn sàng chuyển đổi sang xe điện.
Về giá điện cho trạm sạc, Chính phủ đang yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ. Ông nhận định chính sách này nếu đi vào cuộc sống sẽ có tác động ra sao?
Nếu chúng ta có một cơ chế hỗ trợ về giá điện cho trạm sạc thì điều đấy sẽ khuyến khích cho cả hai hướng, gồm nhà đầu tư và người tiêu dùng. Nhà đầu tư sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra để xây dựng, phát triển các hệ thống trạm sạc trên toàn quốc. Họ nhận định được rằng khoản đầu tư có lời vì về lâu dài chắc chắn ô tô điện sẽ phát triển. Người mua xe điện cũng sẽ được hưởng lợi vì chi phí nhiên liệu rẻ hơn. Xe điện vốn dĩ đã có chi phí chăm sóc, bảo dưỡng rẻ hơn xe xăng, nếu giá nguyên liệu đầu vào cũng rẻ hơn thì sẽ khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng. Như vậy nó sẽ là một cú hích cho thị trường phát triển rất tốt.
Bộ Tài chính đang dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, theo đó xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện (xe nạp điện bằng hệ thống sạc điện riêng) sẽ tiếp tục được áp dụng thuế suất chỉ bằng 70% mức thuế suất của xe ô tô cùng loại chạy xăng. Ông đánh giá sao về quy định này?
Cùng chung tên là xe hybrid nhưng hiện nay trên thị trường có nhiều dòng xe với cấu hình hay đặc tính kỹ thuật khác nhau, cho khả năng tiết kiệm nhiên liệu và cắt giảm khí thải khác nhau. Nên riêng thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho xe hybrid thì cần có những biểu thuế tương xứng với mức độ cắt giảm khí thải của những dòng xe này.
Nếu với xe sử dụng động cơ đốt trong chúng ta dùng dung tích để đánh thuế thì đối với xe hybrid tôi nghĩ chúng ta phải dựa trên công suất điện của xe. Như vậy chúng ta mới đảm bảo được sự cân bằng và hài hoà về công nghệ, sự đóng góp cho khả năng tiết kiệm nhiên liệu và cắt giảm khí thải của nhà sản xuất, cũng như người tiêu dùng. Nếu chỉ có một mức chung là 70% thì đó là điều không nên, tôi nghĩ cần cải thiện.
Thị trường xe điện tại Việt Nam được dự báo sẽ bùng nổ trong thời gian tới và tất nhiên sẽ cần có nhân lực cho sự phát triển này. Ở góc độ nhà trường, ông có thể cho biết thêm về thực trạng đào tạo, chuẩn bị nhân lực cho ngành ô tô điện Việt Nam thưa ông?
10 năm trước không ai nói gì về ô tô điện cả nhưng khi Vinfast xây nhà máy tại Hải Phòng thì những kỹ sư đang làm việc ở đó phần lớn là kỹ sư của Đại học Bách Khoa. Họ vẫn đang đảm bảo tốt được công việc dù trước nay họ không hề được được đào tạo chuyên sâu về ô tô điện. Chúng tôi đã đào tạo nền tảng, giúp họ thích nghi, thích ứng được với rất nhiều thứ.
Tất nhiên, trong thời điểm này, chương trình đào tạo trong nhà trường cần có những sự dịch chuyển, kết hợp để đảm bảo sinh viên ra trường tiếp cận được với công nghệ của xe điện. Chúng tôi không lo lắng nhiều về cách chúng tôi đã làm vì đào tạo bao giờ cũng phải đi trước xã hội, cho nên nó sẽ là những điều cơ bản để các kỹ sư thích ứng được nhanh nhất. Thời điểm này chưa phải 100% thị trường là xe điện, sinh viên ra trường phần lớn vẫn sẽ phải “va vấp” với xe động cơ đốt trong, cho nên chúng ta vẫn phải đào tạo cơ bản nhất để sinh viên có thể linh hoạt được với cả hai loại xe.
- Xin cảm ơn ông!
Đỗ Kiều thực hiện