Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, Thái Lan đã hoàn tất xây dựng biểu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô điện góp phần giúp Thái Lan khẳng định vị trí là trung tâm sản xuất xe điện.
Động thái mới của Thái Lan
Tại Thái Lan, căn cứ theo biểu thuế tiêu thụ đặc biệt mới được ban hành, doanh nghiệp sản xuất ô tô điện được hưởng ưu đãi của Ủy ban Đầu tư (BOI) Thái Lan sẽ được miễn thuế trong khoảng thời gian 01/01/2020 - 31/12/2022 và tiếp tục được hưởng mức thuế 2% từ sau 31/12/2022, trong khi đó, mức thuế thông thường là 8%.
'Giấc mộng' xe ô tô điện của Việt Nam có thành hiện thực? |
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, cấu trúc thuế tiêu thụ đặc biệt mới dành cho xe ô tô điện sẽ tập trung vào công nghệ xanh nhằm thúc đẩy việc sử dụng xe ô tô điện. Bộ Thương mại Thái Lan sẽ tập trung phát triển doanh nghiệp sản xuất phần thân và pin xe, qua đó quảng bá Thái Lan là trung tâm sản xuất, thay vì chỉ nhập khẩu xe điện. Tay nghề của lao động Thái trong ngành ô tô cũng là yếu tố cạnh tranh khiến Thái Lan trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút doanh nghiệp sản xuất.
Trước đó, Thái Lan công bố lộ trình đưa nước này trở thành trung tâm chế tạo ô tô thế hệ mới của ASEAN trong vòng 5 năm, với mục tiêu sản xuất 250.000 xe ô tô điện vào năm 2050 và 750.000 xe vào năm 2030. Thái Lan sẽ cho sửa đổi những ưu đãi về ô tô điện đối với các nhà chế tạo ô tô và phụ tùng nhằm thúc đẩy ngành sản xuất này.
Không chỉ Thái Lan, nhiều nước trong khu vực ASEAN cũng đang đẩy mạnh thực hiện tham vọng sản xuất xe ô tô điện. Cuối năm 2020, hãng sản xuất ô tô Toyota cho biết dự định đầu tư lên tới 2 tỷ USD để phát triển xe điện tại Indonesia trong 5 năm tới. Ông Yoichi Miyazaki, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Toyota đặt mục tiêu đưa Indonesia thành trung tâm xuất khẩu các sản phẩm của mình, không chỉ cho khu vực ASEAN mà các thị trường khác.
Tại Việt Nam, đầu năm 2021, công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast công bố 3 dòng xe SUV điện thông minh đầu tiên là VF31, VF32, VF33, trong đó VF31 là dòng SUV cỡ vừa (phân khúc C) và chỉ có một phiên bản xe điện, VF32 là xe SUV cỡ trung (phân khúc D), VF33 là xe SUV cỡ đại (phân khúc E). VF32 và VF33 mỗi xe đều có 2 phiên bản điện và xăng.
Dự kiến xe VF31 phiên bản tiêu chuẩn sẽ bắt đầu nhận đặt hàng tại Việt Nam từ tháng 5/2021, bàn giao xe từ tháng 11/2021. Xe VF32 và VF33 sẽ nhận đặt hàng tại Việt Nam từ tháng 9/2021, bàn giao xe từ tháng 2/2022; tại Mỹ, Canada và châu Âu sẽ nhận đặt hàng từ tháng 11/2021, bàn giao xe từ tháng 6/2022.
Vẫn thiếu nhiều thứ
Tuy vậy, theo đánh giá của chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, những bước tiến của VinFast vẫn chưa đủ để giúp Việt Nam trở thành "vùng trũng" sản xuất xe ô tô điện trong khu vực. Nói với Thời báo Kinh Doanh, ông thẳng thắn cho rằng, nếu nói về ngành công nghiệp xe ô tô điện thì Việt Nam chưa có gì cả, muốn phát triển xe ô tô điện, thì trước tiên chúng ta phải xây dựng hạ tầng, trạm nạp điện.
"Người mua xe ô tô đều mong muốn sử dụng chiếc xe này để đi tới nhiều nơi. Do vậy, không thể chạy từ TP.HCM ra Nha Trang nhưng rồi chết máy giữa đường vì không có trạm nạp điện. Muốn xây dựng được hệ thống nạp điện thì Việt Nam cũng cần ít nhất 3-4 năm. Như vậy, rõ ràng so với các nước ASEAN thì chúng ta đã chậm chân hơn từ cơ sở hạ tầng cho tới chính sách", ông Đồng nói.
Theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng, các tập đoàn ô tô lớn nghiễm nhiên có thể sản xuất ô tô trong khu vực ASEAN rồi nhập về Việt Nam bán khi chúng ta có nhu cầu với thuế suất về 0%. Vì vậy, việc phát triển xe ô tô điện lại càng khó khăn.
Ông Đồng cho rằng nguyên nhân của sự chậm trễ này là do tầm nhìn, chưa có mục tiêu và chiến lược cụ thể. Trong khi đó, xe ô tô điện là tương lai của ngành ô tô. Đơn cử, hãng xe Mỹ General Motors cho biết sẽ chỉ sản xuất ô tô điện vào năm 2035.
Ngoài ra, việc phát triển ô tô điện quy mô công nghiệp cần đòi hỏi thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng, doanh nghiệp phụ trợ, vật liệu và thiết kế kiểu dáng. Sản xuất thiết bị cho xe điện đòi hỏi công nghệ mới, thiết kế mới nên đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi so với trước đây.
Muốn phát triển xe ô tô điện thành đại trà, chính sách và thị trường phải là động lực thúc đẩy và cầu kéo cho doanh nghiệp phát triển. Phải ưu tiên giảm, bỏ các loại thuế phí đối với sản xuất xe điện, hệ thống trạm nạp. Ngoài ra, đầu tư xe điện tốn kém hơn nhiều do xây dựng cơ sở vật chất ban đầu ngốn nhiều chi phí, chính vì vậy, Nhà nước hay các hãng xe cần kết hợp để sản xuất một hệ thống tập chiết, nạp pin cho mọi loại xe để tận dụng nguồn lực và có tầm nhìn dài hạn hơn.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các chuyên gia trong ngành ô tô nhận định, đại dịch đang làm thay đổi từ xã hội, kinh tế đến quan niệm sống, nhất là quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Theo nhận định của nhiều nhà xã hội học, sự quan hệ giữa ô tô và con người sẽ bị ảnh hưởng bởi vấn đề môi trường và năng lượng.
"Có thể chậm hơn, tôi nghĩ thị trường Việt Nam sẽ đi theo khuynh hướng xe sạch. Nếu đạt được nhu cầu về giá và chất lượng, các xe nội địa sẽ nhận được sự ủng hộ của người tiêu thụ Việt Nam", một chuyên gia trong ngành ô tô bày tỏ.
Nhật Linh