Ông Ngô Minh Hưng, chủ một cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo ở huyện Bến Lức (tỉnh Long An), thừa nhận muốn thay đổi bao bì nhưng vì tiếc tiền nên tiếp tục sử dụng bao bì cũ. Nhiều năm nay, các sản phẩm mứt vỏ chanh, bưởi, tắc, quýt… được đóng gói vào cùng chủng loại bao nilon, nhãn mác từa tựa như nhau, khó phân biệt từng loại.
Chưa gây ấn tượng
Hai sản phẩm nước màu bưởi và nước mật tắc của cơ sở này có màu gần giống nhau, được đựng trong chai nhựa cùng kích thước, chủng loại và nhãn chỉ có tờ giấy sơ sài trên nắp. Ngay cả đối tác mua hàng cũng không phân biệt được, nên khó thu hút hay gây được ấn tượng với người tiêu dùng.
Trong buổi gặp gỡ mới đây ở Tp.HCM, các đơn vị mua hàng từ Singapore, Hiệp hội bán lẻ Á – Phi, Co.opmart, BigC, Vincommerce, GS25… bày tỏ sự thất vọng khi nhiều DN Việt chỉ mang lèo tèo một vài sản phẩm với số lượng nhỏ để chào hàng, ngay cả catalog giới thiệu thậm chí cũng không có hoặc khá đơn điệu.
Điều đó đặt ra vấn đề là sự chuẩn bị cho lần gặp đầu tiên này của các DN Việt chưa thật sự ấn tượng, khiến DN mất đi cơ hội vào các kênh bán lẻ hiện đại.
Hoặc khi phía đối tác đặt ra các câu hỏi về doanh số bán hàng, giá bán lẻ, vấn đề chiết khấu, vận chuyển hàng hóa, có đảm bảo hàng đều đặn hay không…, nhiều DN không thể giải đáp hết.
Chỉ những chuyện đơn giản như vậy cũng khiến cho những người quan tâm đến nội lực của DN Việt phải sốt ruột. Bởi lẽ, nếu không cải thiện năng lực cạnh tranh của sản phẩm thì nguy cơ thua trên sân nhà của DN Việt, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, là rất cao, chứ chưa nói đến xuất khẩu.
Chính vì vậy, việc cải thiện nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh là vấn đề sống còn của DN nội hiện nay. Theo chuyên gia nghiên cứu thị trường Nguyễn Kim Thanh, một khi đã gặp gỡ các đối tác, các DN cần tìm hiểu xem nhà mua hàng là ai. Họ có thể là nhà nhập khẩu rồi phân phối lại cho nhà bán lẻ, hoặc mua trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc thông qua công ty môi giới…
Các đối tác mua hàng cũng có thể đóng gói sản phẩm với tên của họ, còn tên nhà sản xuất ở cuối cùng hàng mã số về xuất xứ.
Họ có hoặc không có bộ phận đảm bảo chất lượng vì chi phí cao nên họ chọn qua công ty môi giới có cung cấp đảm bảo chất lượng, nếu có vấn đề thì công ty môi giới chịu trách nhiệm…
Hàng Việt mất đi một nửa cơ hội vì chậm cải thiện nội lực |
Đầu tư cho công nghệ
Các DN Việt muốn gia tăng hiệu quả trong buổi gặp gỡ với các đối tác mua hàng phải hiểu rõ những vấn đề này. Trên thực tế, các nhà bán lẻ sẽ mua trực tiếp từ nhà sản xuất nếu như các DN đủ lớn, cung cấp đủ hàng và đủ tiêu chuẩn.
Cũng theo bà Thanh, có nhiều DN Việt xây dựng website đơn điệu, không có tiếng Anh đầy đủ, nội dung không phong phú ở cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Nhà mua hàng sẽ xem website của DN trước, nếu thiếu website thì sẽ không có bước tiếp xúc, mất đi ấn tượng đầu tiên và sẽ mất đi một nửa cơ hội.
"Do đó, nếu DN làm xuất khẩu phải đầu tư website cho thật tốt, ấn tượng. Các thông tin càng chi tiết càng tốt. Có sản phẩm quy cách, không để giá nhưng cung cấp kỹ các thông tin tham khảo như về năng lực cung cấp…", bà Thanh chia sẻ.
Trong khi đó, chuyên gia của Deloitte đưa ra lời khuyên, khi DN đã đầu tư công nghệ thì phải làm sao để đáp ứng được thị trường, phải có đủ năng lực sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, khả năng phân tích rất chắc chắn để đo lường các dự đoán, hiện thực hóa vốn đầu tư của DN, nhà máy… Máy móc hoạt động với công suất 80% tức là bán hàng đang tốt, nhưng xuống dưới 60% thì chắc chắn đang có vấn đề.
Ngay như với cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra ở đợt 3 mà nhiều người cho rằng các DN Việt sẽ có nhiều lợi thế lớn, nhưng nếu không cải thiện nội lực thì cũng khó tận dụng cơ hội.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, Ts Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, lưu ý các DN Việt không thể nghĩ chỉ có xuất khẩu mà không có nhập khẩu. DN cũng không thể nghĩ rằng muốn có thị trường nước ngoài mà thị trường trong nước lại đi bảo hộ.
Ông Lịch cho rằng một số loại hàng Việt chất lượng cao hiện nay hoàn toàn có thể đứng vững trên thị trường nội địa chứ không phải bị hàng Trung Quốc lấn át. Vì vậy, cần có niềm tin là tùy hàng hóa, tùy sản phẩm và tùy DN mà DN Việt có thể nâng chất lượng và giá cạnh tranh ở thị trường nội địa.
"Tôi nghĩ rằng Nhà nước cần quan tâm hệ thống phân phối nội địa, đây là vấn đề rất quan trọng. Trong thương mại, ai kiểm soát được kênh phân phối thì người đó sẽ chi phối sản xuất rất lớn. Tôi lo vấn đề này hơn là lo hàng Trung Quốc cạnh tranh trên thị trường Việt", ông Lịch nói.
Thế Vinh