Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng để tận dụng và phát huy lợi thế cũng như các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), các doanh nghiệp (DN) phải chủ động thích ứng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao giá trị xuất khẩu (XK) để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần thay đổi căn bản về xúc tiến thương mại (XTTM) theo hướng thiết thực và hiệu quả.
Cạnh tranh gay gắt
Hiện nay, hàng hóa XK của Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt. Cụ thể, ông Jonas Grunder, Phó Giám đốc Quốc gia Văn phòng Hợp tác Thụy Sỹ, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam, nhận định các DN XK sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như rào cản hội nhập (thủ tục hải quan, yêu cầu chất lượng, chứng nhận, thông tin thị trường, bao bì và ghi nhãn sản phẩm); luật pháp (chưa hiểu biết về thị trường nước ngoài với các quy tắc và quy định khác nhau); tiêu chuẩn bền vững về môi trường, xã hội…
Ông Lê Bá Ngọc, Hiệp hội XK hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, chia sẻ trong bối cảnh đất nước trong giai đoạn hội nhập còn nhiều khó khăn, DN phải cạnh tranh "tay không bắt giặc".
Những nền kinh tế như Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, Ấn Độ có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho DN, cho khách hàng nhập khẩu hàng của mình. Như Hong Kong cạnh tranh bằng một chuyến bay miễn phí; Thái Lan, Ấn Độ và Philippines là khách sạn miễn phí… Trong khi đó, Việt Nam không đủ tiềm lực để làm việc này.
Vì vậy, để cạnh tranh, DN cần phải tập trung phát triển sản phẩm mới. Tuy nhiên, rất nhiều DN không sẵn sàng trả tiền để nghiên cứu sản phẩm. Do vậy, Hiệp hội cần phải đứng ra nghiên cứu giúp cho DN, sau đó đem bán lại cho những DN cần.
Đặc biệt, theo ông Ngọc, DN cần phải phát huy hiệu quả xúc tiến XK. Thời gian vừa qua, do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, nhiều khách hàng đã rời bỏ thị trường Trung Quốc, nhưng sau đó phản ánh với Hiệp hội vì sao giá sản phẩm Việt Nam đắt như vậy. Nguyên nhân là do DN Việt Nam không chuyên nghiệp trong việc báo giá, giải thích cho khách hàng hiểu sản phẩm của mình có chất lượng và độc đáo thế nào.
"Từ năm 2003 đến 2013, suốt 10 năm trời, chúng tôi cứ tìm cách làm sản phẩm chè Việt Nam rồi xuất sang châu Âu, nhưng kết quả vẫn cứ đì đẹt", ông Phạm Minh Đức, Giám đốc điều hành Ecolink (công ty sản xuất chè hữu cơ), cho rằng lý do là DN không hiểu thị trường mình XK.
Bài học ấn tượng nhất với Ecolink là ngoài việc DN phải kết nối với cơ quan xúc tiến, tham gia các hội chợ. Muốn hiểu đối tác cần gì, nhân viên công ty phải lái xe vòng quanh châu Âu gặp từng DN để giới thiệu cho họ biết mình là ai, sản phẩm của mình như thế nào.
"Nói thật là chè Việt Nam bị người tiêu dùng châu Âu ấn tượng xấu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chúng tôi nói mình đạt chất lượng hữu cơ nhưng rất lâu sau DN chè châu Âu mới tiếp chúng tôi, sau khi chứng minh cho họ hiểu sản phẩm của mình như thế nào, họ mới yên tâm hợp tác", ông Đức chia sẻ.
Ông Nguyễn Huy Thông, Giám đốc kinh doanh công ty Mây tre đan XK Ngọc Động (Hà Nam), cũng cho rằng muốn bán hàng thì phải tìm hiểu thị trường, vì có nhiều rào cản, yêu cầu khác nhau, không thị trường nào giống với thị trường nào.
Không phải cứ đem hàng ra nước ngoài bán mới có thể XK được |
DN, hiệp hội phải "tự cứu mình"
Để đẩy mạnh XK trong thời gian tới, ông Phạm Minh Đức cho biết hiện nay do nguồn lực hạn chế, trong khi muốn đưa sản phẩm ra thị trường, DN phải tổ chức sản xuất, duy trì chứng nhận, phát triển sản phẩm, dịch vụ khách hàng…, nên DN chỉ muốn tập trung vào một số việc trọng tâm như dịch vụ khách hàng và phát triển sản phẩm. Còn những vấn đề khác như duy trì chứng nhận, nghiên cứu thị trường…, DN rất mong nhận được sự hỗ trợ từ phía hiệp hội.
Hiệp hội có thể trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ như một DN và phải cạnh tranh để cung cấp những dịch vụ mà DN không muốn tập trung quá nhiều vào. Còn về phía Nhà nước, DN hy vọng cơ chế chính sách thông thoáng, thông tin về thị trường cụ thể với từng ngành hàng.
Ông Nguyễn Trọng Bảo, đại diện một DN chuyên về XK, cũng cho rằng khi DN Việt vẫn mạnh ai nấy làm, nhiều DN "ngồi chờ" Nhà nước thì vai trò của hiệp hội rất quan trọng. Hiệp hội phải thay đổi tư duy XTTM, phải tự cứu mình, chứ đừng ngồi chờ. Hiệp hội có thể thành lập văn phòng xúc XTTM ở nước ngoài, tự trả tiền, tự lo phí. Nguồn tài chính do thành viên nộp, ai sử dụng thông tin – người đó trả tiền.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương), sự chủ động của DN có vai trò rất quan trọng trong việc gia tăng kim ngạch XK. Thời gian qua, kim ngạch XK cao gấp 12 lần so với GDP cho thấy kinh tế Việt Nam dựa chủ yếu vào XK. Trách nhiệm cơ quan nhà nước là duy trì kim ngạch XK cao và bền vững trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ DN XTTM hiệu quả, giảm chi phí nguồn lực. Theo đó, chính sách XTTM sẽ tập trung hỗ trợ các DN, đặc biệt là DN nhỏ.
Đáng chú ý, nói tới XTTM, đại đa số DN nghĩ ngay tới hội chợ, triển lãm nhưng hàm ý hoạt động XTTM rộng hơn, đó là sự kết nối giữa người mua – người bán. Trong thời gian tới, Cục XTTM sẽ tăng cường cung cấp thông tin thị trường, kết nối giữa nhà XK Việt Nam với nhà nhập khẩu nước ngoài…
Ở một góc độ khác, Ts. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng xúc tiến XK nhiều khi không phải chỉ chạy ra nước ngoài mà có thể làm ngay từ trong nước. Ví dụ như có thể gặp ngay Samsung để xúc tiến, nếu DN cung ứng làm ra được phụ kiện cho Samsung nghĩa là DN đang XK. Hay như FPT viết phần mềm cho các công ty nước ngoài cũng chính là XK.
"Nhiều người nghĩ phải ra nước ngoài, bán hàng cho người nước ngoài và người ta trả ngoại tệ mới là XK. Ngoại tệ chỉ là phương thức thanh toán. Nếu cung cấp dịch vụ cho khách nước ngoài đến Việt Nam là XK du lịch, mở trường đại học dạy sinh viên quốc tế cũng là XK…", ông Thành chia sẻ.
Cùng với đó, nền tảng số đang mang lại cơ hội lớn cho hoạt động XK của Việt Nam, giúp các mặt hàng thế mạnh như dệt may, da giày, đồ gỗ, các mặt hàng nông sản… tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một con số đáng chú ý về giá trị thương mại số đối với Việt Nam là giá trị XK theo hình thức này tăng hơn 570% đến năm 2030, đến từ các ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nội dung số, thương mại điện tử.
Lê Thúy
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu Mỗi DN có cách đi nhưng cuối cùng đích chung là tiếp cận vào từng thị trường. Sự chủ động của DN là yếu tố then chốt để hàng hóa Việt Nam đẩy mạnh ra nước ngoài. Bên cạnh đó, vai trò của hiệp hội rất quan trọng. Hiệp hội định hướng, dẫn dắt làm những việc DN chưa làm được, sau đó DN làm được thì hiệp hội sẵn sàng nhường sân. Nhà nước có vai trò thiết lập môi trường, cơ chế chính sách thuận lợi cho DN. Ông Gijae Seong - Giám đốc Phát triển bán hàng toàn cầu, Amazon Global Selling Đông Nam Á và châu Úc Với việc bán hàng trực tuyến, DN sẽ không cần có chi nhánh khắp mọi nơi trên thế giới mà dùng nền tảng trực tuyến để tiếp cận thông tin. Nhà sản xuất kiểm soát được giá do tiếp cận trực tiếp với khách hàng, nhận phản hồi của khách hàng, không cần nhìn số liệu báo cáo hàng năm, điều này giúp tăng lợi nhuận và xây dựng thương hiệu tốt hơn. Ts Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng CIEM XTTM đừng chỉ nhìn thị trường mà còn là đối tác: chơi với đối tác nào để hợp với FTA mà Việt Nam tham gia, chơi với đối tác nào để hợp với lợi thế cung ứng của mình. Cùng với đó, DN phải có tư duy toàn cầu, hành động cụ thể. Trước khi nghĩ tới lợi nhuận, doanh số, câu chuyện cốt tử là xây dựng và chiếm được lòng tin của khách hàng. |