Như vậy, trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 1,41 tỷ USD (vượt ước tính 0,54 tỷ USD được Tổng cục Thống kê đưa ra ngày 29/3).
Theo báo cáo mới nhất này, Việt Nam xuất siêu 1,63 tỷ USD trong tháng 3. Như vậy, con số về xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm đã được Tổng cục Hải quan điều chỉnh. Trong 2 tháng đầu năm cả nước nhập siêu 220 triệu USD thay vì 64 triệu USD như công bố trước đó.
Trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 1,41 tỷ USD (Ảnh Internet) |
5 nhóm mặt hàng: điện thoại và các loại linh kiện, máy vi tính, dệt may, máy móc thiết bị phụ tùng, da giày vẫn tiếp tục xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong tháng 3. Đặc biệt, mặt hàng điện thoại và các loại linh kiện xuất khẩu 5,38 tỷ USD trong tháng này. Lũy kế 3 tháng, cả nước có 11 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Các mặt hàng chủ đạo như máy vi tính, điện tử, máy móc thiết bị, vải các loại, điện thoại linh kiện, sắt thép, kim loại, hóa chất... tiếp tục được nhập khẩu nhiều. Lũy kế quý I, cả nước có 12 nhóm hàng nhập khẩu trên 1 tỷ USD.
Nhóm hàng ôtô được Tổng cục Thống kê ước tính nhập khẩu 1,8 tỷ USD trong quý I, bằng kim ngạch nhập khẩu của cả năm 2018. Tuy nhiên, số liệu báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, ôtô nguyên chiếc các loại chỉ được nhập về 880 triệu USD.
Các doanh nghiệp FDI xuất khẩu 41,08 tỷ USD trong quý I, nhập khẩu 33,45 tỷ USD. Như vậy, khối FDI xuất siêu 7,63 tỷ USD. Khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 6,22 tỷ USD.
Khối FDI tham gia chính vào xuất khẩu hàng dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải và phụ tùng...
TP HCM, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng... vẫn là những địa phương có giá trị xuất nhập khẩu tỷ USD trong quý I.
Công Trí