Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết thời gian qua có những lô hàng xuất sang Nhật đến nơi rồi bị trả về.
Điển hình, năm 2018 có đến 48 vụ việc sản phẩm nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu (XK) sang thị trường Nhật, sau khi kiểm dịch đã bị trả về vì tồn dư hoạt chất bị cấm hoặc các thuốc bảo vệ thực vật có hàm lượng cao hơn mức cho phép.
Không thể dễ dãi
Theo ông Hưng, hệ thống kiểm dịch và tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản thực phẩm ở Nhật Bản hết sức ngặt nghèo, có yêu cầu cao về chất lượng và kiểm dịch. Cho nên việc XK sản phẩm nông sản Việt sang thị trường này dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, cơ cấu XK nông sản, thuỷ sản của Việt Nam sang Nhật Bản hiện vẫn còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn so với nhu cầu tiêu thụ ở thị trường này.
Chẳng hạn như nhu cầu nhập khẩu rau của Nhật hiện là 2,5 tỷ USD/năm, nhưng năm 2018, Việt Nam mới chỉ XK được khoảng 34 triệu USD. Đặc biệt, trong 3,4 tỷ USD/năm nhu cầu nhập trái cây của Nhật, Việt Nam đến nay mới chỉ XK được 36 triệu USD.
Trên thực tế, người tiêu dùng (NTD) Nhật gần đây rất ưa chuộng nông sản thực phẩm và các loại gia vị, nước chấm có nguồn gốc từ Việt Nam. Tuy nhiên, việc chưa đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn, còn tồn dư các chất cấm theo quy định của Nhật khó gia tăng kim ngạch XK vào thị trường.
Câu chuyện của tương ớt Chin-su khi xuất sang Nhật rồi bị thu hồi cũng thể hiện rõ những vấn đề còn tồn tại khi XK nông sản thực phẩm Việt đến thị trường này, khi mà tiêu chuẩn thực phẩm ở Việt Nam được cho là dễ dãi hơn so với Nhật Bản.
Chưa kể, còn có sự nhập nhằng về đơn vị XK sản phẩm tương ớt này. Dù từ đầu tháng 1/2018 đến tháng 3/2019 có hơn 109 tấn tương ớt trị giá 151.000 USD từ Tp.HCM được XK sang Nhật, nhưng khi nước này có động thái thu hồi 18.000 chai tương ớt Chin-su nhập khẩu thì nhà sản xuất là Masan phủ nhận việc XK trực tiếp hay gián tiếp vào Nhật.
Masan nói rằng nếu XK trực tiếp thì sản phẩm sẽ tuân thủ quy định ghi nhãn của Nhật Bản. Trong khi đó, một số DN Việt được cho là "XK hộ" các lô hàng tương ớt thì vẫn thoái thác trách nhiệm.
Qua vụ việc này, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý Nhật đã thông báo rõ là thu hồi vì sản phẩm có chứa chất cấm, thế nhưng nhà sản xuất chỉ lên tiếng "lấy làm tiếc" vì sự cố ghi nhãn. Điều đó càng cho thấy tiêu chuẩn trong nước quá thấp.
Các DN cần rút ra bài học từ việc Nhật Bản thu hồi tương ớt Chin-su |
Học cách tuân thủ
Một NTD bày tỏ băn khoăn: Khi XK sản phẩm thực phẩm ra nước ngoài rồi không đạt tiêu chuẩn, bị thu hồi thì liệu những sản phẩm như vậy có an toàn cho NTD Việt hay không và các cơ quan kiểm nghiệm trong nước nên làm gì từ vụ tương ớt Chin-su để đảm bảo tốt hơn cho NTD?
Giới chuyên gia khuyến nghị qua việc Nhật Bản cấm chất axit benzoic trong tương ớt và nhiều loại quả nghiền, quả ngâm cho thấy cần có những thay đổi trong danh mục phụ gia của Việt Nam. Đặc biệt là nhiều năm nay, khoa học đã chứng minh được axit benzoic và muối benzoate khi gặp vitamin C (axit ascorbic) có trong thực phẩm sẽ tạo thành phản ứng sinh ra chất gây hại cho sức khoẻ.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, tiêu chuẩn các sản phẩm XK vào thị trường này bắt buộc là phải qua kiểm tra sản phẩm và không thể bán ở Nhật mà không có chứng nhận tuân thủ các tiêu chuẩn quy định, được chia thành hai loại hình: Các quy định kỹ thuật (hay còn gọi là các tiêu chuẩn bắt buộc) và các tiêu chuẩn tự nguyện (không bắt buộc).
Việc tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn được quản lý bởi hệ thống chứng nhận trong đó kết quả kiểm tra xác định có chấp thuận hay không (chứng nhận/ chất lượng).
Hai cơ quan quản lý đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động thiết lập tiêu chuẩn ở Nhật Bản là: Ủy ban Tiêu chuẩn Công nghiệp Nhật Bản (JIS) và Ủy ban Tiêu chuẩn Nông nghiệp Nhật bản (JAS).
Do đó, các nhà XK nông sản thực phẩm Việt nếu có ý định thâm nhập thị trường Nhật Bản cần có được các dấu chứng nhận JIS, JAS hoặc Ecomark (dấu tiêu chuẩn môi trường) cũng như chế độ xác nhận trước về thực phẩm nhập khẩu các loại khác cho sản phẩm của mình để đảm bảo rằng các sản phẩm này đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu tại thị trường Nhật Bản, từ đó dễ dàng cho việc tiêu thụ hàng hóa.
Hơn nữa, thực tế cho thấy nếu chất lượng của một sản phẩm thực phẩm Việt đã được thị trường Nhật Bản chấp thuận thì sản phẩm đó hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt được ở các thị trường khác.
Theo lưu ý của ông Đỗ Quốc Hưng, những vấn đề mà XK sản phẩm nông sản Việt sang Nhật gặp phải cần được các cơ quan quản lý cũng như phía DN nhận diện và xử lý. Đặc biệt, DN cần tìm hiểu kỹ thông tin về thị trường Nhật, về người mua, người bán và phải giải quyết được vấn đề về tiêu chuẩn chất lượng nông sản XK khi mà tỷ lệ sản phẩm nông sản sạch của Việt Nam vẫn còn hạn chế.
Thế Vinh