Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu từ khu vực ASEAN đạt 43,8 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam vào thị trường này trong 8 tháng qua dù có tăng 27,6% nhưng cũng chỉ đạt 23,5 tỷ USD.
Vẫn còn bỏ ngỏ
Trước tình hình như vậy, chuyên gia quản lý doanh nghiệp Đỗ Hoà, Tổng giám đốc Công ty Tư Vấn Tinh Hoa Quản Trị, đã đặt vấn đề: Tại sao hàng hóa ASEAN vào Việt Nam rất nhiều, nhưng hàng Việt Nam vào các nước ASEAN khác lại rất thấp?
Sản phẩm tốt nhất để các DN Việt XK ra thị trường khu vực phải là sản phẩm chất lượng tốt của Việt Nam. |
Hoặc như với Trung Quốc, đây vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 81,8 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Trái lại, XK của Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 34,3 tỷ USD, chỉ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 47,5 tỷ USD, tăng 21,9%.
Còn với Ấn Độ, số liệu cập nhật gần nhất là trong 7 tháng đầu năm nay cho thấy dù tiếp tục đạt mức tăng khá, gần 39% so với cùng kỳ, nhưng kim ngạch XK của Việt Nam cũng chỉ đạt khiêm tốn vào khoảng 4,7 tỷ USD.
Theo chuyên gia Đỗ Hoà, các doanh nghiệp (DN) Việt dường như vẫn đang bỏ ngỏ thị trường khu vực (gồm Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN). Phải chăng là vì các DN đang thiếu một chiến lược hiệu quả để khai thác những thị trường lớn nằm kề cận này?
Như lưu ý của ông Hoà, hàng hóa Việt Nam nếu không XK đi các nước trong khu vực được, thì về lâu dài không giữ được thị phần trên "sân nhà". Ngoài ra, nên có phương án dự phòng khai thác thị trường khu vực bù cho thị trường xa bất ổn do xung đột, do giá nhiên liệu cao.
“DN Việt Nam cần có chiến lược phù hợp để khai thác thị trường khu vực, chứ không chỉ dựa vào các thị trường ưu đãi, thị trường dễ tính, thị trường giá thấp mãi được”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo đó, các DN cần phải chịu khó bỏ công sức nghiên cứu, vạch chiến lược để khai thác xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống phân phối thì mới có thể thâm nhập vào thị trường của họ được.
Một số câu hỏi cũng được đặt ra là bán sản phẩm gì cho thị trường khu vực? Thực ra, như chia sẻ của chuyên gia Đỗ Hoà, các DN Việt Nam hoàn toàn có thể thâm nhập tốt vào thị trường khu vực nếu thực sự muốn làm, nếu thực sự lên kế hoạch để làm, và kiên trì bám đuổi mục tiêu. Chỉ cần các DN sản xuất được sản phẩm thực sự tốt (nhất là đừng nhập hàng nước khác về dán nhãn Việt), có chiến lược marketing bài bản, hàng Việt hoàn toàn có thể thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường khu vực.
Tại sao chúng ta không làm được như họ?
Trên thực tế, người Thái Lan, Malaysia sẵn sàng bỏ tiền mua với giá cao nếu biết rằng mua được những sản phẩm tốt nhất của Việt Nam. Cho nên, sản phẩm tốt nhất để các DN Việt XK ra thị trường khu vực phải là sản phẩm chất lượng tốt của Việt Nam.
Điều này cũng cần các DN trong nước suy ngẫm trước thành công và chiếm lĩnh được thị trường Việt của nhiều mặt hàng nhập khẩu từ các quốc gia trong khu vực. Phải chăng là họ làm thị trường (marketing) tốt hơn mình? Chất lượng sản phẩm của họ tốt hơn mình? Giá thành của họ cạnh tranh hơn mình? Họ tổ chức và quản lý kinh doanh hiệu quả hơn mình?
Theo Tổng giám đốc Công ty Tư Vấn Tinh Hoa Quản Trị, những vấn đề này đều đúng. Vì thế, các DN Việt cũng nên tự vấn tại sao chúng ta không làm được như họ? Tại sao chúng ta không thâm nhập và chinh phục được thị trường của họ?
Riêng về xây dựng mạng lưới phân phối ở thị trường khu vực cho một số sản phẩm XK có thế mạnh của Việt Nam, giới chuyên gia chỉ ra rằng, trong quá trình thâm nhập hoặc thiết lập mạng lưới phân phối đòi hỏi các DN Việt cần nắm được những định hướng lớn về phát triển thị trường khu vực cũng như kế hoạch triển khai của các đối tác, đối thủ, thận trọng và chắc chắn để tìm được những cách thức phù hợp về chiến lược kinh doanh, về năng lực phân phối, về đối tác địa phương…
Lâu nay, nhiều DN Việt Nam thường XK hàng hóa sang các thị trường khu vực qua nhiều trung gian nước ngoài, dẫn đến khó nắm bắt được tận gốc nhu cầu của người tiêu dùng nước sở tại. Cũng do XK gián tiếp và phân phối hàng hóa qua nhiều cấp nên DN bị phụ thuộc nhiều vào đối tác trung gian, lợi nhuận XK trên doanh thu thấp.
Song song đó, chất lượng, mẫu mã hàng hóa, danh mục sản phẩm… khó theo kịp xu hướng tiêu dùng và các quy định của thị trường khu vực. Hơn nữa, do không có “tiếng nói”, “vị thế” trong mạng lưới phân phối nên nhiều DN Việt cũng không chủ động được chiến lược kinh doanh, tiếp thị, phát triển thị trường và khó phát triển được thương hiệu của mình tại thị trường khu vực.
Vì vậy, bên cạnh việc củng cố năng lực cạnh tranh hiệu quả trên “sân nhà” trước hàng hoá nhập khẩu từ thị trường khu vực, các DN Việt cần tiến tới cạnh tranh bài bản, có mô hình kinh doanh linh hoạt với diễn biến tình hình. Và để tạo "cú hích" mạnh hơn trong hoạt động XK vào thị trường khu vực đòi hỏi các DN Việt nên có chiến lược phù hợp hơn trong thời gian tới.
Thế Vinh