Thông tin đưa ra ngày 14/9 của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho thấy xuất khẩu (XK) cá tra sang Anh tháng 8/2022 tăng gấp 3 lần cùng kỳ, đạt trên 7 triệu USD.
Chớp cơ hội ở thị trường Anh
Tính luỹ kế 8 tháng đầu năm nay, XK cá tra sang Anh đạt gần 47 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ. Trong đó, sản phẩm cá tra phile/cắt khúc đông lạnh chiếm 79%, cá tra chế biến chiếm 17%, còn lại là cá tra nguyên con chiếm 4%.
Trong quý 3/2022, các DN xuất khẩu cá tra tiếp tục duy trì phong độ, nhờ tận dụng tốt cơ hội từ các thị trường lớn nên doanh thu giữ mức tăng đột biến. |
Theo bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Vasep.Pro, XK thuỷ sản sang Anh những tháng cuối năm đang có những tín hiệu tích cực hơn so với đầu năm, nhất là với những mặt hàng như cá tra đang hồi phục mạnh. Với đà tăng trưởng thuận lợi như vậy, dự báo XK cá tra sang Anh sẽ đạt khoảng 67 triệu USD trong năm 2022, tăng 30% so với năm 2021.
Xét về yếu tố chớp cơ hội của XK cá tra ở thị trường Anh, cần thấy rằng Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Anh có cơ chế tiếp nối FTA Việt Nam - EU (EVFTA), nghĩa là cá tra có lộ trình giảm thuế về 0% sau 3 năm. Cho nên, từ đầu năm 2022 đến nay, sản phẩm cá tra của Việt Nam gần như được nhập khẩu vào Anh với mức thuế 0%.
Tuy nhiên, khả năng chớp cơ hội của cá tra Việt tại thị trường Anh còn cần phải ghi nhận từ việc “biến nguy thành cơ”. Nhất là thời gian qua, lạm phát tại Anh ở mức cao kỷ lục 40 năm và gần như cao nhất ở các nước châu Âu, nên tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm có giá cao bị hạn chế.
Trong khi đó, XK cá tra của Việt Nam sang Anh vẫn giữ được tăng trưởng cao vì cá tra có giá vừa phải, hơn nữa tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến Anh bị thiếu nguồn cung cá thịt trắng do lệnh cấm thuỷ sản từ Nga.
Sự sụt giảm lượng cá thịt trắng đột ngột của Anh do tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Nga, trong đó có sản phẩm cá thịt trắng khi cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra đã đẩy giá nguyên liệu thủy sản tại thị trường này tăng, các nhà nhập khẩu của Anh đang gặp nhiều khó khăn để tìm nguồn sản phẩm thay thế. Và các doanh nghiệp (DN) XK cá tra của Việt Nam đã nắm bắt cơ hội tốt này để đẩy mạnh thị phần XK sang Anh.
Cùng với đó là khủng hoảng năng lượng và nguyên liệu tăng cao đang gây ra thiệt hại nặng nề và lâu dài cho ngành fish and chips (món thức ăn nhanh truyền thống của nước Anh, gồm có phi lê cá đã được tẩm bột rồi sau đó đem chiên ngập dầu và ăn kèm với khoai tây chiên), nên cá tra từ Việt Nam càng thêm cơ hội trở thành loài cá thay thế trên thị trường Anh.
Không chỉ với thị trường Anh, XK cá tra cũng được ghi nhận tăng trưởng tốt ở nhiều thị trường khác. Trong tháng 8/2022, XK cá tra Việt Nam đạt trên 187 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, XK cá tra đã mang về cho Việt Nam gần 1,8 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ.
Duy trì “phong độ” trong quý 3/2022
Điển hình như XK cá tra sang các nước thuộc Hiệp định CPTPP vẫn giữ mức tăng trưởng 3 con số (123%) tính riêng trong 7 tháng đầu năm nay. Khối thị trường này đã tiêu thụ hơn 13% tổng XK cá tra của Việt Nam.
Cũng theo bà Lê Hằng, thuế nhập khẩu 0% theo Hiệp định CPTPP và sự lựa chọn của người tiêu dùng chuyển sang loài cá có giá vừa phải như cá tra, là những yếu tố giúp XK cá tra sang các nước CPTPP giữ được tăng trưởng đầy lạc quan từ đầu năm đến nay và vẫn có thể giữ đà tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm.
Rõ ràng, khả năng chớp cơ hội, “biến nguy thành cơ” của ngành hàng cá tra là rất tốt khi mà XK thủy sản nói chung sang nhiều thị trường gặp bất ổn vì biến động tiền tệ và cước vận tải quá cao.
Giới phân tích nhận định ngành cá tra tại Việt Nam thường vận động theo chu kỳ (chu kỳ gần nhất 2017 – 2019). Sau khi chịu tác động bởi giai đoạn ngành đi xuống (2019) và 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và chuỗi cung ứng đứt gãy (2020 – 2021), xét từ đầu năm 2022 đến nay thì có thể khẳng định ngành cá tra đã “bùng nổ” trở lại khi bước vào chu kỳ tăng trưởng khá tốt.
Còn theo đánh giá từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán KIS, các DN XK cá tra tiếp tục duy trì phong độ trong quý 3/2022. Doanh thu của các DN này có thể giữ mức tăng đột biến do Trung Quốc có thể sớm nới lỏng quá trình nhập khẩu, thúc đẩy sản lượng cá tra XK.
Hơn nữa, phía KIS cho rằng xung đột Nga - Ukraine tiếp tục là cơ hội cho các doanh nghiệp XK cá tra chiếm thị phần tại các thị trường có mức tiêu thụ cá thịt trắng lớn. Và áp lực lạm phát có thể thúc đẩy nhu cầu cá tra (là sản phẩm thiết yếu nhưng giá thấp) ở nhiều thị trường.
Điều này cho thấy “bức tranh sáng” của ngành hàng cá tra so với các ngành hàng thuỷ sản chủ lực khác. Đơn cử như với ngành hàng tôm. Giới phân tích lưu ý doanh thu XK tôm tăng trưởng chậm lại trong quý 3/2022 do hàng tồn kho của thị trường Mỹ dư thừa, khiến sản lượng tôm XK đến Mỹ giảm. Hơn nữa, áp lực lạm phát gia tăng có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ tôm.
Cần nhắc lại, ngay từ hồi quý 1/2022, khi bàn về chuyện ứng biến của DN Việt trước xung đột giữa Nga - Ukraine, Ts. Trần Quốc Hùng, chuyên gia kinh tế tại Mỹ, có nhấn mạnh đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam tăng cường XK nông lâm thuỷ sản, nâng cao thị phần ở EU. Và có thể nói, các doanh nghiệp XK cá tra đã và đang tận dụng tốt được cơ hội này.
Thế Vinh