Ông Trần Đình Toản, Phó Tổng Giám đốc công ty CP đầu tư và Công nghệ OSB (Đại lý ủy quyền chính thức của Alibaba.com), cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, doanh nghiệp (DN) không có lựa chọn khác ngoài con đường xuất khẩu trực tuyến.
Số lượng sản phẩm của DN Việt Nam trên nền tảng Alibaba chỉ bằng 50% của các DN nước ngoài khác. Tuy nhiên, lượng hỏi hàng đối với DN Việt Nam lại ở top đầu. Vì vậy, dư địa cho DN Việt còn rất nhiều và cần tăng thêm số lượng sản phẩm trên gian hàng.
Bán hàng Việt đi khắp thế giới
Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Quốc gia Amazon Global Selling, cho biết doanh thu thương mại điện tử của thế giới sẽ vượt ngưỡng 3,3 nghìn tỷ USD trong năm 2020. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử vượt xa tốc độ tăng trưởng của bán hàng offline.
Doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến để nắm lợi thế cạnh tranh (Ảnh: TL) |
"Trên nền tảng Amazon, có DN nhỏ và vừa Việt Nam bắt đầu chỉ với 2 người, giờ đã xuất khẩu (XK) hàng hóa đi 30 quốc gia, mở 4-5 nhà máy tại Việt Nam", ông Thủy cho biết.
Bà Trần Thị Hoài Tú, Giám đốc XK công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn - chuyên sản xuất vật liệu xây dựng, cho biết trước kia, sản lượng XK của DN này chỉ chiếm 5-7%, nhưng từ khi đẩy mạnh phương thức XK trực tuyến, năm 2019 sản lượng XK tăng lên 13%, năm nay phấn đấu đạt trên 20%.
Ông Vũ Tú Thành, Giám đốc Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), đánh giá, so với các nước trong khu vực, việc ứng dụng nền tảng công nghệ trong XK của Việt Nam đã có bước phát triển vượt trội.
"Lúc đầu tôi ngạc nhiên nhưng sau đó tìm hiểu mới thấy Thái Lan ứng dụng thương mại điện tử trong XK thua Việt Nam bởi vì thương mại vật lý họ đang tốt nên động lực chuyển đổi số không lớn như Việt Nam", ông Thành nói và cho rằng đây là cơ hội để đẩy mạnh XK hàng Việt Nam ra khắp thế giới.
Tuy vậy, đó chỉ là những điểm sáng trong hoạt động XK trực tuyến hiện nay. Công ty TNHH Chế biến và XK Nông sản Việt Nam chuyên cung cấp các sản phẩm trà để chữa bệnh giảm mỡ máu, giảm cân, điều trị cao huyết áp... Trong bối cảnh dịch COVID-19, hoạt động của DN rất khó khăn. Giải pháp đẩy mạnh XK trực tuyến thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đã được DN được tính đến, nhưng vấn đề băn khoăn nhất của DN chính là làm thế nào để đưa hàng hóa lên các kênh bán hàng trên? Đây cũng là băn khoăn của rất nhiều DN Việt.
Quan trọng là phải nhanh
Hơn nữa, qua quá trình tư vấn cho DN Việt Nam, ông Trần Đình Toản nhìn nhận, DN Việt Nam vẫn còn một số hạn chế trong năng lực cạnh tranh. Rất nhiều DN hoạt động tích cực, sản phẩm tốt nhưng giá thành của họ cao hơn các nước khác.
"Chúng ta đều biết câu nói biết người biết ta, thương mại điện tử dễ cho chúng ta nhưng cũng dễ cho tất cả các nước khác. Vì vậy, muốn giành được chiến thắng sản phẩm của mình phải có lợi thế cạnh tranh", ông Toản nhìn nhận.
Lợi thế cạnh tranh đến ngay từ việc khi khách hàng nước ngoài hỏi sản phẩm của mình, trong vòng 2 tiếng chúng ta phải có phản hồi ngay. Nếu chậm tất nhiên họ sẽ chọn nhà cung ứng khác.
Trong khi đó, ông Thủy nhìn nhận thương mại điện tử hay Amazon không "phải đũa thần" để DN Việt đưa hàng vào là thành công ngay. DN muốn "hái trái ngọt", thu thành quả đòi hỏi phải chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ chuyên trách bán hàng chiều lòng "thượng đế" nước ngoài.
Vì vậy, DN cần nâng cao kỹ năng, trước khi đưa ra quyết định giao thương lớn cần phải tìm tới các dịch vụ tư vấn pháp lý, đảm bảo điều khoản hợp đồng phù hợp, chặt chẽ. Điều này sẽ giúp DN tránh được những rủi ro, lừa đảo đáng điếc.
Đề cập tới việc ứng dụng XK trực tuyến trong việc tận dụng Hiệp định EVFTA, ông Hoành Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Doanh nghiệp Việt Nam ở châu Âu, cho rằng, khi tham gia EVFTA, nhiều người đều có cảm giác DN trong nước yếu hơn DN trong khối EU. Có thể đúng là như vậy nhưng DN Việt chắc chắn vẫn có nhiều điểm mạnh có thể khai thác được. Vấn đề chỉ là sử dụng như thế nào. DN chuyển đổi tư duy bán hàng thương mại điện tử đòi hỏi phải chuyển đổi hình thức kinh doanh, xây dựng đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp từ đóng gói, tương tác với khách hàng.
Đặc biệt về vấn đề pháp lý, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho hay: Việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động xuyên biên giới là không hề dễ, ngay cả với những nước có hệ thống pháp luật tân tiến.
Chính vì vậy, ông cho biết, Bộ Công Thương đang thay đổi cách tiếp cận theo hướng không tham vọng có thể tạo ra được khung khổ pháp lý cho tất cả các loại hàng hóa, thương mại nói chung sẽ bắt đầu từ những mặt hàng cụ thể đang có lợi thế, sau đó điều chỉnh dần dần cho phù hợp với thị trường.
“Tôi cho rằng với cách tiếp cận này sẽ mở ra con đường mới cho thương mại điện tử xuyên biên giới và ứng dụng vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa”, ông Hải nói.
Lê Thúy