TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn "Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa" sáng ngày 28/7 để thấy vai trò của thương mại điện tử trong xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.
Doanh nghiệp phải thần tốc, thần tốc hơn
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, nếu như trước đây, chỉ có DN lớn mới nắm vai trò thống lĩnh trong nền thương mại toàn cầu. Bây giờ khi xuất hiện nền tảng thương mại điện tử, DN siêu nhỏ đã có cơ hội chắp cánh vươn ra thị trường thế giới.
Chuyển đổi số với thương mại điện tử qua biên giới sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn từ COVID-19 |
"Nhờ thương mại điện tử, một anh nông dân ở Đăk Lăk bằng một cú nhấp chuột có thể bán cà phê ở Paris, một bà thợ may ở Hội An có thể may đo cho khách hàng ở New York. Thời thương mại điện tử, bà đồng nát có thể lên internet bán hàng". ông Lộc nhấn mạnh.
Trong thời đại 4.0, thương mại điện tử đang mở ra cơ hội tương tác trực tiếp giữa người sản xuất với tiêu dùng. Người tiêu dùng đặt hàng dẫn dắt nền sản xuất là xu hướng toàn cầu. Đây là mối quan hệ xã hội mới hình thành giữa người mua và người bán.
Vì vậy, Chủ tịch VCCI khuyến nghị DN cần bỏ tư duy chuyển đổi số là sợ mất mát, ngại thay đổi. DN đừng xem chuyển đổi số là phương tiện "show diễn", tốn chi phí mà phải là yêu cầu để cạnh tranh.
"Doanh nghiệp phải thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa trong chuyển đổi số. Phát triển bền vững ở trong tim, chuyển đổi số ở trong đầu. DN Việt Nam vững tin trong hội nhập, EVFTA là cơ hội của chúng ta". Chủ tịch VCCI nói.
Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C).
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
Báo cáo của Bộ Công Thương tại Diễn đàn đã cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020 - giai đoạn dịch bệnh COVID-19 lây lan rộng trên phạm vi toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu đạt 122,8 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trừ nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng nhẹ 0,8%, xuất khẩu các nhóm hàng đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, cụ thể, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt 11,7 tỷ USD, giảm 4,6%; xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 34,5%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng cũng ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ như: hàng dệt, may đạt 13,18 tỷ USD, giảm 12,7%; giầy dép đạt 8,13 tỷ USD, giảm 6,9%.
Đẩy mạnh chuyển đổi số để tận dụng EVFTA
Tuy nhiên, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, nhìn theo hướng tích cực, đây cũng thực sự là thời điểm để doanh nghiệp (DN) nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19, chuyển đổi số sẽ giúp các DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Cùng với cơ hội từ EVFTA, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
"Vai trò chính trong chuyển đổi số đối với việc tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại chính là việc cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam một nền tảng số để có thể tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây", ông Hưng nhắn nhủ.
Để hiện thức hóa các cơ hội trên, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử trong giai đoạn hoạt động trao đổi thương mại gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
"Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng cam kết sẽ mở rộng và phát triển nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hơn nữa, xứng đáng là một trong những đơn vị tiên phong trong cải cách hành chính, triển khai Chính phủ điện tử, thực hiện phương châm Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn", ông Hưng nhấn mạnh.
Lê Thúy