Trong việc chuyển đổi số nhằm tạo cú hích trên thị trường xuất khẩu (XK) trực tuyến có thể nhắc đến thương hiệu “Vua Dép Lốp” chuyên sản xuất và kinh doanh dép cao su qua kênh thương mại điện tử (TMĐT) như một ví dụ điển hình.
Website doanh nghiệp còn mỏng
Dù đại dịch Covid-19 tác động lớn đến các doanh nghiệp (DN) giày dép nhưng thương hiệu này vẫn duy trì tốt khi tập trung xây dựng và phát triển hệ thống bán hàng trực tuyến (online) đa kênh và chủ động mở rộng đối tượng khách hàng sang nhóm khách hàng mới từ các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ giúp DN nắm bắt những cơ hội có được từ các FTA thế hệ mới |
Như nhận định của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), “Vua Dép Lốp” đã thành công với việc bán hàng trực tiếp tới khách hàng nước ngoài qua website và nhiều kênh bán lẻ trực tuyến.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của website để phục vụ cho hoạt động XK của DN. Trong khi đó, một cuộc khảo sát cho thấy nếu như năm 2018 có tới 30% DN hàng tháng mới cập nhật thông tin lên website, hơn nữa khi phần lớn khách hàng truy cập Internet từ thiết bị di động nhưng mới có 17% website có phiên bản di động.
Các tỷ lệ này của năm 2019 là 30% và 16%, hầu như không thay đổi so với năm trước. Ngoài ra, chi phí cho tiếp thị trực tuyến khá thấp. Năm 2018 có tới 58% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chi dưới 10 triệu đồng cho tiếp thị trực tuyến, tỷ lệ này năm 2019 vẫn ở mức cao 53%.
Giới chuyên gia cho rằng xu thế tất yếu của hoạt động XK của các DN Việt Nam hiện nay là cần đẩy nhanh việc xây dựng website DN và thường xuyên cập thông tin, và đó là một phần trong tiếp thị trực tuyến và chuyển đổi số phục vụ cho XK. Bên cạnh đó, nếu DN biết vận dụng chuyển đổi số đúng cách cho XK thì chi phí sẽ không đáng kể.
Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cùng với cơ hội từ các FTA, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các DN thâm nhập và mở rộng thị trường XK.
Theo đó, việc chuyển đổi số sẽ giúp các DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình XK linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.Và khi đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ giúp DN nắm bắt những cơ hội có được từ các FTA thế hệ mới, hạn chế cao nhất trở ngại và ảnh hưởng từ Covid -19.
Nhất là với xu hướng XK trực tuyến đang tăng lên nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam trước dự báo quy mô của TMĐT qua biên giới hình thức B2C (giao dịch giữa DN và người tiêu dùng) ở phạm vi toàn cầu sẽ đạt 1.000 tỷ USD trong năm 2020.
Một nghiên cứu toàn diện về mô hình này chỉ ra quy mô của nó sẽ tăng trưởng trung bình 27% cho giai đoạn 2019 – 2027 và sẽ đạt 4.800 tỷ USD vào năm 2027.
Chính sách cần tạo cú huých
Theo VECOM, khi dự thảo Nghị định Quản lý hoạt động TMĐT qua biên giới trong lĩnh vực hải quan, cơ quan soạn thảo chưa có đánh giá định lượng về quy mô XK trực tuyến tới năm 2019 của Việt Nam và cũng không có bất cứ dự báo hay ước tính định lượng nào về quy mô TMĐT qua biên giới, chẳng hạn tới năm 2025.
Nhiều tổ chức và DN liên quan tới XK trực tuyến đã phản án nội dung của bản dự thảo này có tính đột phá và tạo ra cú huých mạnh cho XK trực tuyến.
“Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy TMĐT và kinh tế số không chỉ dừng lại ở việc ban hành các văn bản tháo gỡ các khó khăn nảy sinh từ thực tiễn kinh doanh mà trong nhiều trường hợp cần có tính định hướng thị trường”, báo cáo từ Chỉ số TMĐT Việt Nam 2020 có lưu ý như vậy.
Bên cạnh đó, như băn khoăn của VECOM, giai đoạn tới cản trở lớn nhất liên quan tới hạ tầng Internet chính là tỷ lệ DN có tên miền Internet còn thấp. Việc nâng cao tỷ lệ này hầu như không liên quan tới yếu tố khách quan là hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia mà phụ thuộc hoàn toàn vào nhận thức và chiến lược triển khai TMĐT của DN.
Ngoài các vấn đề nêu trên, trong hoạt động chuyển đổi số cho DN trong XK hàng hoá, TS. Phạm Công Hiệp (Đại học RMIT) cho rằng chuỗi cung ứng trong thương mại quốc tế rất phức tạp vì bao gồm nhiều bên liên quan tại nhiều quốc gia. Nhiều quy trình hiện vẫn dựa trên giấy tờ bản cứng, gây trì hoãn việc chia sẻ thông tin và cản trở hàng hóa lưu thông hiệu quả.
Chính vì vậy, các DN XK của Việt Nam cần quan tâm đến các giải pháp công nghệ chuỗi khối Blockchain trong vận chuyển hàng hải và khai thác cảng có thể cải thiện đáng kể việc số hóa các hoạt động xuyên biên giới, mang lại hiệu quả và giảm chi phí cho DN.
“Ứng dụng như vậy sẽ cho phép theo dõi các chuyển động của lô hàng, tài liệu và giao dịch tài chính, mà không cần dựa vào xác minh của các tổ chức tài chính trung gian hoặc cập nhật thông tin thủ công từ nhiều nguồn khác nhau”, TS. Hiệp nói.
Thế Vinh