Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), XK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản 9 tháng qua đạt trên 46 tỉ USD, tăng 21%, trong đó, XK nông sản đạt 24,85 tỉ USD, tăng 27,7%; chăn nuôi 376 triệu USD, tăng 3,8%; thủy sản 7,2 tỉ USD, tăng 9,5%; lâm sản 12,6 tỉ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng nông sản chủ lực đều tăng trưởng
"Riêng mặt hàng cà phê, giá trị XK đạt 4,3 7 tỉ USD, tăng 39,6%. XK gạo đạt 43,3 tỉ USD, tăng 23,5%" - nguồn tin từ Bộ NN&PTNT cho biết.
XK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản 9 tháng qua đạt trên 46 tỉ USD, tăng 21%, trong đó mặt hàng cà phê, giá trị XK đạt 4,3 7 tỉ USD, tăng 39,6%. |
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), XK rau quả của Việt Nam tiếp tục xác lập con số kỷ lục trong 9 tháng qua khi đã vượt mốc 5,6 tỉ USD, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước. XK rau quả 9 tháng năm 2024 đã bằng kim ngạch của cả năm 2023 và sẽ tăng mạnh trong quý cuối của năm nay.
"XK rau quả nhiều khả năng vượt mốc 6 tỉ USD" - ông Vũ Tuấn Anh - CEO Công ty GLE nhận định.
Trong khi đó, số liệu Tổng cục Hải quan cho thấy 9 tháng năm 2024, XK hồ tiêu của Việt Nam đã đạt trên 200.000 tấn, giá trị hơn 1 tỉ USD (trong khi đó cả năm 2023 chỉ đạt 912 triệu USD). Giá trị XK hồ tiêu đã tăng gần 47% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu 9 tháng đầu năm, sầu riêng nổi lên là loại “trái cây vua”. Theo ước tính sơ bộ của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng thu về 2,5 tỷ USD, tức kim ngạch xuất khẩu của loại trái cây này đã xô đổ kỷ lục 2,24 tỷ USD của cả năm 2023.
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sầu riêng, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc một DN xuất khẩu sầu riêng ở thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk), cho biết, sầu riêng Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng so với hàng Thái Lan, giá cả cũng cạnh tranh hơn. Nhờ đó, lượng sầu riêng xuất khẩu tăng lên và còn nhiều dư địa phát triển ở thị trường Trung Quốc. Năm nay, DN của ông Thanh dự kiến xuất khẩu gần 500 container sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong năm nay chắc chắn vượt mốc 3 tỷ USD. Bởi tháng 10 này, các tỉnh Tây Nguyên vào chính vụ thu hoạch. Sầu riêng nghịch vụ ở các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng sẽ cho thu hoạch vào các tháng cuối năm. Đây cũng là thời điểm các quốc gia cạnh tranh như Thái Lan, Malaysia đã kết thúc mùa thu hoạch nên giá sầu riêng Việt Nam sẽ rất cao. Hiện, giá sầu riêng tại các vùng trồng được thu mua tại vườn dao động 42.000-95.000 đồng/kg tùy loại. Mức giá này giúp nông hộ đạt lợi nhuận lớn từ loại trái cây này.
Một mặt hàng nông sản đạt giá trị “khủng” khác, đó là cà phê. Trong 9 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,1 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch hơn 4 tỷ USD. Dù giảm số lượng, nhưng trị giá kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 9 tháng lại tăng 30%. Cũng với thời gian trên, nếu như xuất khẩu gạo đạt gần 4 tỷ USD thì mặt hàng rau quả cán mốc 4,8 tỷ USD. Đây là nhóm hàng dự báo có nhiều bứt phá về kim ngạch xuất khẩu.
Trong số 10 thị trường chính nhập khẩu rau quả Việt Nam, hầu hết đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, ngoại trừ Hà Lan. Thị trường Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với hơn 65% thị phần. Hai thị trường xuất khẩu rau quả lớn tiếp theo là Hoa Kỳ và Hàn Quốc có thị phần lần lượt là 4,8% và 4,5%.
Liệu có cán đích sớm?
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: "Ngành NN&PTNT đang nỗ lực khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 54-55 tỉ USD mà Chính phủ đã giao." Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn hiện hữu trong những tháng cuối năm, khi mưa bão, thiên tai đã gây thiệt hại, nguồn nguyên liệu sụt giảm, và giá cước vận tải biển tiếp tục tăng cao, đặt ra yêu cầu phải tìm giải pháp để giữ vững sức tăng trưởng như đã đạt được.
Để các mặt hàng nông sản “hút” thêm nhiều ngoại tệ, trái cây VN phải đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao hàng rào kỹ thuật. |
Tuy nhiên, thông thường những tháng cuối năm là thời điểm XK nông sản tăng tốc do nhu cầu thị trường cao hơn. Đại diện Bộ NN-PTNT cho hay, nếu như quý 1 và quý 2 năm nay, các lô nông sản lưu kho ít nhất 1-2 tháng, thì bước vào đầu quý 4, các sản phẩm chỉ lưu 1-3 tuần sẽ được xuất kho. Điều này cho thấy thị trường xuất khẩu đang khá khởi sắc vào các tháng cuối năm.
Quý 4 là thời điểm có nhiều lễ hội, do đó các nước sẽ tăng cường nhập khẩu nông sản từ Việt Nam. Việc chủ động nguyên liệu, tăng cường chế biến sâu và chinh phục được nhiều thị trường… sẽ giúp ngành nông sản nước ta tiếp tục xác lập các con số kỷ lục về xuất khẩu.
Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 9-2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của nước ta đạt gần 50 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng việc quy hoạch sản xuất, dự báo thị trường với ngành nông sản vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều sản phẩm tăng trưởng nóng, chưa có quy định ràng buộc sản xuất, chỉ dừng lại ở khuyến cáo, khuyến nghị.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, để các mặt hàng nông sản “hút” thêm nhiều ngoại tệ, trước tiên trái cây phải đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật, mở rộng loại quả mới vào các thị trường và không để dịch bệnh.
“Quan trọng nhất vẫn là nâng cao hàng rào kỹ thuật của trái cây Việt Nam để chủ động đáp ứng tất cả các thị trường. Khi một thị trường biến động hoặc có những thị trường khác nổi lên, chúng ta có thể chuyển đổi đưa trái cây Việt chào mời ngay… Có như vậy xuất khẩu mới đi xa, đi sâu, tăng trưởng bền vững” – ông Tùng đề xuất.
Một thực tế cho thấy, bão số 3 vừa qua đã ảnh hưởng nặng nề đến nền nông nghiệp các địa phương các tỉnh phía Bắc. Hiện nay, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương đang nỗ lực khắc phục để ổn định sản xuất, sớm hoàn thành các đơn hàng XK.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn hiện nay, để tăng trưởng ổn định các chỉ tiêu kinh tế, các tỉnh không bị ảnh hưởng của bão số 3 đang cố gắng tăng tốc để bù đắp cho những khó khăn của các tỉnh bị bão.
"TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, Khánh Hòa… là những tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều nhà máy lớn, hệ thống trang trại chăn nuôi hiện đại… cần tăng tốc nhiều hơn, bù đắp cho những vùng nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương... bị thiệt hại nặng nề do bão” - ông Vũ Tuấn Anh, Chủ tịch JCI Việt Nam 2022 nêu ý kiến.
Hồng Hương