Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, sản lượng nông sản hàng năm tạo áp lực không nhỏ khi vào cao điểm thu hoạch với trên 42 triệu tấn lúa, gần 19 triệu tấn rau màu, trên 12 triệu tấn trái cây chủ lực, sản lượng thịt các loại trên 7 triệu tấn, thủy sản trên 9 triệu tấn.
Nhu cầu ngày càng lớn
Tuy nhiên, điều này phần nào được tháo gỡ khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam khá lớn và gia tăng hàng năm.
Theo thống kê của ngành du lịch, năm 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp 3,4 lần năm 2022. Mục tiêu đến hết năm 2025, Việt Nam sẽ đón 25-28 triệu lượt khách quốc tế. Đây được coi là nguồn khách hàng lý tưởng cho ngành nông nghiệp, thực phẩm.
Số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy, cả nước có khoảng 33.330 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 215 khách sạn 5 sao, 334 khách sạn 4 sao.
Nhu cầu về nông sản, thực phẩm của các cơ sở lưu trú để phục vụ khách du lịch là không hề nhỏ. Đối với các loại rau có củ và quả, trung bình mỗi cơ sở lưu trú cần khoảng 60-70 tấn/tháng/loại. Đối với rau ăn lá, trung bình mỗi cơ sở lưu trú cần khoảng 20-30 tấn/tháng/loại, trái cây dao động từ 80- 280 tấn/tháng, tùy loại…
Quả vải ở Bắc Giang không chỉ phục vụ khách du lịch tại vườn, mà còn được cung cấp cho khách sạn, nhà hàng ở Hà Nội, Quảng Ninh... |
Như vậy có thể thấy, nhu cầu về nông sản, thực phẩm của các cơ sở lưu trú là không hề nhỏ. Và nếu tận dụng được kênh tiêu thụ này, bài toán thị trường cho nông sản cũng bớt khó giải hơn. Đó là chưa kể lượng hàng hóa phục vụ cho khách du lịch khám phá tại các điểm du lịch, cửa hàng, chợ…
Bà Đoàn Thị Trang, Trang trại Du lịch canh nông Hoa Thắng Thịnh (Lâm Đồng), cho biết chỉ tính riêng nguồn khách trải nghiệm du lịch cũng giúp đơn vị này bán được khoảng 150 kg dâu tây/ngày trong tổng số khoảng 300-400 kg thu hái.
Ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc HTX dịch vụ và nông nghiệp Hợp Đức (hải Dương) chia sẻ, một số địa phương có nguồn khách du lịch lớn như Hà Nội, Quảng Ninh… sẽ là thị trường tiêu thụ nông sản, đặc sản lý tưởng, đáp ứng được cả vấn đề phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại chỗ.
Thị trường rộng mở là vậy nhưng theo các chuyên gia, hiện nay, giữa các cơ sở lưu trú và các HTX, chủ trang trại dường như vẫn chưa có mối liên kết chặt chẽ với nhau và chưa tận dụng được tiềm năng.
Ông Rocky Thach Nguyen, CEO Smart Link Logistics, cho biết đoàn khách do tỷ phú Ấn Độ tài trợ cho 4.500 nhân viên đến du lịch Việt Nam mở ra cơ hội giao thương hàng hóa, tiêu thụ, quảng bá nông sản, món ăn Việt Nam. Nhưng các khách sạn, nhà hàng Việt Nam thời điểm đó chủ yếu vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ và có sự hỗ trợ từ đầu bếp Ấn Độ. Chỉ một số món tráng miệng là sản phẩm của Việt Nam được giới thiệu cho đoàn khách này.
Nguyên nhân là do dòng thực phẩm, ẩm thực phục vụ cho người ăn chay, người theo đạo Hồi như thực phẩm Halal chưa thực sự phát triển ở Việt Nam và chưa tạo ra sự yên tâm cho khách du lịch quốc tế.
Anh Lê Văn Tám, Giám đốc HTX nông nghiệp Sông Hồng (Hà Nội), cũng cho biết sản phẩm ống hút bằng rau củ của HTX đã tiếp cận được một số nhà hàng, khách sạn nhưng lượng cung cấp vẫn còn khiêm tốn.
Tìm cách thu hẹp khoảng cách
Theo các chuyên gia, các nhà hàng, đặc biệt là các khách sạn có nhu cầu về nông sản hàng hóa không nhỏ để phục vụ khách du lịch. Nhưng đi kèm với đó, tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa cũng rất cao, theo quy trình để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhất là đối với những nhà hàng, khách sạn 4-5 sao, quy trình quản lý nông sản, thực phẩm thường tuân theo HACCP, đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nguyên liệu đầu vào và truy xuất nguồn gốc. Hoạt động kiểm tra vệ sinh cũng được thực hiện định kỳ.
Chính vì vậy, các nhà hàng, khách sạn thường ưu tiên nhập hàng từ các doanh nghiệp phân phối nông sản có uy tín trên thị trường. Ông Rocky Thach Nguyen cho biết đặc điểm của các đơn vị phân phối này là ngoài tuân thủ quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm còn có khả năng thu mua, cung ứng nông sản với số lượng lớn, lên đến hàng nghìn tấn mỗi ngày.
Do vậy, nếu các đơn vị sản xuất kinh doanh nhỏ muốn thâm nhập được vào hệ thống các cơ sở lưu trú cần chú ý đến vấn đề chất lượng, khả năng cung ứng số lượng lớn. Nếu không, các cơ sở lưu trú sẵn sàng nhập hàng từ các địa phương khác hoặc nhập khẩu từ nước ngoài.
Ông Nguyễn Trung Thành, đại diện một nhà hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội chia sẻ, đơn vị của ông ngoài nhập nông sản, thực phẩm từ doanh nghiệp phân phối vẫn muốn có thêm nguồn khác từ các HTX hay những hộ kinh doanh lớn để đa dạng nguồn thực phẩm, phục vụ đa dạng các khách hàng, nhất là vào những dịp lễ, cuối tuần.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm các HTX, hộ kinh doanh lớn với nhà hàng này không hề dễ dàng bởi hầu như chưa có HTX, hộ kinh doanh nào chủ động đem hàng hóa, thực phẩm đến làm việc, giới thiệu. Do đó, ông Nguyễn Trung Thành cho rằng cần sự chủ động của các đơn vị này hơn nữa trong khâu tiếp thị sản phẩm.
Chị Coor Thị Nghệ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sinh thái rừng xanh Rau Sạch (Quảng Nam), cho biết HTX có đủ khả năng để cung ứng một số loại rau thơm, rau rừng cho cơ sở du lịch trên địa bàn, nhưng HTX cũng phải chủ động để tìm thêm những loại rau đặc sản của địa phương nhằm mở rộng danh sách sản phẩm. Điều này tạo thuận lợi trong thương thảo và giúp HTX duy trì hợp đồng trong trường hợp một số loại rau hết mùa.
Huyền Trang