Tại buổi tọa đàm "Giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt" diễn ra ngày 26/9, chị Lương Thị Yến Vân, Giám đốc HTX Vườn Nhà Đà Lạt (Lâm Đồng), bày tỏ bức xúc về tình trạng giả mạo nông sản Đà Lạt kéo dài. Không chỉ khoai tây, mà nhiều sản phẩm khác như hồng sấy dẻo, dâu tây, rau củ sấy, bơ dẻo và các loại rau Đà Lạt cũng đang bị giả mạo thương hiệu.
Tái diễn hơn 10 năm, chẳng lẽ bất lực?
HTX Vườn Nhà Đà Lạt đã triển khai mã QR truy xuất nguồn gốc cho nông sản, nhưng vẫn tồn tại những cơ sở bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, dán tem và nhãn nông sản Đà Lạt giả. Điều này làm người dân lo ngại trong việc sản xuất và mở rộng diện tích canh tác.
"Tôi mong muốn các cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt, giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt đâu là hàng Đà Lạt thật, đâu là hàng nhập khẩu để họ có thể lựa chọn chính xác," Giám đốc HTX Vườn Nhà Đà Lạt kiến nghị.
Từ góc độ quản lý, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết vấn đề giả mạo nhãn hiệu nông sản Đà Lạt đã diễn ra hơn 10 năm do chất lượng nông sản Đà Lạt rất cao, chỉ khí hậu, đất đai, và thổ nhưỡng Đà Lạt mới tạo ra được những sản phẩm đặc sản đạt chất lượng như vậy. Nông sản Đà Lạt có giá thành cao trên thị trường, vì thế nhiều người lợi dụng làm giả nhãn hiệu để trục lợi.
Khoai tây ở Đà Lạt (Lâm Đồng) là một trong những nông sản bị làm giả nhãn hiệu nhiều nhất. |
TS. Dương Thái Trung, Chuyên viên cao cấp Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết nhiều tiểu thương nhập khẩu khoai tây từ nước ngoài về Đà Lạt với giá thấp hơn nhiều so với khoai tây Đà Lạt, tạo ra khoản chênh lệch lên tới 66% giá mua. Điều này dẫn đến tình trạng giả mạo khoai tây Đà Lạt và nhiều loại nông sản khác tái diễn.
Việc này gây thiệt hại lớn cho nông dân, doanh nghiệp, và các HTX sản xuất chân chính khi sản lượng tiêu thụ có nguy cơ giảm sút, đồng thời doanh thu bị ảnh hưởng do cạnh tranh không lành mạnh từ các sản phẩm giả mạo hoặc kém chất lượng.
Giá trị của sản phẩm thật cũng có thể bị giảm do sự nhầm lẫn của người tiêu dùng. Ngoài ra, các HTX và người dân có thể phải tốn thêm chi phí cho việc chứng minh tính chính danh của sản phẩm, từ việc tạo nhãn mác đến tăng cường kiểm soát chất lượng.
Các đại biểu tại buổi tọa đàm cũng chỉ ra rằng việc xử lý những cá nhân, đơn vị vi phạm hiện tại chỉ dừng ở mức phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe và như "bắt cóc bỏ đĩa". Lợi nhuận từ việc kinh doanh nông sản giả nhãn hiệu Đà Lạt mang lại là rất lớn, khiến vấn nạn này vẫn tiếp diễn.
Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, cho rằng mức phạt hành chính hiện tại chưa đủ mạnh để ngăn chặn hành vi vi phạm. Ông đề xuất cần tăng mức phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, đồng thời áp dụng các biện pháp bổ sung như đóng cửa cơ sở kinh doanh vi phạm và công khai thông tin các đơn vị vi phạm để nâng cao nhận thức xã hội và tăng tính răn đe.
Cần đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Việc nông sản Trung Quốc giả danh nông sản Đà Lạt đã trở thành một "nốt trầm" trong ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng và là vấn đề mà toàn ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt. Nếu tình trạng này không được giải quyết kịp thời, nông sản Việt Nam sẽ bị rớt giá, mất thương hiệu, và người nông dân, HTX sẽ gặp khó khăn khi sản xuất mà không thể tiêu thụ hiệu quả hoặc bán được nhưng không đạt lợi nhuận cao.
Trước thực trạng này, ông Phạm S nhận định rằng nông sản Đà Lạt tuy có chất lượng cao và giá thành cao nhưng do sản xuất theo mùa vụ, nên không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Vì vậy, giải pháp trước mắt là cần cải thiện năng suất, giảm giá thành sản xuất bằng cách áp dụng cơ giới hóa và công nghệ trong sản xuất, cùng với nghiên cứu giống mới.
Trung Quốc hiện có 5 triệu ha trồng khoai tây với quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa và đã nghiên cứu giống biến đổi gen trong suốt 50 năm qua, đạt năng suất 40-45 tấn/ha. Trong khi đó, năng suất khoai tây Đà Lạt chỉ đạt khoảng 17-18 tấn/ha.
Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh rằng cần quản lý chặt chẽ hơn về thương hiệu và chất lượng sản phẩm, đặc biệt là việc xác định nguồn gốc và sử dụng công nghệ để phân biệt sản phẩm thật và giả mạo xuất xứ. Ví dụ, khoai tây Đà Lạt có những đặc điểm nhận dạng riêng như hình dáng, số mắt, màu vỏ và màu ruột khác biệt so với khoai tây Trung Quốc. Lâm Đồng đang triển khai kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cho phép người tiêu dùng sử dụng điện thoại để quét mã và xác định nguồn gốc, phân biệt giữa khoai tây Đà Lạt và khoai tây Trung Quốc.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), nhấn mạnh rằng việc phát triển nhãn hiệu nông sản cần đi đôi với quản lý mã số vùng trồng và mã số của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản. Sự liên kết giữa người nông dân, HTX và doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu sẽ đảm bảo truy xuất nguồn gốc, giúp hạn chế tối đa tình trạng giả mạo nông sản và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý.
"Lâm Đồng cần xây dựng quy trình cụ thể từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm đảm bảo chất lượng nông sản tốt nhất, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường, từ đó xây dựng và phát triển thương hiệu", ông Lê Thanh Hòa nhấn mạnh.
Ông Trần Huy Đường, Chủ nông trại Langbiang Farm, chia sẻ rằng để tránh bị thiệt hại, nông dân và HTX cần tự bảo vệ mình bằng cách sản xuất hàng hóa có thương hiệu. Ông đưa ra ví dụ về nông dân Nhật Bản, những người tự in hình ảnh của mình cùng thương hiệu nông sản lên bao bì, và tất cả sản phẩm đều phải có mã QR Code và mã số vùng trồng, được cơ quan chức năng chứng nhận. Hiện nay, điều này mới chỉ được thực hiện với một số sản phẩm như sầu riêng.
Ngoài ra, ông Đường cũng cho rằng cần có nhãn phụ cung cấp thông tin về nơi sản xuất để tránh tình trạng hàng không rõ nguồn gốc "đánh lận" vào siêu thị. Ông đề xuất cơ quan chức năng cần thành lập các đội quản lý thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.
Huyền Trang