Đến nay, các tổ chức quốc tế như WHO, FAO... đều khẳng định chưa có căn cứ khoa học nào cho thấy SARS-CoV-2 lây nhiễm từ thực phẩm, thực vật, nông sản sang người. Tuy nhiên, thời gian qua, một số mặt hàng nông - thủy sản Việt Nam vẫn bị thị trường Trung Quốc làm khó, thậm chí ngừng thông quan với những cáo buộc về virus SARS-CoV-2 nhiễm trong bao bì, thùng carton.
Thông quan kéo dài, nông sản hư hỏng
Không chỉ vậy, thời gian thông quan kéo dài gấp nhiều lần so với bình thường. Tại Diễn đàn "Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Đồng Tháp năm 2021" do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 16/10, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cho hay, Trung Quốc là thị trường lớn của Việt Nam trong xuất khẩu nông sản, song hiện nay trái xoài cũng đang gặp khó khăn do thời gian thông quan quá lâu. Bình thường, trái xoài thông thương 4 - 5 ngày là sang tới Trung Quốc, giờ kéo dài 7 - 8 ngày, điều này tạo ra rủi ro cho trái xoài khi xuất khẩu sang Trung Quốc, ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp.
Xuất khẩu trái xoài sang Trung Quốc gặp khó vì thời gian thông quan kéo dài. |
Bên cạnh đó, ông Tùng cho biết sản lượng sầu riêng của chúng ta khá lớn, do vậy Việt Nam cần nhanh chóng đẩy mạnh đàm phán giúp sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Việc trái xoài gặp khó ở thị trường Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới tình hình tiêu thụ của mặt hàng này. Theo ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, trong 3 tháng cuối năm, tỉnh có khoảng 21.000 tấn xoài được sản xuất theo quy trình VietGAP, GobalGAP... Đồng Tháp hiện còn tồn 30.000 tấn thủy sản, trong đó hơn 20.000 tấn cá tra, còn lại là cá lồng bè. Nếu không sớm khơi thông thị trường Trung Quốc thì tác động rất lớn tới người sản xuất của Việt Nam.
Mối lo này chưa xong, thì nỗi lo khác lại chuẩn bị ập tới. Được biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (lệnh 249) và quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài (lệnh 248). Những lệnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ, ngành nông sản Việt Nam sẽ rủi ro rất lớn.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), những năm gần đây, thị trường Trung Quốc liên tục gia tăng các biện pháp về quản lý an toàn thực phẩm. Nay với việc ban hành hai lệnh mới 248 và 249 nói trên, Trung Quốc áp dụng với tất cả quốc gia khi nhập khẩu vào Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Nam, Văn phòng SPS đã hoàn thiện dự thảo 20 trang liên quan đến 5 nhóm thay đổi lớn theo lệnh trên. Trong đó bao gồm kiểm soát các doanh nghiệp nhập khẩu, kiểm soát các thủ tục về hồ sơ nhập khẩu, các quy định về đánh giá rủi ro khi tham gia nhập khẩu của các nước cũng như nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Thay đổi cách tiếp cận
Trao đổi với VnBusiness, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đánh giá những khó khăn ở thị trường Trung Quốc sẽ khiến xuất khẩu trái cây năm nay khó đạt được 4 tỷ USD. Mức tăng xuất khẩu trái cây sang thị trường Mỹ, EU, Đông Bắc Á không bù được việc suy giảm ở thị trường Trung Quốc.
Vừa qua, trái thanh long bị Trung Quốc dừng thông quan do phát hiện trên bao bì bọc quả thanh long và thùng carton đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam dương tính với Sars-CoV-2. Ông Nguyên nhìn nhận, Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới sử dụng "vũ khí" này là rào cản thương mại, bởi Việt Nam cũng xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nhật Bản - đều là những thị trường khó tính song không có chuyện này.
Theo đó, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, ngành hàng trái cây cũng như nông sản Việt Nam cần phải nâng cao khả năng thích ứng với những thay đổi từ phía thị trường này. Đồng thời, nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn từ VietGAP trở đi, thay đổi mùa vụ để cạnh tranh tốt với nông sản Thái Lan, Campuchia ở thị trường Trung Quốc.
"Đáng lo ngại, lâu nay người tiêu dùng Trung Quốc vẫn hoài nghi về chất lượng nông sản Việt Nam, họ ưu tiên sử dụng trái cây của Thái Lan hơn. Việt Nam cần xây dựng thương hiệu của trái cây nói riêng cũng như nông sản Việt Nam ở thị trường Trung Quốc", ông Nguyên cho biết.
Về phía các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu cho biết, cách tiếp cận thị trường Trung Quốc cũng cần thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng.
Dẫn chứng từ tiềm năng nông sản ở Đồng Tháp, bà Vy cho biết tới đây công ty sẽ cùng các bạn hàng Trung Quốc đến Đồng Tháp để tìm hiểu về 2 loại nông sản tiềm năng cho thị trường này đó là sầu riêng và mít.
Theo bà Vy, mít của tỉnh này được khách hàng Trung Quốc đánh giá rất cao. Mít siêu sớm của tỉnh Đồng Tháp được đánh giá cao nhất về hương vị nên tỉnh này cần quy hoạch vùng nguyên liệu chất ylàm sao tập trung lực lượng thu mua, nhà vựa khách hàng Trung Quốc tìm đến Đồng Tháp.
Trước những khó khăn từ phía thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu các doanh nghiệp thuỷ sản cần tập hợp vướng mắc khi xuất khẩu sang Trung Quốc gửi về Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, còn doanh nghiệp xuất khẩu trái cây có thể gửi tới Cục Bảo vệ thực vật vào ngày 18/10. Sau đó, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với cơ quan chức năng của Trung Quốc để giải quyết những vướng mắc này.
Theo báo cáo từ Bộ NN&PTNT, 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. 4 thị trường xuất khẩu chính là Mỹ (28,6%), Trung Quốc (19,1%) , Nhật Bản (6,8%) và Hàn Quốc (4,3%). Riêng đối với thị trường Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam đã có 9 loại trái cây tươi được xuất khẩu chính ngạch, bao gồm: Xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và măng cụt.
Lê Thúy