Số liệu trong nửa đầu tháng 5/2023 của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu (XK) điện thoại các loại và linh kiện đã giảm 755 triệu USD, tương ứng giảm 38,7% so với nửa cuối của tháng 4/2023. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết 15/5, XK điện thoại các loại và linh kiện đã giảm 4,47 tỷ USD, tương ứng giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Đà giảm không nằm ngoài dự báo
Điều này có lẽ không nằm ngoài dự báo, đó là nửa đầu năm nay, thị trường điện thoại toàn cầu sẽ vẫn chịu áp lực suy thoái khiến cho XK điện thoại của Việt Nam gặp khó.
Đà sụt giảm các mặt hàng XK chủ lực khó có thể chặn đứng một sớm một chiều khi các chỉ báo niềm tin tiêu dùng ở hầu hết thị trường còn duy trì ở mức thấp. |
Ở tỉnh Thái Nguyên - nơi đặt bản doanh của Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) - một trong hai nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung ở Việt Nam, số liệu cho thấy kim ngạch XK của khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong tháng 4/2023 vừa qua đã sụt giảm đến 24% so với cùng kỳ năm trước. Điều này chủ yếu do XK của SEVT sụt giảm so với cùng kỳ.
Theo đó, nhóm mặt hàng XK chủ yếu có tỷ trọng giá trị lớn trong tháng 4/2023 của Thái Nguyên ước đạt thấp hơn cùng kỳ là nhóm điện thoại thông minh, máy tính bảng và sản phẩm điện tử khác, ước đạt 2.364 triệu USD (chiếm 94% tổng giá trị XK), tăng 8,9% so với tháng trước nhưng giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022.
Xét về thị trường tiêu thụ điện thoại thông minh trên toàn cầu hiện nay, theo nhận định mới đây của nhà phân tích Tarun Pathak thuộc Công ty nghiên cứu Counterpoint, vì nhiều lý do, chúng ta có thể thấy một vài quý sụt giảm nữa. Những vấn đề dai dẳng ảnh hưởng đến thị trường điện thoại thông minh sẽ khó có thể giảm bớt trong một sớm một chiều.
“Hơn nữa, quyết định cắt giảm sản lượng dầu gần đây của các nước OPEC có thể dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao hơn, làm giảm sức chi tiêu của người tiêu dùng” ông Tarun Pathak chia sẻ.
Ngoài sự sụt giảm của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện do ảnh hưởng chung từ việc giảm chi tiêu trên toàn cầu, số liệu mới cập nhật cũng cho thấy chiều đi xuống của một số mặt hàng XK chủ lực khác trong nửa đầu của tháng 5/2023 so với nửa cuối tháng 4/2023.
Cụ thể: Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 452 triệu USD (tương ứng giảm 25,7%). Sắt thép các loại giảm 247 triệu USD (tương ứng giảm 44,1%). Hàng dệt may giảm 189 triệu USD (tương ứng giảm 13,9%)... Nếu tính chung, kim ngạch XK các mặt hàng chủ lực từ đầu năm đến nay giảm từ 1 đến hàng tỷ USD. Trong đó, phải đến gỗ và sản phẩm gỗ đã giảm 1,88 tỷ USD, tương ứng giảm 30,2%.
Với thị trường XK chủ lực của gỗ là Mỹ, giới phân tích cho rằng thị trường này tính đến hạ tuần tháng 5/2023 vẫn chưa có tín hiệu tích cực khi mà lạm phát vẫn ở mức cao, sức cầu yếu. Nhất là các ngân hàng Mỹ thắt chặt tín dụng khiến các nhà nhập khẩu không có đủ khả năng tài chính để nhập hàng với số lượng lớn. Điều này làm cho nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ giảm mạnh.
Khó chặn đứng một sớm một chiều
Dự báo trong quý 2/2023, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ vẫn sẽ tiếp tục giảm mạnh. Nhất là khi nhu cầu nhập khẩu và lượng hàng tồn kho giai đoạn cuối năm của Mỹ vẫn chưa được cải thiện, nhiều hợp đồng lớn đối tác chỉ thanh toán sau khi giao hàng đầy đủ, chưa kể hàng nội thất của Việt Nam đang gặp rủi ro về điều tra, áp dụng phòng vệ thương mại của Mỹ.
Còn trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ ước đạt 1,97 tỷ USD, giảm 40,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình khủng hoảng của một số ngân hàng ở Mỹ đã khiến người tiêu dùng suy sụp niềm tin, ảnh hưởng tiêu cực tới XK đồ gỗ nói riêng mà còn cả những mặt hàng chủ lực khác của Việt Nam.
Riêng với mảng dệt may, tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trong tháng 4 và tháng 5 của quý 2/2023 được cho là tiếp tục theo chiều hướng xấu. Theo Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset, cùng với XK yếu đi, hoạt động sản xuất cũng có các tín hiệu khó khăn khi IIP (Chỉ số sản xuất công nghiệp) trong 4 tháng đầu năm 2023 nhìn chung không ghi nhận tăng trưởng. Chỉ số sử dụng lao động cả hai mảng Dệt và May mặc đều đi xuống với tốc độ khá tương đồng giai đoạn quý 2/2021.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo, thị trường có tâm lý nghi ngại về khả năng khủng hoảng kinh tế tại Mỹ, EU. Nhu cầu sản phẩm dệt may cơ bản giảm, đồng thời có sức ép dịch chuyển qua quốc gia có giá rẻ hoặc gần thị trường hơn Việt Nam.
Theo ông Trường, cầu sẽ tiếp tục thấp trong quý 3/2023. Cung tiếp tục tăng trong năm 2023 do Trung Quốc đẩy mạnh XK để phục hồi kinh tế. Đơn hàng nhỏ, đặt hàng gấp, dẫn đến xu thế tìm nguồn cung ứng ở gần để rút ngắn thời gian giao hàng. Giá cả tiếp tục ở mức cạnh tranh gay gắt.
Như lưu ý của vị chủ tịch Vinatex, khó khăn có thể kéo dài đến hết năm 2023, thậm chí đến năm 2024. Chính vì vậy, các DN cần tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ, thay đổi nhanh, khó, thời gian gấp. Bên cạnh đó, DN cần tối thiểu hóa vốn lưu động, tạm dừng các chương trình mở rộng, chỉ xem xét đầu tư chiều sâu.
Nói chung, hoạt động XK các mặt hàng chủ lực sẽ vẫn còn tiếp tục mỏi cổ chờ “mây tan” giữa bối cảnh người tiêu dùng trên toàn cầu vẫn đang quan ngại về triển vọng kinh tế. Nhất là khi các chỉ báo niềm tin tiêu dùng ở hầu hết các thị trường đều duy trì ở mức thấp.
Trong khó khăn như vậy, điều mà các nhà XK nên làm là tiếp tục theo sát diễn biến thị trường để sản xuất linh hoạt, thích ứng phù hợp khi có biến động. Bên cạnh đó, DN cần được giảm bớt các chi phí không cần thiết. Mặt khác, các cơ quan quản lý nên tránh đưa ra những quy định, chính sách có thể chồng chất thêm khó khăn cho DN, đặc biệt là tránh nguy cơ tăng giá đối với nhiều sản phẩm, hàng hóa nhằm tăng sức cạnh tranh, khơi thông XK cho các DN.
Thế Vinh