Trong lưu ý gần đây, Ts Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada, cho rằng quy định về ghi nhãn và hàm lượng tái chế sản phẩm nhựa tại Canada là một rào cản thương mại mới.
Nhìn từ thị trường Canada
Vào tháng 4/2023, Canada đã công bố Tài liệu khung về quy định đối với việc ghi nhãn và hàm lượng tái chế của sản phẩm nhựa. Đây là tài liệu thể hiện cách tiếp cận pháp lý của Chính phủ Canada về việc quản lý, theo dõi sản phẩm nhựa, quy định ghi nhãn và tái chế sản phẩm nhựa, dự kiến sẽ được công bố chính thức trên Công báo Canada vào cuối năm nay.
Các DN Việt cần có những cải thiện đáng kể nhằm tránh hụt hơi cạnh tranh xuất khẩu. |
Đánh giá về tác động của quy định này, Ts Trần Thu Quỳnh cho rằng ở thời điểm hiện nay, các quy định trong dự thảo đang là những rào cản “phi thuế quan” bất lợi cho các sản phẩm xuất khẩu (XK) của Việt Nam nói riêng, nhất là các doanh nghiệp (DN) nội địa của Việt Nam do khó có khả năng triển khai hoặc uỷ quyền triển khai thực hiện EPR (Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất).
Về phía các nhà nhập khẩu và các nhà bán lẻ Canada, có nhiều khả năng vì ngại ràng buộc trách nhiệm, sẽ ưu tiên sử dụng các sản phẩm sản xuất tại Canada hoặc các sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia do dễ thương lượng về EPR.
Ngoài vấn đề nêu trên, hàng Việt XK vào Canada đang gặp nhiều áp lực cạnh tranh. Dự báo xu hướng thị trường Canada đối với các sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam trong năm nay còn rất nhiều bất định. Mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK sang thị trường này cao như năm 2022 tương đối khó đạt.
Chẳng hạn như với XK thủy sản vào thị trường này được cho là kém cạnh tranh về giá so với các mặt hàng cùng loại của Trung Quốc, Ấn Độ, Chile, Ecuador.
Xét về cạnh tranh XK tôm, Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), băn khoăn “tôm chúng ta có lợi thế gì để tăng sức cạnh tranh, ngoài trình độ chế biến sâu nhưng liền đó là giá chào bán quá cao, khó tăng thị phần”.
Không chỉ vậy, theo ông Lực, có thêm một xu hướng của người tiêu dùng các thị trường lớn, đó là họ coi trọng sản phẩm đáp ứng mong đợi của họ hơn là quan tâm con số giá cả ghi trên sản phẩm. Cho nên, các DN cần phải kịp đáp ứng xu thế mới mẻ của người tiêu dùng sẽ là một lợi thế vô cùng to lớn, nâng cao sức cạnh tranh.
Hoặc như ở ngành đồ gỗ vào thị trường Canada cũng cần đáng lưu tâm. Là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 6 trên thế giới, Canada luôn có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này ở mức cao. Thế nhưng ghi nhận các tháng đầu của năm 2023 cho thấy XK đồ gỗ của Việt Nam vào thị trường này sụt giảm mạnh. Đáng chú ý, từ hồi năm 2022 đến nay Canada tăng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Mỹ và EU, tuy nhiên giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc và Việt Nam.
Đừng để thua sút
Xét về khó khăn của XK gỗ hiện nay, theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, ngành gỗ cần những giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm thúc đẩy XK. Và để tìm thị trường, các DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh với giá sản phẩm tốt, sản phẩm phù hợp thị hiếu, đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt.
Như lưu ý của ông Lập, để tăng sức cạnh tranh đòi hỏi các DN phải tái cấu trúc về công nghệ, hệ thống quản trị, sử dụng gỗ rừng trồng trong nước. Và xét về dài hạn cần có những chính sách lớn về đất đai, kỹ thuật, nguồn giống, tranh chấp thương mại quốc tế, kiểm soát nguyên liệu đầu vào chặt chẽ, các chính sách về xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, ứng dụng công nghệ cao trong lâm nghiệp, các dự án đầu tư vào ngành gỗ...
Nhìn từ thị trường Canada và những vấn đề thua sút cạnh tranh trong lĩnh vực XK tôm hay XK đồ gỗ, cũng cần lưu ý nhận định mới nhất từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán BVSC, đó là ngành sản xuất công nghiệp trong các tháng tới đây và cả năm 2023 vẫn còn gặp khó khăn khi triển vọng XK có phần u ám, tăng trưởng của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ hay EU kém tích cực.
Theo BVSC, việc số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục có diễn biến giảm trong tháng 4/2023 vừa qua cũng cho thấy khó khăn đối với ngành sản xuất công nghiệp trong tháng tới.
Nhóm công nghiệp chế biến tiếp tục là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của Việt (88,5%). Tuy nhiên, giá trị XK của phần lớn các mặt hàng trong nhóm này từ đầu năm đến nay vẫn đang giảm so với cùng kỳ.
Tương tự, giá trị XK các sản phẩm máy móc và điện tử phần lớn cũng tăng trưởng âm như hồi tháng 4/2023. Triển vọng XK của các sản phẩm này vẫn đang gặp khó khăn trong bối cảnh các nước đối tác có lạm phát ở mức cao và triển vọng tăng trưởng kém tích cực.
Không những vậy, điểm gây chú ý trong những đánh giá mới đây từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VDSC cho rằng, với diễn biến của Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) Việt Nam trong 2 tháng trở lại đây đang trái ngược với sự cải thiện mạnh của ngành sản xuất khu vực ASEAN. Điều này cũng có hàm ý rằng, ngành sản xuất Việt Nam có vẻ đang hụt hơi trong việc bắt kịp sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài.
Như trong tháng 4/2023 vừa qua, theo số liệu báo cáo Chỉ số PMI của S&P Global, “sức khỏe” khu vực ASEAN cải thiện mạnh mẽ, khi tăng từ 51 điểm trong tháng 3 lên 52,7 điểm trong tháng 4, mức tăng mạnh nhất trong 7 tháng và đạt kết quả trên ngưỡng 50 điểm tháng thứ 19 liên tiếp.
Nhìn chung, sự sụt giảm của XK và áp lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu đang ngày càng cao là điều mà các DN Việt và những nhà hoạch định chính sách nên suy ngẫm, để có những bước cải thiện đáng kể nhằm tránh hụt hơi trước các đối thủ cạnh tranh trong thời gian tới.
Thế Vinh