Trên website của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) vào ngày 8/5 có cho biết tình hình xuất khẩu (XK) cá ngừ vào thị trường Mỹ vẫn chưa khởi sắc. Hiện, XK các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ đều giảm so với cùng kỳ. So với cùng kỳ năm trước, giá trung bình XK nhóm mặt hàng này giảm 20%.
Tiêu thụ giảm làm thủy sản “chìm sâu”
Nguyên nhân được chỉ rõ là do tồn kho nhiều, lạm phát cao tại Mỹ đã ảnh hưởng tới sức tiêu thụ của người tiêu dùng trong giai đoạn đầu năm 2023. Đơn cử như hồi quý 1/2023, kim ngạch XK cá ngừ sang Mỹ giảm tới 53%, chỉ đạt 64 triệu USD. Số lượng doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia XK cá ngừ sang thị trường Mỹ cũng giảm chỉ còn 36 DN.
Đà sụt giảm XK thủy sản vào Mỹ từ đầu năm đến nay là khó tránh khỏi trước tình trạng giá cả thực phẩm tăng, chi tiêu giảm ở thị trường này. |
Ngoài XK cá ngừ, đứng ở góc độ DN XK cá tra, bà Trần Thị Vân Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Cửu Long An Giang, than phiền mặc dù luôn nằm trong top 2 thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, nhưng hiện nay XK sang Mỹ vẫn vướng vụ kiện chống bán phá giá với cá tra, cho nên chỉ một số rất ít DN được XK vào thị trường này, đó cũng là một điều bất lợi cho cá tra Việt Nam.
Theo bà Loan, đến năm 2023 là 20 năm con cá tra đã bị đánh thuế chống bán phá giá tại Mỹ do phía Mỹ chưa công nhận Việt Nam hoàn toàn là nền kinh tế thị trường
Bên cạnh vấn đề nêu trên, tình hình sa sút của XK thủy sản của Việt Nam vào Mỹ rất đáng lo ngại. Trong tháng 4/2023, kim ngạch XK thủy sản sang Mỹ duy trì mức giảm sâu 51%, khiến Mỹ rớt xuống vị trí thứ 3 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, XK thủy sản sang Mỹ ước đạt 418 triệu USD, giảm trên 57% so với cùng kỳ.
Theo chuyên gia phân tích của Vasep, thị trường Mỹ ngày càng lún sâu vào tình trạng giá thực phẩm tăng, tiêu thụ giảm. Các gia đình Mỹ đã quá “ngao ngán” với thực trạng giá thực phẩm lên quá cao.
“Giờ đây, người dân Mỹ đã tính tới việc cắt giảm chi tiêu cả những mặt hàng giá trị thấp, họ mua ít hàng tạp hóa không thiết yếu hơn, mua số lượng lớn và các sản phẩm không có thương hiệu và tập trung vào các mặt hàng chủ lực. Một số người thậm chí còn mua và ăn ít hơn. Người tiêu dùng đang tìm cách chỉ chi tiêu cho những hàng hóa mà họ thực sự cần”, chuyên gia phân tích của Vasep nhận định.
Fed tăng lãi suất làm tăng thêm mối lo
Đáng chú ý, hôm 4/5 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (+0,25 điểm phần trăm), lên mức 5 - 5,25%, là mức cao nhất trong hơn 15 năm qua. Điều này được ví như áp lực “kép” cho XK thủy sản nói riêng và XK nói chung của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Nhất là khi việc không thể trông chờ Fed hạ lãi suất để kích thích tiêu dùng, làm cho tình trạng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ sẽ càng kéo dài thêm.
Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sở Giao dịch Cà phê và Hàng hóa Buôn Ma Thuột, Mỹ là thị trường quan trọng của Việt Nam. Việc nâng lãi suất lần thứ 10 (từ tháng 3/2022 - 5/2023) của Fed sẽ khiến các DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn trong vấn đề tìm kiếm đơn hàng ở thị trường lớn và chủ lực như Mỹ.
Tuy vậy, quanh việc Fed tăng lãi suất, theo quan sát mới nhất từ Bộ phận phân tích của Mirae Asset, Fed tiếp tục thực hiện cam kết giảm lạm phát. Khả năng cao là Fed sẽ ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 6 tới.
Theo chuyên gia phân tích của Mirae Asset, giai đoạn tiếp theo sau chu kỳ thắt chặt sẽ là giữ lãi suất ở mức cao, đồng thời theo dõi xem liệu lạm phát có xu hướng giảm xuống hay không. Yếu tố quan trọng cần theo dõi trong thời gian tới là độ trễ giữa chính sách tiền tệ và tác động của nó đối với nền kinh tế Mỹ. Nếu độ trễ ngắn, nền kinh tế Mỹ có thể tránh việc rơi vào suy thoái.
Ngoài ra, Mirae Asset dẫn lại số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay, Mỹ tiếp tục là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 28,4 tỷ USD.
Thực ra, dù vẫn duy trì vị thế thị trường XK lớn nhất của Việt Nam nhưng XK sang Mỹ, đặc biệt là những mặt hàng chủ lực đã không tránh khỏi đà giảm theo sự suy giảm chung của thị trường toàn cầu. Cần lưu ý, riêng quý 1/2023, XK sang Mỹ được cho là đã giảm mạnh tới 5,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, tương đương giảm 21%.
Giới chuyên gia cho rằng trong quý 2/2023, trước động thái tăng lãi suất lên mức 5–5,25% của Fed, cùng với tình trạng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường của người tiêu dùng Mỹ, sẽ tiếp tục gia tăng thêm mối lo cho các ngành hàng XK lớn của Việt Nam như thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, linh kiện điện tử… Bởi vì nhu cầu nhập khẩu có thể sụt giảm trước những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp.
Trước những khó khăn như nêu trên, với những nhà XK vốn đã chọn Mỹ là thị trường XK chính yếu đang đòi hỏi phải thích ứng tốt với xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ. DN cần thể hiện rõ năng lực cạnh tranh để duy trì, giữ cho được thị phần ở thị trường này, trong đó tập trung vào giảm giá thành, nâng sức cạnh tranh, giá sản phẩm phải tốt, sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu, phải đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt…
Thế Vinh