Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 5/10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt 613 USD/tấn, trong khi Thái Lan rớt mốc 600 USD/tấn, xuống còn 583 USD tấn. Với mặt hàng gạo 25% tấm, giá gạo Việt Nam là 598 USD/tấn, trong khi Thái Lan giảm mạnh xuống 535 USD/tấn.
Dự kiến xuất khẩu gạo sẽ đạt 7,8 triệu tấn với giá trị đạt trên 4 tỷ USD trong năm 2023. |
Theo VFA, với giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu thị trường như hiện nay thì thu nhập của cả chuỗi ngành hàng đã có sự cải thiện rất nhiều so với những năm trước. Hiện nay, dư địa xuất khẩu gạo còn rất lớn khi Philippines có nhu cầu nhập thêm 1,1 triệu tấn; Indonesia có nhu cầu nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo đến cuối năm. Cùng với đó, nhu cầu nhập khẩu gạo từ Trung Quốc dự báo cũng sẽ tăng trong những tháng cuối năm.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, với mặt hàng gạo, 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng xuất khẩu gạo đạt 6,6 triệu tấn; giá gạo 553 USD/tấn, tăng 14%. Con số này đã vượt giá trị xuất khẩu gạo cao nhất từng đạt được năm 2011 (3,65 tỷ USD).
Với kết quả đã đạt được, Bộ NN&PTNT dự báo sản lượng gạo xuất khẩu chắc chắn sẽ vượt con số của năm ngoái (7,13 triệu tấn) và dự kiến sẽ đạt 7,8 triệu tấn với giá trị đạt trên 4 tỷ USD. Nếu kết quả trên đạt được, đây sẽ là kỷ lục mới của xuất khẩu gạo.
Liên quan tới xuất khẩu gạo, vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ thông tin, Ấn Độ (ngày 30/8 vừa qua) đã cho phép xuất khẩu gạo trắng non-basmati sang Bhutan, Mauritius và Singapore. Cụ thể, Ấn Độ cho phép xuất khẩu theo hạn ngạch 79.000 tấn sang Bhutan, 50.000 tấn sang Singapore và 14.000 tấn sang Mauritius.
Ngày 20/7, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati nhưng cho biết, xuất khẩu sẽ được phép trên cơ sở được chính phủ cấp cho các nước khác để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực của họ và dựa trên yêu cầu của chính phủ họ. Việc xuất khẩu đã được cho phép thông qua Công ty TNHH Xuất khẩu Hợp tác xã Quốc gia (National Corporative Exports Ltd.).
Thy Lê