Hơn một tháng qua, Ấn Độ - nhà cung cấp 40% gạo cho thế giới đã cấm xuất khẩu tất cả loại gạo tẻ khiến thị trường gạo thế giới chao đảo. Và mới đây, quốc gia này lại tiếp tục áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ kể từ ngày 26/8.
Giá gạo nội địa tăng theo 'cơn sốt' của thế giới
Cùng với đó, thị trường gạo toàn cầu nhận thêm tin xấu khi Liên đoàn gạo Myanmar cho hay, nước này sẽ tạm thời hạn chế xuất khẩu gạo trong khoảng 45 ngày kể từ cuối tháng 8/2023, trong bối cảnh giá nội địa tăng cao. Myanmar là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới với hơn 2 triệu tấn mỗi năm.
Trong tháng 8/2023, chỉ số giá nhóm gạo tăng 4,41% so với tháng trước. |
Thống kê cho thấy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam theo báo cáo từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vẫn giữ mức cao nhất thế giới, gạo 5% tấm được bán với giá 643 USD/tấn cập nhật trong ngày 28/8, cao hơn Thái Lan 13 USD.
Báo cáo từ Bộ NN&PTNT cho thấy, 8 tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu trung bình đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% (có thời điểm lên đến gần 650 USD/tấn). Ở thị trường trong nước, giá thóc, gạo tiếp tục xu hướng tăng do tác động của thị trường thế giới, giá trung bình tăng 200 - 800 đồng/kg.
Giá gạo tăng nhanh đã ảnh hưởng đến giá bún, bánh, mỳ. Đơn cử, cơ sở sản xuất bún, bánh Hùng Mai (Đa Mai, TP Bắc Giang) cho hay mỗi ngày sản xuất khoảng 1 tấn bún (sử dụng khoảng 4 tạ gạo). Theo bà Lê Thị Thương - chủ cơ sở, nếu như năm ngoái, gạo nguyên liệu làm bún có giá khoảng 11.000 đồng/kg, thì nay đã tăng lên 15.000 đồng/kg. Đây là lần tăng giá gạo mạnh nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Bà Thương cho hay: Chi phí sản xuất mỗi kg bún đã tăng thêm 1.500 đồng, song để giữ mối khách quen với các nhà hàng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chỉ điều chỉnh tăng giá bún thêm 500 đồng/kg (bán buôn) và 1.000 đồng (bán lẻ).
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, giá gạo trong nước tăng có thể ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), bởi các nước sẽ ráo riết tìm các nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam nhằm lấp đầy khoảng trống. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho xuất khẩu gạo của nước ta, tuy nhiên khi giá gạo xuất khẩu cao sẽ kéo theo giá nội địa tăng lên, người tiêu dùng phải chịu giá cao, ảnh hưởng đến CPI.
Tác động lớn tới CPI
Và thực tế những lo ngại trên đã xảy ra. Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu, giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng theo nhu cầu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 8 tăng 2,02% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%. Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%.
Cụ thể, chỉ số giá nhóm lương thực tháng 8/2023 tăng 3,28% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 4,41% (gạo tẻ thường tăng 4,94%; gạo tẻ ngon tăng 3,09% và gạo nếp tăng 1,24%). Giá gạo trong nước tăng cao theo giá gạo xuất khẩu do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE, xung đột chính trị và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã khiến thị trường gạo toàn cầu diễn biến phức tạp.
Trong tháng 8, giá gạo tẻ thường dao động từ 14.000-16.700 đồng/kg, giá gạo Bắc Hương từ 19.000-22.500 đồng/kg, giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 19.500-20.900 đồng/kg, giá gạo nếp từ 25.500-34.800 đồng/kg.
Đáng lo ngại, giá gạo tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến và ngũ cốc khác như giá khoai tăng 4,37%; ngô tăng 1,81%; bún, bánh phở, bánh đa tăng 1,17%; bột mỳ tăng 0,66%; miến tăng 0,65%; mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 0,31%; bột ngô tăng 0,16%.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam có lợi thế là chủ động được về nguồn lương thực, thực phẩm ở trong nước, tuy nhiên sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng khi thế giới đang có nguy cơ phải đối mặt với khủng hoảng lương thực toàn cầu. Mà nhóm hàng lương thực, thực phẩm có quyền số khá cao, gần 28% trong rổ hàng hóa tính CPI, do đó biến động giá của nhóm hàng này sẽ có tác động mạnh tới lạm phát của nền kinh tế.
Nhìn lại bài học năm 2008 cho thấy, "cơn sốt" gạo do thông tin thất thiệt và tâm lý bất an cùng một số yếu tố khách quan trên thị trường thế giới đã đẩy CPI tháng 5/2008 tăng 3,91% so với tháng trước đó. Trong đó, giá các mặt hàng lương thực tăng mạnh nhất, tới 22,19%. Thời điểm này, Chính phủ đã phải có những công điện kịp thời dập tắt tin đồn và ổn định thị trường lúa gạo trong nước.
Do vậy, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng: Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cần theo dõi sát vấn đề thị trường và giá gạo xuất khẩu, bởi nếu xuất khẩu được thì tốt, mang lại ngoại tệ cho đất nước, nông dân phấn khởi có thêm nguồn thu. Tuy nhiên, chúng ta cần phải lưu ý đến rổ hàng hóa và tiêu dùng trong nước.
Mới đây, UBND TP.HCM đã phải có văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp quản lý, điều hành giá mặt hàng gạo nhằm bình ổn thị trường mặt hàng thiết yếu này trên địa bàn. Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Sở Tài chính theo dõi sát tình hình giá cả thị trường trên địa bàn để kịp tham mưu UBND thành phố các biện pháp điều hành giá các mặt hàng gạo theo diễn biến thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai về giá. Sở NN&PTNT được giao theo dõi sát diễn biến giá lúa trên địa bàn để phối hợp với Sở Tài chính trong việc điều chỉnh giá mặt hàng gạo tham gia Chương trình bình ổn thị trường TP.HCM...
Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT cũng cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát sao và báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo điều hành giá và tổ điều hành thị trường trong nước tình hình sản xuất, nguồn cung các sản phẩm nông sản đang vào vụ, biến động giá cả, đặc biệt là các mặt hàng đang chịu tác động lớn từ thị trường thế giới như mặt hàng gạo. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Nhật Linh