Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo trong 2 ngày 6, 7/9 bất ngờ có xu hướng quay đầu giảm. Theo đó, ngày 7/9, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 628 USD/tấn, giảm 15 USD/tấn so với ngày 5/9; giá gạo 25% tấm ở mức 613 USD/tấn, giảm 15 USD/tấn so với ngày 5/9.
Liệu có thể lên mốc 1.000 USD/tấn?
Đáng chú ý, giá gạo Thái Lan cũng chung đà giảm. Ngày 7/9, giá gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ ở mức 618 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với 6/9; gạo 25% tấm ở mức 563 USD/tấn, giảm 12 USD so với ngày trước đó.
Bộ NN&PTNT dự kiến năm nay có khoảng 14 triệu tấn thóc (tương ứng trên 7 triệu tấn gạo) được dùng để xuất khẩu. |
Động thái này được lý giải có thể do Philippines - thị trường số 1 của gạo Việt Nam vừa áp trần giá bán gạo vào ngày 31/8 vừa qua, nhiều khách hàng đòi hủy hợp đồng để tạo áp lực yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam giảm giá gạo. Cập nhất đến ngày 15/8, Philippines đã nhập của Việt Nam 2,156 triệu tấn gạo, chiếm 40% thị phần nên việc áp giá trần và các nhà nhập khẩu đòi hủy hợp đồng làm dấy lên lo ngại cho gạo Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy vậy, dự báo về giá gạo trong thời gian tới, chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) nêu quan điểm: “Tôi nghĩ rằng giá gạo có thể không tăng thêm chứ khó giảm, vì sản lượng gạo của Việt Nam và Thái Lan không còn nhiều mà nhu cầu thế giới đang lớn. Việc Philippines áp giá trần có thể khiến thị trường hạ nhiệt trong một vài ngày nhưng như chúng ta đã biết, gạo là lương thực thiết yếu, không thể không mua.
Tuy vậy, ông Đôn dự báo giá gạo tăng lên 1.000 USD/tấn là khó vì giá đó sẽ khiến thế giới không chịu nổi, bởi kinh tế toàn cầu hiện nay rất khó khăn.
Ông Đôn cho hay, hiện nay doanh nghiệp này đang xuất khẩu được với giá cao nhất là 730 USD/tấn. Đây là mức giá đã quá cao rồi, nếu cao hơn nữa thì rất khó. “Tôi cho rằng mốc 1.000 USD là không thể”, ông nói.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, giá gạo đang tăng rất cao so với mặt bằng những năm trước. Lần này, việc giá tăng dự kiến sẽ kéo dài hơn vì nhu cầu trên thị trường bị thiếu hụt so với nguồn cung. Giá gạo cuối tháng 8 trong khoảng 720 – 800 USD/tấn. Nếu tình hình Ấn Độ tiếp tục cấm xuất khẩu ra thế giới thì giá gạo có thể đạt đến 1.000 USD/tấn, mức kỷ lục năm 2008.
Về bản chất, "Lộc Trời hoàn toàn không mong muốn giá xuất khẩu cao vì lúa gạo là mặt hàng thiết yếu nên cần có giá và chất lượng ổn định, việc giá cao không tạo ra được sự ổn định cho xuất khẩu hàng thiết yếu", ông Hiếu cho biết.
Mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về quy định giá sàn xuất khẩu gạo. Cụ thể, VFA cho biết, từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng đã đẩy giá gạo thế giới tăng mạnh, tác động lớn đến thương mại gạo toàn cầu, quá trình kinh doanh xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp gặp khó khăn do giá cả tăng quá nhanh. Điều này khiến chuỗi cung ứng từ nông dân, thương lái đến nhà máy xay xát và doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị đứt gãy.
Nguyên nhân là do tâm lý chờ giá, hợp đồng liên kết bị phá vỡ, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký. VFA đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp hội viên cố gắng bảo đảm thực hiện hợp đồng đã ký nhằm giữ thị trường và đàm phán giãn tiến độ giao hàng để giảm thiệt hại. Đối với hợp đồng mới phải bảo đảm có sẵn nguồn hàng trước khi ký, trường hợp chưa có hợp đồng nên hạn chế số lượng mua vào tránh biến động giá trong nước.
Dự báo thị trường thế giới vẫn diễn biến khó lường
Hiện nay, có hơn 200 thương nhân xuất khẩu gạo và nhiều tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo ủy thác nên cạnh tranh khá gay gắt, trong đó có cạnh tranh về giá. Đối với tình hình sản xuất và thương mại gạo sắp tới, VFA dự báo sẽ có nhiều biến động, rủi ro do chính sách xuất nhập khẩu gạo của một số nước, diễn biến bất thường của khí hậu thời tiết và vấn đề an ninh lương thực quốc gia được đưa lên hàng đầu.
Trước tình tình đó, VFA cũng kiến nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo nhằm bảo đảm hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thương nhân xuất khẩu gạo, nhất là những thương nhân đã đầu tư cơ sở sản xuất theo Nghị định 109/2010 và các thương nhân thuê kho theo Nghị định 107/2018.
Theo ông Nguyễn Văn Đôn, đúng là khi cơn sốt gạo ập đến doanh nghiệp khó tính toán kế hoạch sản xuất kinh doanh hơn. Làm gạo giá cứ 'bình bình' thì dễ làm, còn giá lên xuống thất thường thì mua bán khó khăn, nhiều rủi ro.
“Rất may là trong đợt sốt gạo vừa qua, doanh nghiệp của tôi không bị lỗ, vì luôn có hàng tồn kho trước khi ký hợp đồng, chứ không thì lỗ xanh mặt”, ông Đôn nói.
Vị đại diện doanh nghiệp Việt Hưng ước tính, nếu lỗ 3.000 – 4.000 đồng/kg, thì xuất 1.000 tấn doanh nghiệp mất 3-4 tỷ đồng, 10 ngàn tấn mất 30-40 tỷ đồng, đó là lý do khiến nhiều đơn vị chấp nhận bẻ kèo vì giao hàng sẽ phá sản.
Tuy nhiên, ông Đôn cho rằng, không nên áp giá sàn cho giá gạo xuất khẩu bởi không khả thi. "Tôi cho rằng nên để thị trường điều tiết hơn cả, bởi giá gạo trong nước những ngày gần đây đã dần ổn định trở lại, không nóng bỏng như thời gian trước", vị lãnh đạo doanh nghiệp cho biết.
Đối với xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương nhìn nhận, thị trường xuất khẩu gạo thế giới đang có những biến động khó lường sau khi Ấn Độ (quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới) tiếp tục áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ. "Để đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, các Bộ, ngành, hiệp hội, địa phương cần chủ động phối hợp xây dựng các phương án đảm bảo cung cầu mặt hàng gạo, góp phần bình ổn giá gạo, an ninh lương thực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ", Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Theo Bộ NN&PTNT, 8 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 5,85 triệu tấn gạo, đem về 3,17 tỷ USD, tăng 22% về khối lượng và tăng 36,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Theo dự kiến, năm nay sẽ có khoảng 29,5 triệu tấn thóc tiêu dùng trong nước và khoảng 14 triệu tấn thóc (tương ứng trên 7 triệu tấn gạo) được dùng để xuất khẩu. Như vậy, từ nay đến cuối năm, Việt Nam chỉ còn 1-2 triệu tấn gạo dành để xuất khẩu nên không gặp áp lực về tiêu thụ.
Lê Thúy