Thống kê từ Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (Hawa) cho thấy năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,3 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019. 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,085 tỷ USD, tăng 23,4% so với 2020. Mặt hàng xuất khẩu chính là đồ gỗ, ghế ngồi, dăm gỗ và gỗ dán. Thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Thị trường Hoa Kỳ chiếm 60% tỷ trọng trong tổng giá trị xuất khẩu gỗ Việt Nam.
Trung Quốc gặp khó, đơn hàng sẽ chuyển sang Việt Nam
Theo các doanh nghiệp trong ngành, đồ gỗ Việt Nam đang còn rất nhiều cơ hội để nâng thêm thị phần ở thị trường Mỹ. Đây là thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất trên thế giới.
Doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục kiểm soát chặt nguồn gốc gỗ. |
Theo ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, dự báo thị trường Mỹ vẫn phát triển quy mô lớn, chi tiêu tiêu dùng đang tăng. Đơn cử tháng 10 vừa qua tăng lên 1,3% so với mức 0,6% trong tháng 9.
Về chính sách, Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về hợp tác kiểm soát nguồn gốc gỗ trong khi Mỹ đang đẩy mạnh chi đầu tư vào các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn là khu vực sử dụng nhiều sản phẩm đồ gỗ nội thất. Bên cạnh đó, sản phẩm đồ gỗ từ Trung Quốc đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam tiếp tục bị đánh thuế nhập khẩu sẽ đẩy một số đơn hàng chuyển hướng sang thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Tổng giám đốc công ty Scancia Pacific đánh giá, vụ điều tra 301 của Mỹ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp khép lại là tin vui với xuất khẩu gỗ Việt Nam khi trước đó được xem như đám mây lớn, che phủ tiềm năng của cả ngành.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chinh phục thị trường đồ gỗ Mỹ sẽ dễ dàng hơn. Trước hết, ông Bảo cho biết doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn về phí logistics, chi phí vận chuyển 1 container đồ gỗ sang Mỹ dao động từ 20.000 - 30.000 USD, tăng gấp 4 lần so với trước đây, điều này khiến sức cạnh tranh của hàng Việt Nam bị ảnh hưởng.
Điều quan trọng hơn là người tiêu dùng Mỹ quan tâm nhiều hơn về bảo vệ môi trường, đòi hỏi chỉ số môi trường, tác động tới xã hội trong các sản phẩm nguyên liệu gỗ phải hợp pháp.
Trong khi đó, bà Lê Thuý Luy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, cho biết sản phẩm gỗ Việt Nam vẫn còn những hạn chế như chưa cập nhật, sáng tạo ra các mẫu thiết kế "bắt trend" được xu hướng tiêu dùng ở thị trường Mỹ, đa phần thiết kế đều do các khách cung cấp. Hạn chế của nhiều DN Việt Nam là chậm nắm bắt các xu hướng thịnh hành, chủ yếu gia công hàng loạt là chính.
Đồng thời những khó khăn từ đại dịch COVID-19 gây ra cũng tác động rất lớn với doanh nghiệp trong tìm kiếm bạn hàng. "Để đặt hàng các khách hàng Mỹ thường phải đến tận nhà xưởng của DN để kiểm tra, do vậy việc tiếp cận với khách hàng mới khó khăn. Từ khi dịch xảy ra, DN chủ yếu tiếp cận khách hàng thông qua văn phòng đại diện của họ tại Việt Nam", bà Luy cho hay.
Tính đường dài
Muốn khai thác hiệu quả thị trường Mỹ trong bối cảnh hiện nay, các DN phải tích cực cập nhật thông tin nhu cầu cũng như thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới có hàm lượng kỹ thuật, sáng tạo cao hơn; tối ưu được tính năng sử dụng và đa dạng hóa sản phẩm từ nội thất, ngoại thất đến ván sàn, hàng trang trí...
Ông Bùi Huy Sơn cho rằng để tận dụng được thị trường Mỹ, DN cần bám sát thị hiếu thị trường thường xuyên thay đổi, kịp thời điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình trong bối cảnh mới; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường lao động, ứng phó hiệu quả trong các vụ kiện về phòng vệ thương mại.
Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục kiểm soát chặt nguồn gốc gỗ, dù Mỹ kết thúc vụ Điều tra 301, song sản phẩm gỗ phải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và lao động, với các yêu cầu đặt ra mạnh mẽ hơn.
"Mặc dù Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận về kiểm soát nguồn gốc gỗ, song một số sản phẩm của Việt Nam như gỗ ván từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ hay gỗ thanh và viền dải gỗ vẫn có nguy cơ điều tra khi có dấu hiệu bất thường", ông Sơn cho biết.
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp, trong những năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ là ngành hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 13%/năm. Do đó, nhu cầu nguyên liệu gỗ cũng tăng cao, từ đó khuyến khích bà con nông dân phát triển trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh phục hồi và làm giàu từ rừng.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết Việt Nam là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ tới 140 quốc gia trên thế giới, trong đó tới các thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc. Giá trị xuất khẩu năm 2021 ước đạt 15 tỷ USD. Tuy vậy, nhiều tiềm năng của ngành này vẫn chưa được khai thác. Diện tích rừng trồng, trữ lượng gỗ lớn, nhưng số lượng cơ sở chế biến sâu còn ít, chi phí vận chuyển logistics tăng, giảm giá trị cạnh tranh.
"Do vậy, cần có chuỗi liên kết và phải đa giá trị thì mới nâng cao được đời sống của người dân, cũng như khẳng định vị thế cạnh tranh không chỉ ở thị trường Mỹ mà còn ở các thị trường khác", ông Tiến nói.
Nhật Linh