Mới đây, khi nhận định về chiến lược cho ngành hàng dệt may trong năm 2023, bộ phận phân tích Công ty chứng khoán Mirae Asset có lưu ý về rủi ro đối tác tăng lên trong ngắn hạn.
Kinh tế khó khăn thúc đẩy rủi ro
Theo đó, bên cạnh khả năng nhu cầu suy giảm, nền kinh tế khó khăn thúc đẩy rủi ro liên quan đến đối tác thương mại ở các thị trường xuất khẩu (XK). Nhất là các công ty Việt Nam thường là bên chịu rủi ro khi hợp tác với các nhà phân phối.
Các nhà DN dệt may của Việt Nam cần lường trước yếu tố rủi ro khi có doanh thu phụ thuộc vào số ít khách hàng chủ chốt. |
Đơn cử như vụ việc gần đây CTCP sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) kiện Amazon Robotics (đơn vị thuộc sàn thương mại điện tử toàn cầu Amazon) đòi bồi thường 280 triệu USD về vấn đề không thực hiện đúng thỏa thuận đã cam kết khiến công ty dư thừa năng lực sản xuất.
Vụ việc khiến cho giá cổ phiếu GIL của Gilimex giảm mạnh trên sàn chứng khoán hồi tháng 12/2022. Và trong những ngày đầu tháng 1, GIL chào bán 1 triệu cổ phiếu ESOP (kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, mức giá thấp hơn 48,7% so với giá thị trường và cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ thời điểm phát hành. Thế nhưng việc phát hành vẫn “ế”, không phát hành hết lượng cổ phiếu.
Về phía Amazon, mới đây, theo một báo cáo nội bộ từ các nhà kinh tế của hãng này ước tính có 30% nguy cơ xảy ra suy thoái ở Mỹ trong sáu tháng tới. Hầu hết các dự báo khác đều mô tả sự u ám, với một số dự đoán rùng mình còn cho rằng, có khả năng xảy ra suy thoái 70% vào năm 2023.
Hoặc như hồi năm 2020, CTCP May Sông Hồng (MSH) đã gặp rủi ro thanh toán với số tiền 166 tỷ đồng từ đối tác lớn tại Mỹ là hãng bán lẻ quần áo RTW Retailwinds, công ty sở hữu gần 400 cửa hàng New York & Co tại 32 bang trên khắp nước Mỹ, đã đệ đơn phá sản. Đây là 1 trong 3 khách hàng truyền thống lớn nhất của MSH trong nhiều năm trở lại đây.
Còn 2 năm trước đó là trường hợp hãng bán lẻ Sears Holdings của Mỹ phá sản sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ và nợ nần chồng chất. Điều này khiến cho CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) gặp rủi ro thanh toán vì có giao dịch với 2 công ty con của Sears Holding là Roebuck & Co và Công ty Kmart Corporation với doanh số chiếm khoảng 7% doanh thu hằng năm của TCM.
Sau khi Sears phá sản, trong thời gian dài TCM đã nỗ lực tham gia vào quá trình tòa án giải quyết thủ tục phá sản để thu hồi số tiền hơn 100 tỷ đồng chưa thanh toán.
Theo bộ phận phân tích của Mirae Asset, trong tình huống khó khăn, dù là đối tác lớn, đã từng hợp tác lâu dài và có uy tín vẫn sẽ có khả năng xảy ra rủi ro và hầu hết các rủi ro này rất khó dự báo trước. Ảnh hưởng của nguy cơ này đặc biệt lớn đối với các công ty có doanh thu phụ thuộc vào số ít khách hàng chủ chốt.
Đa dạng đối tác và thị trường tiêu thụ
Giới chuyên gia cho rằng, trong năm 2023 các nhà XK dệt may của Việt Nam cần lường trước những rủi ro khi phụ thuộc vào một số đối tác lớn. Nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu khiến cho không ít nhà phân phối, nhà bán lẻ thời trang hàng đầu thế giới gặp khó khăn, liên tục đệ đơn xin phá sản.
Đặc biệt là trước những tác động của môi trường bán lẻ đầy thách thức, cộng với ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đã gây ra khủng hoảng tài chính nghiêm trọng cho các nhà bán lẻ thời trang, và những khó khăn này được dự đoán sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Điều đó khiến cho một số doanh nghiệp (DN) dệt may của Việt Nam bị vạ lây mất tiền.
Cần lưu ý thêm, nếu DN đầu tư và sản xuất dựa vào dự báo trong tương lai của đối tác, như trường hợp của GIL với Amazon, trong trường hợp đối tác đột ngột ngưng nhập hàng hoặc hủy hợp đồng thì sẽ chịu rủi ro rất lớn. Không chỉ vậy, khi đối tác lớn bị phá sản, nhà cung ứng sẽ dính nợ khó đòi.
Cho nên, các nhà XK dệt may cần phải biết quản trị rủi ro để tránh bị thiệt hại, thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về đối tác mua hàng. Với các đối tác mới, DN cần tìm hiểu kỹ lưỡng về năng lực tài chính, khả năng thanh toán…
Hơn nữa, việc đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, tránh phụ thuộc vào một vài đối tác lớn có thể là cứu cánh duy nhất cho các nhà XK của Việt Nam vào thời điểm đầy thách thức này.
Đơn cử như trường hợp CTCP Đầu tư và Thương mại TNG thời gian qua đã phát triển số lượng thị trường tiêu thụ đa dạng hơn so với hồi năm 2021. Mặc dù thị trường Mỹ và EU vẫn chiếm chủ đạo với tỷ trọng lần lượt 40.13% và 35.63% (giảm so với mức 51% và 40% năm 2021). Tỷ trọng thị trường Nga duy trì quanh 7%. TNG cũng phát triển mạnh các thị trường mới tiềm năng như Canada (4.59%), Thổ Nhĩ Kỳ (2.29%).
Bên cạnh đó, theo giới phân tích, ngoài thị trường chính đang có vấn đề thì những thị trường mới đang cho tín hiệu tích cực với ngành dệt may. Ngoài ra, một điểm tích cực trong năm 2023 là một số mặt hàng may mặc thuộc chương 61 và 62 thuộc danh mục B3 sẽ bắt đầu được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào EU theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), phần nào hỗ trợ tích cực hơn trong việc XK dệt may vào thị trường EU.
Hơn nữa, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng sẽ hỗ trợ hàng dệt may Việt Nam ở các thị trường mới tiềm năng như Canada và Mexico. Như số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy XK hàng dệt may Việt Nam sang thị trường Canada và Mexico tăng trưởng cao trong năm 2022.
Nói chung, để tránh rủi ro thì điều quan trọng cho các nhà XK dệt may Việt Nam trong thời gian tới là không nên lơ là đến yếu tố rủi ro từ những đối tác lớn và nên tìm kiếm các cơ hội từ những thị trường mới và đối tác mới.
Thế Vinh