Bàn về xuất khẩu (XK) trong báo cáo chiến lược năm 2023 mới công bố, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng, triển vọng tăng trưởng toàn cầu ảm đạm khiến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN) suy giảm.
Phải nhìn thấy cơ hội lạc quan
Đặc biệt là lạm phát cao và triển vọng kém ở các thị trường XK chính. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất toàn cầu báo hiệu nhu cầu đang xấu đi. Sản xuất công nghiệp của Việt Nam gần đây cũng đã chậm lại.
Giữa lúc thị trường co hẹp, các nhà XK nông sản có thể tìm thấy cơ hội lạc quan từ đa dạng sản phẩm chế biến sâu và linh hoạt điều chỉnh thị trường. |
Trong năm 2022 vừa qua, tuy kim ngạch XK của Việt Nam tăng 10,6% so với năm trước (đạt 371,85 tỷ USD), nhưng ước tính sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho thấy, XK đã giảm tốc đáng kể từ tháng 9 (chủ yếu đến từ thị trường Mỹ và EU).
Tăng trưởng thương mại quốc tế năm 2023 vẫn tiếp tục chậm lại do kinh tế toàn cầu đang xấu đi, rủi ro địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn còn. Vì vậy, giới phân tích chỉ kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023.
Thực ra, những nhận định này với những khó khăn cho hoạt động XK cũng tương tự như những dự báo từ một số tổ chức kinh tế, công ty tư vấn trong nước và quốc tế. Thế nhưng, có ý kiến cho rằng đó là công việc của các nhà nghiên cứu kinh tế, còn nhiệm vụ của các DN XK là phải nhìn thấy cơ hội lạc quan, tìm ra giải pháp thích ứng trong điều kiện thị trường co hẹp, suy giảm nhu cầu và sẵn sàng nguồn lực khi nhu cầu quay trở lại.
Chẳng hạn như với XK thuỷ sản. Theo Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam (Vasep), dự báo nguồn cung các loại cá thịt trắng vào năm 2023 giảm và xu hướng giá cá thịt trắng tăng mạnh, thì cá tra Việt Nam vẫn nhìn thấy cơ hội lạc quan trong năm 2023.
Theo Vasep, khi lạm phát ngấm sâu vào các nền kinh tế thế giới, nhất là các thị trường thuộc khối G7, người tiêu dùng đã và sẽ tiếp tục siết chặt chi tiêu đối với các mặt hàng thực phẩm giá cao. Do vậy, dù ít nhiều bị tác động đến nhu cầu tiêu thụ và thực phẩm, nhưng so với các mặt hàng thủy hải sản khác, tiêu thụ và nhập khẩu cá tra vào các thị trường năm 2023 có thể không bị giảm đáng kể.
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Vasep cho biết, dự báo XK sang một số thị trường chủ lực trong quý I/2023 sẽ sụt giảm mạnh vì đơn hàng giảm và kết quả năm 2023 khó duy trì được như năm 2022, nhất là Mỹ, EU. Tuy nhiên, DN cá tra vẫn có thể linh hoạt điều chỉnh thị trường XK vì vẫn có những tín hiệu lạc quan ở một số thị trường hoặc khối thị trường.
Chẳng hạn như Trung Quốc chắc chắn sẽ là kỳ vọng lớn nhất với ngành cá tra trong năm 2023, sau khi nước này bỏ các quy định kiểm soát, xét nghiệm Covid đối với hàng nhập khẩu. Nới lỏng chính sách kiểm soát Covid sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và thủy sản của thị trường này. Dự báo các phân khúc tiêu thụ thực phẩm như khách sạn, nhà hàng, dịch vụ sẽ bùng phát nhu cầu trở lại từ Tết Nguyên đán 2023.
Linh hoạt điều chỉnh thị trường
Hay như thị trường các nước ASEAN, so với các khu vực kinh tế khác thì thị trường khu vực này vẫn tăng trưởng tốt hơn và chịu tác động lạm phát ít hơn. Cùng với lợi thế về địa lý, ít rủi ro và ảnh hưởng bởi vấn đề logistics, lợi thế về thuế quan ưu đãi nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương với Việt Nam, ASEAN trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều DN XK trong năm nay.
Ngoài ra, Trung Đông cũng có sức hút lớn đối với các DN XK của Việt Nam. Đồng thời, khối thị trường Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vẫn có sức hút với các DN vì lợi thế thuế quan và một số thị trường trong khối có tăng trưởng kinh tế ổn định và khả quan so với các thị trường khác.
Theo giới chuyên gia, các DN cũng cần linh hoạt điều chỉnh trong chiến lược XK của mình. Đơn cử như với mảng XK mặt hàng thời trang trong năm nay, theo gợi ý của Công ty tư vấn quản trị toàn cầu Mc Kinsey, các nhà XK nên “siêu địa phương hóa từng thị trường”.
Mc Kinsey cho rằng sự gián đoạn trong quá trình phục hồi của các nền kinh tế quốc gia riêng lẻ cũng sẽ là một thách thức cần được giải quyết. Do đó, giải pháp được áp dụng ở đây là tạo ra các chiến lược đặc biệt theo từng khu vực, cả về tiếp thị, dịch vụ khách hàng và tăng trưởng thực tế.
Riêng với khả năng sức mua sụt giảm tại thị trường EU được cho sẽ ảnh hưởng với các nhà XK của Việt Nam trong năm nay, ở góc độ của một DN XK nông sản thực phẩm, trao đổi với VnBusiness, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc CTCP Phúc Sinh cho rằng, dù thị trường này có khó khăn nhưng với những DN có đầu tư cho chế biến sâu nông sản với đa dạng sản phẩm thì vẫn có thể đáp ứng một cách phù hợp, nếu người tiêu dùng EU không mua sản phẩm này thì họ vẫn có thể mua sản phẩm khác của mình.
Theo ông Thông, một số lĩnh vực XK khác có thể sẽ tiếp tục gặp khó, nhưng với mảng thực phẩm mà công ty đang làm vẫn là mảng quan trọng. Trên toàn thế giới, thời buổi khó khăn, người dân có thể không mua những đồ xa xỉ phẩm nhưng thực phẩm thì vẫn phải mua. Và phía công ty sẽ vẫn tăng khối lượng sản xuất để XK khi mà công ty đã đa dạng được thị trường XK với khoảng 100 quốc gia trên thế giới.
Nói chung, trước nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến chi tiêu, co hẹp ở một số thị trường lớn thì điều quan trọng là các nhà XK của Việt Nam phải bám sát tình hình, phản ứng nhanh với diễn biến kinh tế toàn cầu để thích ứng, linh hoạt nắm bắt cơ hội ở những thị trường tiềm năng.
Thế Vinh