Sau 7 lần tăng liên tiếp, giá xăng dầu Việt Nam đã ở mức cao kỷ lục chưa từng có trong lịch sử - gần chạm mốc 30.000 đồng/lít. Vấn đề này cũng nhận được sự quan tâm của nhiều Đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, diễn ra ngày 16/3.
Giá xăng dầu có giảm được trong thời gian tới?
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) chất vấn Bộ trưởng Công Thương rằng cử tri đang băn khoăn thời gian tới giá xăng dầu có giảm được hay không. Bên cạnh đó, cơ cấu tính giá xăng dầu phức tạp, nhiều loại thuế chưa hợp lý.
Giá hàng hóa đã thiết lập mặt bằng mới sau khi xăng dầu tăng giá. |
Đại biểu Phương đặt vấn đề: Cử tri muốn Bộ trưởng làm rõ vì sao xăng dầu là mặt hàng thiết yếu lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và việc thu thuế bảo vệ môi trường thời gian qua đã được đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường ra sao?.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cho biết giá xăng dầu giảm hay không còn tùy thuộc vào thị trường thế giới. Nếu giá xăng dầu thế giới tăng cao, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để cố gắng điều chỉnh giá xăng dầu trong nước ở mức tăng chấp nhận được thông qua công cụ là Quỹ Bình ổn giá. Quỹ Bình ổn giá không còn sẽ sử dụng công cụ thuế phí. Nếu giảm hết cỡ mà không giúp giá xăng dầu hạ nhiệt thì sẽ đề xuất Chính phủ nghiên cứu tới việc sử dụng Quỹ an sinh xã hội để hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng khó khăn, doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu.
"Chúng ta bỏ ra 350.000 tỷ đồng để phục hồi kinh tế, thì không lý gì không thể bỏ một số tỷ đồng để cứu nền kinh tế, hỗ trợ đối tượng yếu thế trong bối cảnh nếu giá xăng dầu vượt quá sức chịu đựng của người dân", ông Diên nhấn mạnh.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Diên cho rằng việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là giải quyết bài toán cấp bách, trước mắt. Nếu điều chỉnh các sắc thuế khác, phải chờ Quốc hội sửa luật và thông qua, thì phải tới tháng 6, tháng 7. Khi đó đã hết Quỹ Bình ổn mà giá thế giới tăng hàng ngày thì công tác điều hành vô cùng khó khăn.
Đồng thời, ông Diên cho rằng hiện nay cơ chế hình thành Quỹ Bình ổn xăng dầu theo phương thức trích - lập từ mỗi lít xăng dầu người tiêu dùng mua nên bộc lộ bất hợp lý, chưa theo thị trường, Bộ Công Thương sẽ tham mưu Chính phủ nghiên cứu, tăng cường hơn nữa Quỹ Bình ổn xăng dầu.
Cụ thể, tới đây sẽ nghiên cứu kinh nghiệm các nước để nâng quy mô quỹ này và xem xét tạo nguồn quỹ này thế nào, từ đâu, từ ngân sách hay trích lập trên mỗi lít xăng dầu để có Quỹ bình ổn giá đúng nghĩa.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin thêm không chỉ xăng dầu, các mặt hàng như thép, hóa chất, dệt may phụ thuộc khá lớn vào thị trường nước ngoài. Riêng xăng dầu, năm ngoái Việt Nam phải nhập gần 10 triệu tấn và năm nay dự kiến nhập khẩu trên 7 triệu tấn. Như vậy có nghĩa chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường thế giới.
Theo Bộ trưởng Tài chính, với giá dầu thô 130 USD/thùng, giá cơ sở tính một lít xăng A92 là 18.855 đồng, thuế cộng vào là khoảng 30.800 đồng/lít. Tỷ lệ thuế chiếm 33,5% trên giá, như vậy việc giảm thuế sẽ là một giải pháp trong nhiều giải pháp đồng bộ giúp giảm giá xăng dầu.
Sắp tới Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ tham mưu giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung, chống buôn lậu xăng dầu, giảm thuế môi trường với xăng dầu. Có giải pháp linh hoạt đảm bảo giá giảm, đảm bảo sản xuất kinh doanh đảm bảo phát triển ổn định.
Để không xảy ra hiện tượng "té nước theo mưa"
Điều này cho thấy, có nhiều cơ sở để "hạ nhiệt" giá xăng dầu, tuy nhiên một vấn đề nữa được đặt ra là giá hàng hóa có giảm theo. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM), chất vấn thời gian qua việc điều chỉnh giá xăng dầu đã khiến nhiều loại hàng hóa khác tăng giá, có cả hình thức "té nước theo mưa". Vậy nếu giá xăng dầu giảm, sẽ có giải pháp gì để kéo mặt hàng khác giảm theo? Tuy nhiên, câu hỏi này vẫn chưa nhận được phần trả lời cụ thể từ phía cả Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
Đúng như nhận định của Đại biểu Trần Hoàng Ngân, trên thực tế ngay sau lần tăng giá thứ 7 vừa qua của xăng dầu, nhiều mặt hàng tiêu dùng trong nước đã thiết lập mặt bằng mới. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam, cho hay xăng dầu liên tục tăng giá trong thời gian sau Tết nguyên đán đã ít nhiều ảnh hưởng đến các nhà cung cấp hàng cho siêu thị, nhất là các nhà cung cấp thực phẩm tươi sống. "Ở góc độ nhà bán lẻ, chúng tôi rất khó đoán định mặt bằng giá sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới", bà Vân chia sẻ dù siêu thị đang cố gắng cam kết giữ bình ổn giá.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội, chia sẻ, do siêu thị thường ký hợp đồng cung ứng hàng hóa từ đầu năm nên giá xăng tăng tạm thời không ảnh hưởng đến hợp đồng cung cấp sản phẩm. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu đầu vào bột mì và bơ nhập khẩu, dầu ăn tăng ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, nên một số nhà cung ứng hàng hóa đã đề nghị tăng giá.
Trong khi đó, giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, sắt thép, dịch vụ vận tải cũng đã có bảng chào mới ngay sau khi giá xăng dầu tăng... Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, việc thiết lập một bằng giá mới sẽ tác động tiêu cực tới quá trình phục hồi kinh tế. Một khi có mặt bằng giá mới thì tất cả mọi kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh đều phải xây dựng, tính toán dựa trên mặt bằng mới này. Thêm vào đó, khi tạo thành mặt bằng giá mới thì thu nhập thực tế của người dân sẽ bị giảm. Sức chi tiêu giảm sẽ lại dẫn tới làm giảm tổng cầu.
Theo đó, ông Lâm cho rằng Việt Nam cần thay đổi cách điều hành lạm phát để phù hợp với bối cảnh, điều kiện mới. Ông đề nghị Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương cần nắm bắt tình hình kinh tế, chính trị thế giới và có thêm những công cụ phân tích dự báo một cách kịp thời hơn, chính xác hơn để không phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, cơ quan quản lý Nhà nước, Cục Quản lý phải giám sát việc tăng giá cả hàng hóa, vì thực tế vẫn có tình trạng "té nước theo mưa", không chịu tác động nhiều vẫn tìm cách tăng giá.
Hơn ai thế nếu tăng giá quá cao, người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp không bán được hàng, khó kích cầu sức mua. Điều này ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát tăng cao và cả xã hội chịu thiệt. Vì vậy, doanh nghiệp cần hạn chế đến mức thấp nhất đưa tất cả chi phí phát sinh vào giá bán.
Ông Lê Minh Hoan Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Giá cả vật tư đầu vào cao, giá đầu ra của nông sản thấp là thực trạng phải mà ngành nông nghiệp phải đối mặt. Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã có nhiều phiên họp bàn để tìm giải phải pháp ổn định giá cả nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Tuy nhiên nhìn ở góc độ khác, nhiều nông dân ở Gia Lai, Tây Nguyên đã chuyển sang dùng phân hữu cơ bằng cách ủ phế phẩm nông nghiệp, đây là giải pháp trước mắt nhưng chính là định hướng lâu dài, chuyển sang thâm hụt nông nghiệp hữu cơ hóa thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường bên ngoài. Bà Trần Thị Phương Lan Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Ngay trong quý I/2022, giá xăng dầu tăng liên tiếp đã ảnh hưởng tới giá cả các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, Sở Công Thương đã vận động các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối ký hợp đồng với các nhà cung cấp với thời lượng hợp đồng dài hạn để bình ổn giá thường xuyên. Như vậy, sẽ giảm sự tác động của biến động giá xăng dầu, cố gắng giữ được giá thành ổn định nhất và giữ chân được người tiêu dùng đến được với hệ thống phân phối của mình. Ông Nguyễn Tiến Thỏa Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Những biến động bất thường, tạo ra những cú sốc của thị trường, giá cả các đầu vào của nền kinh tế tăng cao đương nhiên sẽ gây ra những tác động bất lợi đến chương trình phục hồi kinh tế. Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường thì về nguyên tắc, chúng ta phải chấp nhận những tín hiệu khách quan của thị trường để ứng xử phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, như vậy thì không có nghĩa là chúng ta phó mặc cho những cú sốc của thị trường mặc sức tự do va đập gây bất lợi cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mà cần phải có những giải pháp ứng phó phù hợp thích ứng với những biến động của thị trường. |
Nhật Linh