Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4, số giảm thu ngân sách nhà nước gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng trong năm nay khoảng 23.954 tỉ đồng.
Giảm thuế là biện pháp tình thế
Theo nhận định của TS. Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, so với các quốc gia khác trên thế giới, mức thuế xăng dầu của Việt Nam ở mức trung bình. Rất nhiều nước mức thuế này chiếm tỷ trọng từ 45 – 60% trong giá bán xăng, dầu, ngoại trừ một số nước có lượng dự trữ dầu mỏ lớn như: Hàn Quốc thuế xăng dầu chiếm 49%, Thái Lan chiếm 45%, Malaysia chiếm 29%…
Dự báo, nếu giá dầu tăng bình quân 30-40% trong năm nay sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách khoảng 10.000-16.000 tỷ đồng. |
Hiện nay, trong cơ cấu giá xăng dầu có 4 loại thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường) và chiếm 38% giá bán xăng và 20% đối với giá bán dầu. Vì vậy, rất nhiều ý kiến cho rằng đang có tình trạng thuế chồng thuế với mặt hàng xăng dầu. Đây cũng chính là lý do khiến giá xăng dầu trong nước luôn ở mức cao.
Nhận định về vấn đề này, ông Thoả khẳng định, tất cả những điều trên đều đúng luật. "Tuy nhiên, luật cũng do con người sinh ra và tính toán. Theo tôi, chúng ta cần nghiên cứu lại để vẫn giữ bản chất điều tiết thị trường của thuế và đảm bảo nguồn thu ngân sách. Qua đó, tránh tình trạng thuế chồng thuế", ông Thỏa nhấn mạnh.
Vấn đề đặt ra hiện nay, theo Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam là có giảm được thuế không? Nhưng, nếu sử dụng biện pháp thuế để kìm tốc độ tăng của giá xăng dầu, theo chuyên gia này cũng chỉ là biện pháp tình thế.
Dẫn giải cho nhận định của mình, ông Thỏa lấy ví dụ, tại thời điểm giá dầu 147 USD/thùng, giá xăng trong nước chỉ 25.000 đồng/lít xăng, nhưng hiện nay giá dầu chỉ hơn 110 USD/thùng, giá xăng trong nước lên tới gần 30.000 đồng/lít. Điều này là do, khi giá dầu 147 USD/thùng, Việt Nam giảm thuế nhập khẩu về 0% - biện pháp tình thế để kiểm soát lạm phát. Thậm chí, có lúc nhà nước đã áp dụng thêm biện pháp yêu cầu các doanh nghiệp không được tăng giá các mặt hàng thuộc danh mục quản lý giá của nhà nước.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, căng thẳng địa chính trị giữa Nga, Ukraine và phương Tây dẫn đến việc giá dầu trên thế giới đã tăng mạnh. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có 6 lần tăng giá xăng và có thể còn tăng. Vì vậy, thời điểm này, Bộ Tài chính nên điều chỉnh giảm thuế mạnh mẽ hơn để kìm giá xăng tăng.
Số liệu mới nhất vừa được Bộ Tài chính công bố cho thấy, tổng thu ngân sách hai tháng đầu năm khoảng 323.800 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ và bằng xấp xỉ 23% dự toán nhờ sự đóng góp từ ba khoản thu chính là thu nội địa, thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu. Đáng lưu ý, thu ngân sách từ dầu thô lớn nhất, đạt gần 8.100 tỷ đồng, tăng hơn 57% so với cùng kỳ, nhờ giá dầu tăng.
Mới đây Bộ Tài chính cho biết, đã hoàn thiện dự án nghị quyết điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Cụ thể, giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa 700 đồng/lít. Dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-4 đến hết ngày 31-12 năm nay.
Thu ngân sách vẫn tăng 16.000 tỷ đồng
Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm.
Từ đó tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng khoảng 31.938 tỉ đồng/năm. Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4, số giảm thu ngân sách nhà nước gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng trong năm nay khoảng 23.954 tỉ đồng.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nếu tính riêng số thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường có thể giảm, nhưng bù lại giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo nhiều khoản thu khác từ xăng dầu tăng. Vì vậy, tổng thu ngân sách từ xăng dầu vẫn tăng.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, giá xăng dầu tăng đang mang lại lợi ích cho một số bộ phận của nền kinh tế (chủ yếu là cục bộ) như: thu ngân sách tăng, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn hưởng lợi.
Điển hình, năm 2021, nguồn thu thực tế từ dầu thô đã đạt 35,2 nghìn tỷ đồng (tăng 51% so với dự toán năm 2021), góp phần giúp thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán 16,4%. Trong giai đoạn 2017-2021, thu từ dầu thô đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 2-4%. Ngoài ra, các loại thuế từ xăng, dầu (như thuế xuất - nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt…) cũng tăng lên làm tăng nguồn thu ngân sách, góp phần giảm thâm hụt ngân sách, nợ công.
Ông Lực tính toán, nếu giá dầu tăng bình quân 30-40% trong năm nay sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách khoảng 10.000-16.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá dầu tăng giúp một số doanh nghiệp khai thác dầu khí là hoạt động cốt lõi như PVN, PVD, GAS… tăng nguồn doanh thu, từ đó thúc đẩy các kế hoạch khai thác, thăm dò của năm 2022, cũng như các năm tiếp theo. Theo đó, tiền nộp thuế thu nhập từ cổ tức của những doanh nghiệp này vào ngân sách Nhà nước cũng tăng tương ứng.
Đồng tình với ý kiến cho rằng, giá xăng dầu tăng sẽ có lợi cho “nồi cơm” ngân sách, thậm chí theo tính toán cơ học của chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, giảm thuế môi trường ngân sách vẫn “có lợi” khi giá xăng dầu tăng. “Cứ lấy bình quân 50% giá bán xăng hiện nay là thuế, phí, nếu giá xăng 20.000 đồng/lít thì chúng ta thu 10.000 đồng/lít, xăng tăng lên 30.000 đồng, ngân hàng thu về 15.000 đồng, nên “ăn ra” 5.000 đồng, nếu có trừ đi 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường thì vẫn còn 3.000 đồng/lít. Dư địa không ảnh hưởng đến thu ngân sách”, ông Ánh dẫn chứng.
Thanh Hoa