Ở một buổi giao thương trực tuyến mới đây nhằm kết nối doanh nghiệp (DN) Việt Nam - Ấn Độ, ông Atul Kumar Saxena, Chủ tịch các Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) cho biết, Việt Nam có nhiều sản phẩm nông sản tươi, điển hình như trái thanh long, đang rất được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ.
Kỳ vọng thị trường lớn Ấn Độ
Theo đó, thanh long Việt được sử dụng như món tráng miệng yêu thích tại các khách sạn cao cấp ở Ấn Độ. Ngoài ra, loại trái cây này cũng nhanh chóng được ưa chuộng trong giới trung lưu và một số tầng lớp khách hàng khác.
Xuất khẩu trái cây cần hướng đến các thị trường mới có giá trị gia tăng cao trong năm 2021. |
Thực tế, Ấn Độ đã mở cửa cho nhập khẩu thanh long Việt Nam từ đầu năm 2014. Cách đây 5 năm, các thành viên của IICCI đã nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu (XK) thanh long từ Việt Nam sang Ấn Độ vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng.
Sở dĩ nhắc đến trái thanh long vào thị trường Ấn Độ vì đây là một trong những thị trường tiêu thụ lớn với 1,3 tỷ dân mà XK rau quả cần nhắm đến để tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc nhằm tránh các rủi ro như trong năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và những vướng mắc phát sinh.
Do phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc nên trái thanh long (chiếm hơn 35% tổng kim ngạch XK rau quả) khi XK vào nước này đã giảm mạnh, làm ảnh hưởng lớn đến kim ngạch XK rau quả trong năm 2020.
Trong khi đó, ở thị trường Ấn Độ, trái thanh long Việt Nam lại được đánh giá là ngon hơn thanh long của nhiều nước khác. Vì vậy, ông Mohit Singla, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Thương mại Ấn Độ (TPCI) cho rằng, cần tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu cho mặt hàng trái cây này hơn nữa trong thời gian tới để mọi tầng lớp nhân dân Ấn Độ biết đến và tiêu dùng trái thanh long Việt.
Bên cạnh trái thanh long, các loại quả khác của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm cũng được cho là có thể cạnh tranh tại thị trường Ấn Độ.
Theo giới chuyên gia, trước những biến động thị trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như trong năm 2020 cũng chính là quãng thời gian để tạo bước chuyển thâm nhập thị trường mới cho các DN XK rau quả.
Trong vấn đề này, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), đó là cần đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ DN XK trong giai đoạn mới.
Ông Phú cho rằng, sự chủ động của DN trong việc tìm kiếm thị trường mới đã tạo sức ép lên các cơ quan quản lý nhà nước và “chúng tôi cố gắng đuổi theo DN để phục vụ DN một cách hiệu quả nhất”.
“Bù đắp” từ chế biến
Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), việc kết nối giao thương trực tuyến như trong năm 2020 đã giúp các DN trong ngành hàng nông sản thực phẩm và rau quả tìm ra thị trường ngách là thị trường các nước Hồi giáo - vốn trước đây chưa tiếp cận nhiều.
“Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 như năm 2020 hay các năm tới, chúng ta gặp nhiều thách thức về khu vực thị trường. Do đó, cần tập trung vào những thị trường có giá trị gia tăng”, ông Toản nhấn mạnh.
Chẳng hạn như với EU, việc giảm thuế theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ giúp rau quả Việt Nam có lợi thế rất lớn trên con đường đến với thị trường lớn này trong năm 2021.
Giới phân tích cho rằng, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ trái cây của người dân EU trong năm 2021 sẽ tăng cao trở lại, XK mặt hàng này sang EU sẽ có những bước tiến đột biến.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, EU là thị trường tiêu thụ rau quả đông lạnh lớn nhất trên thế giới - chiếm gần 50% tổng nhập khẩu thế giới. Các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ lớn như Đức, Pháp, Bỉ và Vương quốc Anh (nay đã có hiệp định thương mại riêng với Việt Nam) mang đến cơ hội cho các nhà XK từ các quốc gia phát triển.
Qua khảo sát cho thấy một số loại trái cây được bán và tiêu thụ khá mạnh tại EU là lựu, chanh dây, vải, sung, sơn trà… Thương vụ Hà Lan cho rằng các DN XK lớn của Việt Nam có thể tận dụng nhu cầu đang tăng ở EU để cung cấp hàng hóa cho thị trường này.
Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản cũng cho rằng, để nâng giá trị XK của ngành hàng rau quả và nông sản thực phẩm thì phải đến từ những sản phẩm đã qua chế biến. Đây là cũng là vấn đề mà ngành hàng này cần tái cơ cấu trong thời gian tới, nhất là liên kết vùng nguyên liệu của nông dân, vừa giải quyết vấn đề XK.
Điều này có thể thấy khi XK rau quả chung trong 12 tháng của năm 2020 giảm, nhưng sản phẩm chế biến là chủng loại tăng trưởng liên tục bất chấp đại dịch Covid-19.
Thế nhưng, tỷ trọng XK của rau quả chế biến được cho là vẫn còn thấp trong cơ cấu hàng rau quả, nên mức tăng không “bù đắp” được những thời điểm khó khăn của XK rau quả trong năm 2020 do ảnh hưởng của Covid-19.
Cho nên, để XK rau quả trở lại “đường băng” tăng trưởng trong năm 2021, bên cạnh việc tạo bước chuyển thâm nhập các thị trường mới một cách hiệu quả hơn đòi hỏi cần đẩy mạnh hơn nữa khâu chế biến nhằm giúp “bù đắp” và nâng cao giá trị gia tăng cho XK rau quả.
Thế Vinh