Ông Maixme Dourdan, Giám đốc Phát triển chuỗi cung ứng của Boeing khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc vừa đến Việt Nam tham dự Vietnam International Sourcing 2023 tại TP.HCM. Một trong những mong muốn trong chuyến đi lần này của vị đại diện Boeing là tìm kiếm doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để vào chuỗi của tập đoàn này.
Boeing, Airbus mong muốn tìm nhà cung ứng Việt Nam
“Boeing đánh giá cao tiềm năng và vị trí quan trọng của thị trường Việt Nam đối với chiến lược kinh doanh của Boeing cũng như cơ hội và khả năng hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, sẽ giúp Boeing thực hiện thành công kế hoạch phát triển đầu tư và kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam”, ông Maxime Dourdan cho biết.
Các công ty hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới như Boeing, Airbus đang tìm kiếm nhà cung ứng Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất của họ. |
Không chỉ chuyến công tác lần này, thực tế trong thời gian qua, Boeing đã liên tục cử đại diện có các chuyến tham quan, tìm hiểu thị trường nhằm mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Theo đại diện Boeing, kể từ sau đại dịch COVID-19, nhiều nhà cung cấp của Boeing đã rơi vào tình trạng suy giảm năng lực tài chính, khả năng vận hành… Mặc dù vẫn duy trì quan hệ với các nhà cung cấp cũ, song Boeing đang muốn tìm kiếm nhiều nhà cung cấp ở các thị trường mới.
Điều này mở ra tia hy vọng cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng này, bởi có tới 300 thành phần, chi tiết để lắp đặt máy bay mà Boeing đang cần tìm nhà cung ứng.
Không chỉ Boeing để mắt tới Việt Nam mà Airbus - nhà sản xuất máy bay lớn của Pháp khẳng định tầm quan trọng của các mối quan hệ đối tác lâu dài tại Việt Nam. Bà Hoàng Tri Mai, Tổng Giám đốc Airbus tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam là đối tác quan trọng của Airbus, là đối tác có chung tầm nhìn trong việc phát triển nền công nghiệp hàng không trong tương lai. Chúng tôi quyết tâm tăng cường sự hợp tác tại đây để có thể hỗ trợ ngành công nghiệp hàng không Việt Nam ngày càng lớn mạnh”.
Lãnh đạo Airbus nhiều lần nhấn mạnh tới ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam, trong đó mục tiêu hướng tới hỗ trợ những công ty trong nước có đủ năng lực cung cấp linh kiện cho Airbus.
Bà Tri Mai cho biết, Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn với lực lượng lao động có tay nghề cao và năng động, ngành công nghiệp sản xuất sôi động và cơ sở hạ tầng phát triển tốt. Airbus nhìn thấy nhiều cơ hội khai thác tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam và thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực.
Lãnh đạo Airbus tại Việt Nam đánh giá thêm: “Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây và chúng tôi rất vui mừng được đóng góp vào sự phát triển liên tục này. Airbus đang làm việc chặt chẽ với các công ty trong nước cho các đơn hàng mới liên quan đến sản xuất linh kiện phụ tùng máy bay, nhằm đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ chuỗi cung ứng của chúng tôi - với các tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng, sự an toàn và phát triển bền vững…"
Vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe
Cơ hội là rất lớn nhưng thực tế thời gian qua không nhiều doanh nghiệp Việt có thể trở thành nhà cung ứng cho các hãng hàng không toàn cầu thế giới. Được biết, Boeing hiện mới có khoảng 6 doanh nghiệp Việt Nam đảm nhận cung cấp linh kiện, chi tiết và phần mềm cho Boeing. Trong đó, Tổng công ty sản xuất thiết bị Viettel đang là nhà cung ứng cấp 3 cho ông lớn ngành hàng không vũ trụ.
Trong khi đó, các quan hệ đối tác hiện có của Airbus trong lĩnh vực sản xuất linh kiện máy bay bao gồm: Artus (Meggitt) Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh cung cấp thiết bị cơ điện cho dòng máy bay A320, máy bay thân rộng A330 và A350. Ngoài ra, còn có Nikkiso Việt Nam tại Hà Nội sản xuất các cấu trúc bằng composite cho máy bay A320 Sharklet và các linh kiện cho máy bay A330neo và A350.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam nói với VnBusiness rằng mảng linh, phụ kiện của ngành hàng không là rất tiềm năng, nếu làm được thì lợi nhuận, lợi ích thu về rất cao. Song đây cũng là ngành công nghiệp rất khắt khe.
“Chúng ta biết rằng độ an toàn, an ninh của một chiếc máy bay rất cao, điều đó cũng đòi hỏi các chi tiết, linh kiện muốn lắp đặt trên máy bay cũng phải vượt qua các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Đó là bài toán không dễ để các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi của các tập đoàn hàng không toàn cầu nói trên”, bà nói.
Thực tế, cơ hội theo bà Hương luôn có nhưng nắm bắt được hay không còn phụ thuộc lớn vào năng lực của doanh nghiệp, cũng như sự hỗ trợ kiến tạo chính sách của Nhà nước.
Trong khi đó, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ (VASI), nêu thực tế nếu so về các sản phẩm gia công hoàn toàn bằng máy móc, Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản… Nhưng với các sản phẩm yêu cầu có sự gia công kết hợp máy móc và bàn tay của công nhân, kỹ sư Việt Nam lại có lợi thế hơn về giá thành và chất lượng. Đây sẽ là ngách để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn hàng không thế giới.
Bà Bình tin rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia được vào chuỗi cung ứng của ngành ô tô. Nếu nỗ lực thêm, các doanh nghiệp này sẽ có hy vọng tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành hàng không vũ trụ toàn cầu.
Ông Maxime Dourdan chia sẻ, trước khi trở thành nhà cung cấp cho Boeing, các đối tác cần hiểu rõ vị trí của tập đoàn này trong ngành hàng không vũ trụ. Theo đó, mỗi năm là công ty hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới, Boeing mua rất nhiều sản phẩm và dịch vụ thuộc các danh mục như: Hỗ trợ hàng không vũ trụ - bảo trì và thay đổi nhân công, dịch vụ sửa chữa và đại tu, phụ tùng, dịch vụ đào tạo, dịch vụ kỹ thuật, thiết bị hỗ trợ mặt đất; các bộ phận điện tử và điện tử hàng không; các mặt hàng hàng không vũ trụ thông thường - đồ rèn, vật đúc, bó dây, bột chuyển đổi cơ và điện, ốc vít, vi mạch, vật giữ và chất bịt kín; nội thất, vệ sinh; bộ phận chính - thân và các bộ phận thân máy bay…
Nói về kỳ vọng của Boeing, ông Maxime Dourdan cho rằng là nhà cung cấp - các doanh nghiệp cần hiểu rõ sản phẩm và dịch vụ của họ để có thể mang lại lợi ích trực tiếp cho Boeing và đáp ứng các giải pháp mà Boeing cung cấp cho khách hàng.
Theo đó, các tiêu chuẩn mà Boeing đưa ra đối với các đối tác gồm: Cùng chia sẻ cam kết với Boeing để đạt được thỏa thuận tốt nhất về mặt chi phí, chất lượng và vận chuyển; Duy trì tình hình tài chính ổn định và liên tục, tập trung vào cải thiện khả năng đáp ứng và hiệu quả thông qua các hoạt động trao đổi. Sẵn sàng chia sẻ kiến thức về cách mà Boeing và nhà cung cấp có thể vận hành doanh nghiệp một cách tốt nhất để đem lại giá trị cho cả Boeing, nhà cung cấp và khách hàng; Thực hiện các hoạt động của doanh nghiệp theo quy tắc ứng xử dành cho nhà cung cấp của Boeing và chia sẻ cam kết của Boeing về thực hành kinh doanh có đạo đức...
Và quan trọng hơn, “chúng tôi cần những nhà cung cấp cùng chúng tôi hướng tới tương lai, áp dụng những gì đã học được để đầu tư phát triển vào các công nghệ, từ đó đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của khách hàng”, vị đại diện Boeing nhắn nhủ tới tất cả các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn tham gia vào chuỗi sản xuất của tập đoàn này.
Nhật Linh