Chia sẻ với truyền thông mới đây, Airbus - nhà sản xuất máy bay lớn của Pháp tái khẳng định tầm quan trọng của các mối quan hệ đối tác lâu dài tại Việt Nam. Bên cạnh việc mở rộng văn phòng tại Việt Nam, công ty đã thiết lập một hệ sinh thái cung ứng vững chắc, nơi các đối tác như Artus (Meggitt) Việt Nam và Nikkiso Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc sản xuất và cung cấp linh kiện máy bay.
Cung cấp linh kiện cho máy bay có dễ?
Bà Hoàng Tri Mai, Tổng Giám đốc Airbus tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam là đối tác quan trọng của Airbus, là đối tác có chung tầm nhìn trong việc phát triển nền công nghiệp hàng không trong tương lai. Chúng tôi quyết tâm tăng cường sự hợp tác tại đây để có thể hỗ trợ ngành công nghiệp hàng không Việt Nam ngày càng lớn mạnh”.
Các nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới đang muốn phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam. |
Lãnh đạo Airbus nhiều lần nhấn mạnh tới ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam, trong đó mục tiêu hướng tới hỗ trợ những công ty trong nước có đủ năng lực cung cấp linh kiện cho Airbus.
Tương tự, ông Michael Nguyễn, Tổng giám đốc Boeing Việt Nam, cho biết trong 30 năm tới, theo dự tính của các chuyên gia, Đông Nam Á sẽ cần tới 4.000 máy bay, trong đó Việt Nam dẫn đầu về nhu cầu này. Boeing muốn trở thành nhà cung cấp chiến lược cho Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Boeing muốn tìm các nhà sản xuất, cung ứng cũng như hợp tác với các trường đại học Việt Nam. Theo ông Michael Nguyễn, hiện tại, Boeing có 7 nhà cung cấp đặt cơ sở tại Việt Nam, nhưng chỉ có một công ty của Việt Nam. Về lâu dài, Boeing muốn được làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp Việt Nam, bởi hiện tại đa phần thông qua các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc.
"Chúng tôi thực sự muốn được làm việc thẳng với các công ty Việt Nam, nhưng doanh nghiệp trong nước cần "tập đi trước khi chạy". Chúng tôi rất muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đi nhanh và chạy nhanh", Tổng giám đốc Boeing Việt Nam nói. Với các trường đại học, Boeing mong muốn hợp tác để đào tạo về nhân lực về khoa học.
Cũng theo ông Michael Nguyễn, hiện nay, máy bay của Boeing đều có các linh kiện từ Việt Nam như bộ phận phần cánh hay cửa ra vào. Boeing đánh giá nhân viên, chuyên gia người Việt sẽ phát triển tốt khi được quan tâm đúng mức với tố chất cần cù sẵn có. Do đó, hãng muốn theo hướng của Samsung, Intel vào Việt Nam để mở rộng hoạt động.
Đừng để "sân chơi" chỉ dành cho khối ngoại
Những thông tin trên tiếp tục là tín hiệu vui cho ngành công nghiệp chế tạo trong nước. Thống kê cho thấy, cả nước đang có khoảng 122.000 doanh nghiệp chế biến chế tạo, chiếm 15,4% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi chiếm tới 63% doanh thu thuần và 61,3% về lao động. Một số lĩnh vực như điện tử, ô tô, xe máy, da và các sản phẩm da… hầu hết đều do khu vực FDI chi phối.
Nhận định về tiềm năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam, ông Yoon Chang Woo, Tổng Giám đốc Posco Việt Nam, đánh giá những doanh nghiệp Hàn Quốc như Samsung Electronics - công ty sản xuất điện thoại thông minh tiên tiến nhất, và LG Electronics - đơn vị sản xuất các thiết bị điện gia dụng được xếp hạng là tốt nhất trên thế giới, đều đã hội tụ xúc tiến vào Việt Nam.
Và ông Yoon Chang Woo khẳng định đây đều là những doanh nghiệp từ những ngành công nghệ thâm dụng kỹ thuật chuyên sâu. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể cung cấp các bộ phận linh kiện chất lượng cao nhất cho Samsung Electronics và LG Electronics, vậy nên tính tới thời điểm hiện tại, hầu hết các bộ phận này vẫn đang nhập từ Hàn Quốc.
Ngoài ra, đối với ngành ô tô, các doanh nghiệp ô tô trong nước như VinFast, Trường Hải, Hyundai Thành Công đang tích cực sản xuất, nhưng theo hình thức là nhập linh kiện và lắp ráp. “Thực trạng là sự tăng trưởng của ngành sản xuất phụ tùng ô tô vẫn còn hạn chế”, Tổng Giám đốc Posco Việt Nam thẳng thắn chia sẻ.
Theo đó, ông Yoon Chang Woo khuyến nghị nếu Việt Nam muốn thu hút FDI trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến và cao cấp nhất, thiết nghĩ Chính phủ cần có kế hoạch cụ thể để xây dựng và nuôi dưỡng hệ sinh thái công nghiệp phụ tùng, theo đó là sự hỗ trợ về chính sách đi kèm.
“Chính phủ Việt Nam có thể đã có các kế hoạch và chính sách chi tiết được chuẩn bị sẵn sàng. Nếu như đã có sự chuẩn bị, tôi thiết nghĩ cần thiết phải thực thi nhanh chóng vào thực tế”, Tổng Giám đốc Posco chia sẻ việc chuyển giao công nghệ kỹ thuật chỉ có thể trở nên khả thi khi các doanh nghiệp Việt Nam có đủ yếu tố năng lực.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và Mỹ đang gia tăng đầu tư vào Việt Nam, và Apple - một doanh nghiệp toàn cầu cũng đã quyết định tiến hành sản xuất sản phẩm tại Việt Nam, Tổng giám đốc Posco khuyến nghị Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam nên nhanh chóng tận dụng những cơ hội như thế.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thời gian qua, chúng ta có nhiều chính sách nhưng cách tiếp cận chính sách hiện khá đa dạng, thiếu đi chiến lược tổng thể, trong đó ngành công nghiêp cũng gặp phải tình trạng tương tự. Đó là sự liên kết, chất lượng, rồi trình độ công nghệ của doanh nghiệp hiện còn chậm đổi mới, "sân chơi" cho các doanh nghiệp trong nước đang có rất nhiều hạn chế so với doanh nghiệp FDI.
Để nâng cao hiệu quả thực thi thời gian tới, ông Hiếu cho rằng: Bộ Công Thương cần quan tâm đến thiết kế chính sách và thực thi. Đặc biệt, cần chủ động cách thức thông tin, tiếp cận, giải đáp thắc mắc kịp thời đối với các doanh nghiệp, có như vậy mới nâng cao hiệu quả thực thi chính sách.
Nhật Linh