Đây là điều mà nhiều nhà đầu tư đánh giá về Việt Nam. Tuy vậy, theo các chuyên gia, Việt Nam cũng cần chuẩn bị hành trang cho mình trong cuộc cạnh tranh thu hút dòng vốn FDI vốn dĩ rất khốc liệt.
Nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn
Chiều 7/9, Bộ KH&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến chuyên sâu về Việt Nam với chủ đề “Việt Nam – ngôi sao đang lên”, thu hút sự tham dự của lãnh đạo của các doanh nghiệp (DN) đến từ châu Á, châu Âu và Mỹ.
Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong thu hút FDI. |
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, do xung đột giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới, cùng tác động của đại dịch COVID-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu. Gián đoạn sản xuất đã khiến các tập đoàn, DN quốc tế đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu nhằm đa dạng hóa đầu tư tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia và một đối tác, mở ra cơ hội cho các nước, trong đó có Việt Nam.
Để chuẩn bị đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển theo nguyên tắc cùng thắng (win-win), Việt Nam đã và đang đẩy nhanh chuẩn bị các điều kiện như: Rà soát quỹ đất, mặt bằng, nhà xưởng và các hạ tầng thiết yếu cần thiết khác phục vụ sản xuất, đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật vào Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư và làm việc, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng các gói ưu đãi đặc biệt áp dụng cho các dự án quy mô lớn...
Việt Nam cũng thực hiện chính sách chủ động thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất gắn với đào tạo nhân lực.
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ, với những yếu tố nền tảng mạnh mẽ như dân số trẻ, năng động và am hiểu công nghệ, thị trường nội địa đang phát triển, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và một nền kinh tế mở, Việt Nam tiếp tục mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn.
"Đại dịch COVID-19 có thể sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa, tuy nhiên điều đó không nên ngăn cản chúng ta tìm kiếm các cơ hội và đưa ra những chiến lược mới để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam", ông Nirukt Sapru nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông C.K. Tong, Tổng giám đốc CTCP phát triển công nghiệp BW nhìn nhận, xu hướng đầu tư của FDI theo kiểu Trung Quốc+1 (mắt xích chuỗi sản xuất với Trung Quốc) đã thay đổi từ trước đại dịch. Trung Quốc là nước có tốc độ hiện đại hóa, công nghiệp hóa nhanh nên chi phí tăng cao, dư địa tăng trưởng một số ngành chạm ngưỡng. Vì thế, đã đến lúc các DN phải tìm một nơi khác để đầu tư nhằm hạn chế chi phí, gia tăng lợi thế, và Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầy hứa hẹn.
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
Theo ông Tong, Việt Nam dù xảy ra COVID-19 hay không thì cũng có cơ hội để đón dòng vốn này. Đối với DN đã và đang hoạt động ở Trung Quốc, Việt Nam có sự tương đồng về văn hóa, tính cần cù, tinh thần kinh doanh. Khi nhà đầu tư chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng cảm thấy gần gũi, không khác gì địa bàn kinh doanh cũ thì họ tin tưởng vào hiệu quả.
Điều đặc biệt, ông Tong dẫn ra ví dụ từ Tập đoàn Samsung - sản xuất phần lớn điện thoại ở Việt Nam, từ đó chứng minh một điều là lực lượng lao động của Việt Nam có thể sản xuất được các thiết bị cao cấp. Hiện nay, nhiều linh kiện phụ tùng đã được sản xuất tại Việt Nam, và Việt Nam cần nắm bắt để tạo ra một hệ sinh thái giúp các DN lựa chọn đầu tư.
"Tôi không nghi ngờ gì về khả năng các nhà đầu tư chọn Việt Nam, và các bạn nên nắm vững cơ hội này. Thực tế, sự cải thiện chất lượng lao động, tinh thần ham học hỏi và các chính sách mở cửa của Việt Nam đã đặt các bạn vào bối cảnh thu hút tốt nguồn lực đầu tư", Tổng giám đốc CTCP phát triển công nghiệp BW nói.
Mặt khác, ông Tong cũng chia sẻ về những bước tiến rất dài đối với sự phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Nhiều địa phương đã có kết nối đối với các khu vực.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: "Việt Nam có nhiều dư địa tốt hơn Trung Quốc, đó là điểm tự tin để chúng ta sẵn sàng mọi thứ để đón đầu dòng vốn FDI tốt hơn. Tuy nhiên, chúng ta không thể ngồi chờ được, bởi cạnh tranh thu hút FDI giữa các đối thủ với Việt Nam hiện nay rất lớn. Indonesia, Malaysia, Philippines cũng đang tận dụng xu hướng dịch chuyển vốn khỏi Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam cần chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng để đón đầu xu hướng này, nắm bắt tốt hơn".
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhìn nhận Việt Nam có 3 điểm nghẽn chính: Thể chế, hạ tầng và nhân lực. Đây là những mặt sẽ được đẩy mạnh cải thiện trong thời gian tới. Đặc biệt, đổi mới mô hình kinh tế của Việt Nam sẽ nhấn mạnh vào chất lượng và hiệu quả của chuyển đổi mô hình.
Đồng thời, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Hiện nay, đối với hoạt động mua bán và sáp nhập, thủ tục đầu tư thông thoáng hơn khá nhiều, các nhà đầu tư chỉ cần đủ điều kiện, không phải xin giấy phép, chỉ cần đăng ký là có thể góp vốn.
Ông Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Cơ hội đã có, để vượt qua thách thức khó khăn hiện nay, với khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, Việt Nam cần phải có quyết tâm cao hơn nữa, đổi mới tư duy, hành động mạnh mẽ, quyết liệt và sáng tạo trong quá trình triển khai. Bộ KH&ĐT sẽ lắng nghe những ý kiến, tư vấn mang tính xây dựng của các đối tác quốc tế, đồng thời cùng nhau chia sẻ thẳng thắn mối quan tâm trong các vấn đề hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Bà Phạm Chi Lan Chuyên gia Kinh tế Thực tế "đi săn các đại bàng" FDI khó khăn và khốc liệt như bước vào một cuộc chiến. Nơi đó có sự cạnh tranh đến từ chính sách vĩ mô đến hành động vi mô. Các DN lớn của châu Âu và Mỹ nhìn vào kết quả kinh doanh của những người bạn mình tốt thì họ mới vào. Họ học hỏi kinh nghiệm, lường được hết rủi ro, thay đổi chính sách thì mới đầu tư. Ông Nirukt Sapru Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN của Ngân hàng Standard Chartered Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã quan tâm thiết lập hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nhằm tận dụng khoảng cách địa lý gần và khả năng kết nối với ASEAN để thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Tuy vậy, muốn tận dụng được dòng vốn FDI dịch chuyển, Việt Nam cần phải đào tạo lao động trong nước. Việt Nam rất giống Thái Lan cách đây vài chục năm, muốn phát triển được các ngành công nghệ cao thì cần đào tạo lao động để nhận chuyển giao công nghệ. |
Lê Thúy