Theo thông tin mới nhất, mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam - Đông Pao ở (Lai Châu) dự kiến sẽ khởi động kế hoạch khai thác sau 10 năm kể từ ngày cấp phép (tháng 12/2014). Mỏ rộng hơn 132 ha, cách thị trấn Tam Đường (Lai Châu) khoảng 10km.
Khởi động khai thác mỏ đất hiếm lớn nhất
Ông Lưu Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Đất hiếm Việt Nam (VTRE), cho biết doanh nghiệp và đối tác Blackstone Minerals (đơn vị đàm phán đấu thầu các mỏ đất hiếm với Việt Nam) đang lên kế hoạch cho cuộc đấu giá khai thác mỏ Đông Pao.
Mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam - Đông Pao ở (Lai Châu) dự kiến sẽ khởi động kế hoạch khai thác sau 10 năm kể từ ngày cấp phép. |
Hiện những công việc đã, đang và chuẩn bị được triển khai gồm thử nghiệm nguyên liệu đất hiếm trên dây chuyền quy mô nhỏ trong năm 2023; đưa ra quy trình, thiết kế nhà máy khai thác mỏ; thiết kế, đào tạo chuyên gia cho nhà máy phân tách quặng thành sản phẩm đất hiếm đạt độ tinh khiết từ 95% trở lên để đưa vào nhà máy phân ly trong năm 2024.
Theo công bố năm 2022 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm lớn nhất, 44 triệu tấn; kế đến là Việt Nam 22 triệu tấn và Brazil 21 triệu tấn. Đất hiếm gồm 17 nguyên tố, phần lớn trong số đó đóng vai trò không thể thay thế trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, pin, nam châm vĩnh cửu phục vụ cho xe điện, tuabin điện gió, máy bay, điện thoại và công nghiệp quốc phòng.
Như vậy, Việt Nam là một trong những nước sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm vô cùng lớn. Kết quả nghiên cứu, tìm kiếm thực hiện từ năm 1958 đến nay đã phát hiện được nhiều điểm tụ khoáng sản đất hiếm lớn ở Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái).
Điều này giúp Việt Nam đủ sức hấp dẫn các “ông lớn” công nghiệp vi mạch, bán dẫn toàn thế giới. Theo đó, nhiều quốc gia đã tìm đến Việt Nam với hy vọng hợp tác trong lĩnh vực này.
Hơn 10 năm trước, Nhật Bản đã tìm đến Việt Nam để mong giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm sau những căng thẳng liên tục với Trung Quốc. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (nay được tách là Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam) đã phối hợp với Nhật Bản trong việc phát hiện các mỏ đất hiếm tại tỉnh Lào Cai, cùng với các mỏ tại Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum và Lâm Đồng.
Tháng 12/2014, Bộ TN&MT cấp phép cho công ty CP Đất hiếm Lai Châu (Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam) cùng đối tác Nhật Bản khai thác mỏ Đông Pao. Tuy nhiên như đã đề cập ở trên, quá trình khai thác những năm qua gặp nhiều khó khăn về công nghệ cho đến cơ chế.
Trước sự phát triển, cạnh tranh chiến lược, gần đây nhiều quốc gia đi đầu trong phát triển công nghệ cao đã tìm đến Việt Nam với hy vọng có được nguồn đất hiếm thay thế Trung Quốc. Năm 2022, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác về thăm dò, khai thác, phát triển các chuỗi khoáng sản cốt lõi, trong đó bao gồm đất hiếm tại Việt Nam với đối tác Hàn Quốc.
Năm 2022, công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam đã ký kết thỏa thuận xuất khẩu đất hiếm với công ty TNHH Kim loại ASM & KSM và chính quyền tỉnh Chungcheongbuk-do, Hàn Quốc. Hai công ty sẽ hợp tác với nhau để phát triển hoạt động khai thác tại tỉnh Yên Bái. Ước tính khu vực này chứa trữ lượng 30.000 tấn đất hiếm.
Tháng 6/2023, Hàn Quốc và Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ thành lập trung tâm dây chuyền cung cấp đất hiếm và các tài nguyên khoáng sản quan trọng nhằm duy trì nguồn cung ổn định cho các đối tác Hàn Quốc và khuyến khích nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam.
Vừa qua, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Việt Nam và Mỹ đã ký kết thỏa thuận về chất bán dẫn và khoáng sản đất hiếm.
Tuyệt đối không bán rẻ tài nguyên
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, GS- TSKH Nguyễn Mại, chúng ta đã và sẽ thấy các liên doanh giữa Việt Nam và các nước trong phát triển ngành công nghiệp đất hiếm để nắm công nghệ tương lai. “Chúng ta hãy tin rằng, Việt Nam sẽ tìm cách hưởng lợi ích nhiều nhất khi cầm trong tay khai thác đất hiếm. Việt Nam cần phải đẩy nhanh hành động để đón đầu cơ hội này”, ông nói.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam (Bộ TN&MT) cũng từng chia sẻ về cảm giác tiếc nuối của không chỉ riêng ông mà nhiều thế hệ làm địa chất, đó là chúng ta chưa khai thác được đất hiếm sau hơn 10 năm phát hiện đất hiếm hấp phụ ion. Càng nuối tiếc hơn khi trữ lượng đất hiếm ở nước ta thuộc nhóm lớn nhất thế giới mà những lợi ích từ nó mang lại gần như là con số 0.
Theo dõi thị trường đất hiếm trên thế giới, ông Nguyên cho rằng gần đây một số quốc gia dùng chiêu bài đất hiếm để thách thức, mặc cả với các nước có nhu cầu cao về nguyên liệu này như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Việc này cho thấy việc chậm triển khai các dự án đất hiếm còn có thể khiến chúng ta không chỉ đánh mất cơ hội về kinh tế mà còn cả về vị thế chính trị.
Một diễn biến mà ông Nguyên đề cập khi cập nhật thông tin từ đồng nghiệp địa chất ở Lào, Malaysia, Indonesia, Myanmar. Đó là với những điều kiện thuận lợi trong thăm dò, cấp phép, khai thác, những nước này đang đẩy nhanh dự án khai thác, chế biến đất hiếm, đặc biệt là kiểu hấp thụ ion như mỏ Bến Đền của Việt Nam. Điều này càng khiến lo ngại tiềm năng xây dựng vị thế đất hiếm của Việt Nam sẽ không được tận dụng.
Chia sẻ với VnBusiness, GS. Hà Tôn Vinh, Giám đốc Chương trình Đào tạo lãnh đạo Đại học California Miramar University (Hoa Kỳ), thẳng thắn nhìn nhận hợp tác quốc tế hiện nay là “quốc gia đó có cái gì và Việt Nam có cái gì, hợp tác hài hòa, cùng thắng”, tìm được sự quân bình trong quan hệ. Việt Nam có “vũ khí” kinh tế đất hiếm, chúng ta có nhưng không thể cho vô điều kiện, mà phải tìm quốc gia nào có công nghệ, làm ăn “bài bản” để xuất khẩu tinh quặng hoặc tinh chế, chứ không phải xuất khẩu thô.
“Đã qua rồi cái thời chúng ta xuất khẩu than, dầu thô, tài nguyên khác dạng nguyên liệu thô để thu ngoại tệ rồi. Việt Nam có đủ năng lực và cần khai thác tốt đa dạng tài nguyên này với giá trị gia tăng cao nhất, coi đó là “công nghệ”, là nguyên liệu để phát triển”, GS. Hà Tôn Vinh nhấn mạnh.
Đặc biệt, GS. Vinh lưu ý, Việt Nam không thể dựa chủ yếu vào tài nguyên đất hiếm, mà chỉ nên xem đó là nguồn lực, bước đệm để thực hiện các mục tiêu của mình và bằng trí tuệ của người Việt. “Chúng ta tuyệt đối không thể bán rẻ tài nguyên”, ông nhắn nhủ.
Nhật Linh