Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc cảnh báo sẽ hạn chế xuất khẩu sang Mỹ mặt hàng đất hiếm (gồm 17 loại khoáng sản được sử dụng trong rất nhiều thiết bị quân sự và điện tử tiêu dùng công nghệ cao).
“Chúng tôi muốn có sự đa dạng”
Mặc dù Trung Quốc chỉ chiếm 1/3 trữ lượng đất hiếm trên thế giới, nhưng lại chiếm tới 80% lượng khoáng sản nhập khẩu của Mỹ, vì quốc gia châu Á kiểm soát gần như tất cả các cơ sở để xử lý loại nguyên liệu này, theo thống kê của cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ.
“Chúng tôi đang tìm kiếm nguồn cung mới bên ngoài Trung Quốc. Chúng tôi muốn có sự đa dạng. Chúng tôi không muốn chỉ có một đối tác xuất khẩu duy nhất”, ông Jason Nie - kỹ sư vật liệu tại Cơ quan Hậu cần Quốc phòng - DLA (thuộc Lầu Năm Góc), cho biết bên lề hội nghị Argus về các kim loại đặc biệt ở Chicago.
DLA có chức năng mua, lưu trữ và vận chuyển nhiều vật tư của Lầu Năm Góc - từ khoáng sản đến phụ tùng máy bay hay phụ kiện trang phục. Cơ quan này cũng đã có một số cuộc gặp với Rainbow Rare Earths Ltd của Burundi để bàn về khả năng cung cấp đất hiếm trong tương lai, đồng thời giới thiệu một số dự án đất hiếm của Mỹ đang được triển khai, ông Nie chia sẻ.
DLA thường xuyên làm việc với các đơn vị cung cấp tiềm năng trong quá trình khảo sát thị trường. Tuy không phải lúc nào cũng chốt thỏa thuận nhưng điều đó cũng đủ cho thấy Lầu Năm Góc đang ngày càng quan tâm đến việc đa dạng hóa nguồn cung loại khoáng sản quan trọng này.
Tính đến tháng 9/2016, trong báo cáo hoạt động gần đây nhất, DLA nắm giữ nhiều khoáng sản quan trọng trị giá 1,15 tỷ USD.
Đối với năm tài chính 2019 hiện tại, DLA dự kiến sẽ mua đất hiếm trên thị trường mở (tối đa là 420 tấn), tiền chất pin lithium ion (0,02 tấn) và thiếc (40 tấn) cùng các khoáng sản chiến lược khác, theo một báo cáo của chính phủ Mỹ.
Một số thiết bị mà Lầu Năm Góc mua, bao gồm kính nhìn ban đêm và máy bay, được chế tạo bằng khoáng chất đất hiếm. Lầu Năm Góc từ lâu vẫn ủng hộ chủ trương các nhà thầu quân sự mua khoáng sản có nguồn gốc trong nước, mặc dù hiện tại không có cơ sở chế biến đất hiếm nào của Mỹ.
Trong cuộc xung đột thương mại leo thang với Mỹ, truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này có thể hạn chế bán đất hiếm cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chiến thuật này cũng từng được Trung Quốc áp dụng năm 2010 đối với Nhật Bản, sau khi xảy ra một tranh chấp ngoại giao.
Đất hiếm - “vũ khí” chiến lược để Trung Quốc đấu với Mỹ trong chiến tranh thương mại |
Vũ khí chủ lực của Trung Quốc
Ông Mark Seddon - chuyên phân tích của Argus, cho rằng “đây là vũ khí chủ lực của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại”.
Mkango Resources đang phát triển một mỏ khai thác và cơ sở chế biến đất hiếm ở Malawi và dự kiến vài năm nữa mới đi vào hoạt động. Rainbow Rare Earths thì bắt đầu hoạt động tại Burundi vào năm 2017 và có hợp đồng bao tiêu với ThyssenKrupp AG.
Trung Quốc hiện thống trị tuyệt đối về năng lực xử lý các loại đất hiếm, và chỉ có Lynas Corp của Australia là công ty duy nhất có năng lực đáng kể mà không phải của Trung Quốc.
“Phụ thuộc vào một nguồn cung cấp duy nhất đối với bất kỳ loại nguyên liệu nào không phải là ý hay”, ông Amanda Lacaze - Giám đốc điều hành của Lynas, cho biết. Lynas tháng trước đã ký một biên bản ghi nhớ với Blue Line Corp để xây dựng một cơ sở chế biến đất hiếm ở Texas.
Texas Mineral Resources Corp thì đang đẩy nhanh phát triển mỏ đất hiếm Round Top ở một khu vực xa xôi của bang viễn tây Texas, trong khi Rare Element Resources Ltd cũng có một dự án ở bang Utah.
Tuy nhiên, những dự án trên sẽ mất vài năm mới có thể khai thác và nó phản ánh một thực tế rằng công cuộc xây dựng các nhà máy chế biến đất hiếm ở Mỹ vẫn đang trong giai đoạn sơ khởi.
Bộ Thương mại Mỹ khuyến nghị cần có những hành động kịp thời để thúc đẩy sản xuất đất hiếm trong nước. Báo cáo của cơ quan này đưa ra tới 61 khuyến nghị bao gồm các khoản vay lãi suất thấp, yêu cầu các công ty quốc phòng ưu tiên khoản mua hàng hóa sản xuất trong nước… để tăng nguồn cung đất hiếm của Mỹ.
Hải Châu