Tập đoàn năng lượng phi dầu mỏ Banpu Plc của Thái Lan thông báo, dự kiến sẽ mua lại 100% cổ phần trong hai công ty sở hữu nhà máy điện Mặt Trời Chư Ngọc có công suất 15 MW và nhà máy điện Mặt Trời Nhơn Hải có công suất 35 MW.
Nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc. Ảnh Int |
Tờ Bangkok Post hôm 26/1 dẫn lời Giám đốc điều hành của Banpu, bà Somruedee Chaimongkol, cho biết giao dịch này dự kiến sẽ hoàn tất trong quý II. Thương vụ này có trị giá 26,7 triệu USD (khoảng 883 triệu baht) tại Việt Nam khi tập đoàn này mở rộng đầu tư vào năng lượng sạch.
Kirana Limpaphayom, Giám đốc điều hành của Banpu Power Plc nói rằng, việc mua hai trang trại năng lượng Mặt Trời mới này diễn ra sau khi Banpu sở hữu trang trại năng lượng Mặt Trời đầu tiên tại Việt Nam là nhà máy điện Mặt Trời Hà Tĩnh với công suất 50 MW.
Công ty Cổ phần Điện Mặt trời Hà Tĩnh vận hành trang trại năng lượng Mặt trời có công suất 50MW tại tỉnh Hà Tĩnh thuộc vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ. Đây là một trong những cơ sở điện Mặt trời lớn nhất ở khu vực duyên hải Bắc Trung Bộ. Trang trại năng lượng Mặt trời Hà Tĩnh cung cấp điện qua hệ thống lưới điện quốc gia theo hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong 20 năm.
Thương vụ mua bán được thực hiện thông qua BRE Singapore Pte, một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Banpu Next Co, chi nhánh năng lượng tái tạo và công nghệ năng lượng của Banpu Plc.
Trong khi đó, nhà máy điện Mặt Trời Chư Ngọc, đặt tại tỉnh Gia Lai ở Tây Nguyên, bắt đầu hoạt động vào tháng 6/2019. Nhà máy điện Mặt Trời Nhơn Hải, đặt tại tỉnh Ninh Thuận thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, bắt đầu hoạt động thương mại vào tháng 7/2020.
Công ty Banpu cho biết theo hợp đồng mua điện trong 20 năm với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, điện từ hai trang trại năng lượng Mặt Trời nói trên được bán với biểu giá 0,935 USD/kWh.
Trước đó, vào những tháng đầu năm 2020, Tập đoàn Super Energy (Thái Lan) mua lại bốn dự án điện mặt trời tại VN với tổng công suất 750 MW.
Đây là các dự án điện mặt trời nằm ở tỉnh Bình Phước, đang được Tập đoàn Điện lực VN (EVN) mua điện trong vòng 20 năm. Tổng số tiền bỏ ra để mua lại các dự án này là 457 triệu USD.
Tháng 12/2020, một doanh nghiệp khác của Thái Lan là Gunkul Engineering cũng đã bỏ ra 1,26 tỷ bạt (khoảng 39,9 triệu USD) để tiếp quản nhà máy điện mặt trời Phong Điền II ở Thừa Thiên - Huế.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà các đại gia Thái Lan quan tâm và đầu tư mạnh vào thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam. Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã cho thế giới thấy khả năng thúc đẩy các giải pháp năng lượng sạch, với công suất lắp đặt điện Mặt Trời cao nhất Đông Nam Á, cam kết của Chính phủ về thúc đẩy cung cấp năng lượng và nhu cầu mạnh mẽ về chất lượng không khí.
Xét đến tiềm năng điện Mặt Trời và các mục tiêu năng lượng xanh đến năm 2050, Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về năng lượng tái tạo. Về các dự án điện gió, Việt Nam có một trong những nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở Đông Nam Á, với tiềm năng ước tính là 311 GW.
Trên thực tế, Việt Nam hiện đang đứng trong TOP 10 các quốc gia có đầu tư vào năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, với 7,4 tỷ USD và vượt qua 2 nền kinh tế lớn của thế giới là Đức và Pháp.
Trà My