Theo Báo cáo Chiến lược và Định hướng thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2020-2030 của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC - thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới), Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong thu hút FDI. Dòng vốn FDI tăng gần 10 lần trong 10 năm qua.
Năm 2016, Việt Nam vượt qua tất cả các thành viên ASEAN khác, trừ Singapore về thu hút FDI. Nếu xét theo tỷ trọng GDP bình quân đầu người, Việt Nam vượt cả Trung Quốc và Ấn Độ về thu hút FDI.
Lượng vốn FDI vào Việt Nam trong mấy năm gần đây tăng nhanh. Tính đến cuối năm 2016, thu hút đầu tư được phản ánh qua nguồn vốn hơn 25.000 dự án FDI được đăng ký. Khoảng 1/3 lượng vốn này được đăng ký trong 5 năm gần đó (2012-2016).
Những công ty nước ngoài đã có hoạt động ở Trung Quốc, Thái Lan hoặc Philippines đều cho biết những quốc gia này có lao động tay nghề cao và chuỗi cung ứng tốt hơn hẳn Việt Nam |
Ông Wim Douw, Chuyên gia trưởng lĩnh vực tư nhân (IFC), đánh giá Việt Nam đã thu hút thành công đầu tư từ các tập đoàn hàng đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực, khi được phỏng vấn, bên cạnh các yếu tố ổn định chính trị của Việt Nam và nhu cầu đa dạng hóa địa điểm đầu tư ngoài Trung Quốc, các nhà đầu tư nước ngoài đều nêu chi phí nhân công và chi phí năng lượng thấp cùng với chính sách thuế ưu đãi là những lý do chính để họ quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Hầu như không có doanh nghiệp nào cho rằng tỷ lệ lao động có trình độ kỹ thuật cao hay chuỗi cung ứng địa phương có năng lực cạnh tranh là thế mạnh của Việt Nam. Đây là vấn đề đáng quan ngại nếu Việt Nam muốn hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới.
Trên thực tế, những công ty nước ngoài đã có hoạt động ở Trung Quốc, Thái Lan hoặc Philippines đều cho biết những quốc gia này có lao động tay nghề cao và chuỗi cung ứng tốt hơn hẳn Việt Nam. Khi chi phí nhân công tăng lên và miễn, giảm thuế hết hiệu lực thì sẽ có nhiều nội dung cần khi lập kế hoạch phát triển trình độ kỹ thuật tiên tiến hơn và các chuỗi cung ứng địa phương có năng lực cạnh tranh cần thiết để duy trì và thu hút nhà đầu tư trong một nền kinh tế có thu nhập cao...
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào chính sách miễn, giảm thuế có thời hạn cũng như các chế độ thuế suất ưu đãi và miễn thuế nhập khẩu.
"Cơ chế ưu đãi này tuy đã tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư thế hệ một khi mà nhiều nhà đầu tư cho biết chính sách ưu đãi và chi phí nhân công thấp là những lý do chính để họ đầu tư, nhưng cơ chế này lại chưa phù hợp để thu hút FDI mang tính đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh", ông Wim Douw nhìn nhận.
Theo vị chuyên gia này, rõ ràng cần thay đổi chính sách ưu đãi dựa trên thuận lợi bằng chính sách ưu đãi dựa trên hiệu quả, cần tiếp tục nghiên cứu sâu và thực hiện các phân tích chi phí - lợi ích để cải tổ hiệu quả khung chính sách ưu đãi căn cứ trên các tiêu chí chặt chẽ về bổ sung giá trị và tương xứng giữa giá trị và chi phí.
Lê Thúy