Tại hội thảo thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực doanh nghiệp (DN) FDI chiều 25/6, ông Hà Mạnh Tiến, Chủ tịch Các nhà quản trị DN Việt Nam, chia sẻ: 30 năm qua, chúng ta xem DN FDI là kênh chuyển giao công nghệ nhưng đến nay, các số liệu cho thấy sự lan tỏa, chuyển giao này rất thấp. "Hội của chúng tôi gồm 3.000 DN nhưng không cảm nhận được công nghệ từ FDI lan tỏa vào DN trong nước thế nào".
Công nghệ tụt hậu
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được gần 26.000 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài đạt 326 tỷ USD, trong đó 84% số dự án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài.
Tuy nhiên, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao; FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với các DN Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển.
Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT), cho biết tỷ lệ DN sử dụng công nghệ có "vòng đời" trong vòng 5 năm trở lại đây rất thấp. DN Việt Nam chủ yếu vẫn đầu tư vào công nghệ với mục đích giảm giá thành sản phẩm thay vì tạo ra sản phẩm mới để thâm nhập thị trường. Tỷ lệ chi tiêu nghiên cứu và phát triển (R&D) thấp nhất trong ASEAN, chủ yếu đầu tư vào người quản lý chứ không phải mua bán dây chuyền công nghệ.
Trong khi đó, hầu hết DN nhận chuyển giao công nghệ từ DN trong nước khác ngành, có sự chuyển giao công nghệ theo chiều dọc nhưng không phải từ FDI mà là DN Việt Nam.
Ts. Nguyễn Hữu Xuyên, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ KH&CN), cho biết trình độ, năng lực công nghệ và khả năng giải mã công nghệ của Việt Nam hiện nay còn thấp so với Thái Lan, tỷ lệ nhóm ngành sử dụng công nghệ cao của Việt Nam chỉ đạt khoảng 20%, trong khi tỷ lệ này của Thái Lan là 31%, Singapore: 73%, Malaysia: 51%, và tiêu chí để đạt trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là trên 60%.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện vẫn dựa vào thâm dụng vốn, lao động, trong khi nhiều nước trong khu vực có tỷ lệ đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt trên 50% như Thái Lan là 53%, Hàn Quốc: 51,5%, Trung Quốc: 52%, còn Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 40%.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới 2016, hiệu quả chuyển giao từ DN FDI của Việt Nam rất thấp và có xu hướng ngày càng bị tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực. Việt Nam đứng vị trí 103, Thái Lan thứ 36, Indonesia thứ 39, Malaysia xếp thứ 13.
Điều này một phần là do hoạt động đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, nền kinh tế Việt Nam về cơ bản vẫn là nền kinh tế gia công, mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến trong hoạt động khuyến khích nghiên cứu, triển khai, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong thời gian qua.
Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp |
Thay đổi chính sách
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng FDI có tác động lan tỏa đến nền kinh tế, thể hiện qua tác động tích cực đến năng suất của khu vực DN trong nước. Tuy nhiên, tác động này chủ yếu đến từ liên kết xuôi và chuyển giao công nghệ nhờ liên kết xuôi, tức là DN trong nước mua đầu vào trung gian từ DN FDI.
Qua ba thập kỷ, lan tỏa từ chuyển giao công nghệ nhờ liên kết ngược – DN trong nước bán đầu vào trung gian cho DN FDI vẫn còn yếu (khác với trường hợp của nhiều nước phát triển, điển hình là Trung Quốc), tức là chỉ có rất ít DN trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của DN FDI. Nguyên nhân là do nhiều DN trong nước chưa liên kết sản xuất được với DN FDI, mặc dù khu vực FDI liên tục mở rộng quy mô.
Nguyên nhân là tỷ trọng hàm lượng giá trị gia tăng trực tiếp trong xuất khẩu do DN nội địa tạo ra vẫn kém phát triển, năng lực cải tiến và R&D của DN trong nước còn thấp, tác động lan tỏa nhờ liên kết ngược tỷ lệ thuận với thời hạn hợp đồng, tuy nhiên chỉ có trên 70% ký hợp đồng và phần lớn DN ký hợp đồng ít hơn 12 tháng.
Thời gian tới, bà Anh cho rằng cần có chính sách thu hút FDI nhằm thu được tác động lan tỏa hướng tới tăng sự tương tác, liên kết sản xuất giữa DN FDI với DN trong nước. Khuyến khích hình thức liên doanh và cân nhắc loại hình 100% vốn nước ngoài có thể cần điều kiện về hợp tác, đào tạo, phối hợp và hài hòa mục tiêu của chính sách thu hút FDI và chính sách phát triển DN trong nước, hỗ trợ DN vừa và nhỏ Việt Nam.
Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Thanh Cường, công ty Goldsun Packaging (nhà cung cấp cấp I của Samsung Electronics), cho rằng DN cần chủ động thông tin về năng lực của mình như có công nghệ, quy mô, thế mạnh và những sản phẩm dịch vụ gì. Nếu có đầy đủ hồ sơ về vấn đề này sẽ giúp ích cho DN FDI trong việc hỗ trợ, kết nối với các DN Việt Nam.
Bản thân các DN Việt Nam cũng phải nỗ lực, tìm kiếm cơ hội kết nối. Phần lớn các DN Việt Nam vẫn chủ yếu tham gia các công đoạn như lắp ráp, cung cấp dịch vụ và linh kiện đơn giản nên giá trị kinh tế gia tăng thấp, thiếu sức cạnh tranh hoặc thiếu định hướng chiến lược rõ ràng.
Đồng thời, để hỗ trợ và thúc đẩy khối DN tư nhân phát triển, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư FDI nhưng có chọn lọc. Khuyến khích các DN FDI kết nối với DN Việt, nếu có lộ trình cam kết nội địa hóa cụ thể sẽ tốt hơn. Hạn chế cấp phép đầu tư nhóm ngành hàng mà các DN Việt Nam đã và đang làm chủ được công nghệ, tạo điều kiện để các DN nội địa phát triển, nâng cao thị phần nội địa hóa.
"Đã đến lúc bản thân nền kinh tế của Việt Nam phải vượt lên chứ không phải dựa vào đầu tư nước ngoài. Việt Nam cần có một chiến lược về thu hút FDI hiệu quả và hữu ích hơn trong thời gian tới", ông Cường khuyến nghị.
Lê Thúy
Ts. Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế Hiện nay, nhiều DN tư nhân Việt Nam không có liên kết nào với DN FDI dù Luật cho phép. DN có đăng ký rồi vẫn hoạt động theo tư duy tìm kiếm "công nghệ phong bì, quan hệ", tạo mối quen biết để trở thành công ty sân sau là chính. Để đẩy mạnh liên kết giữa DN trong nước và DN FDI, Nhà nước cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ hơn nữa đối với khối DN tư nhân. Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng CIEM Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN trong nước tăng năng lực để sẵn sàng liên kết, hấp thu công nghệ và tiếp nhận chuyển giao kỹ năng; tăng năng lực quản trị, nhân lực, năng lực ký kết và thực thi hợp đồng dài hạn. Chính sách phát triển DN cần hướng đến tăng quy mô của DN, khuyến khích quy mô lớn, phát triển cụm ngành tạo điều kiện liên kết. Nhân rộng mô hình đào tạo DN phụ trợ trong nước cung cấp đầu vào cho các DN FDI lớn trong một số ngành ưu tiên và xuất khẩu với sự tham gia của DN FDI. Ông Nguyễn Thế Phương - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Phải thừa nhận một cách thẳng thắn rằng mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi. Sự lan tỏa công nghệ từ DN FDI sang DN trong nước vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh ngày càng gay gắt, chúng ta phải xác định thu hút các dự án công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng và nguyên vật liệu là một trong những ưu tiên hàng đầu. |