Tại Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam giữa kỳ – VBF 2018 với chủ đề "Liên kết DN trong nước và nước ngoài – hợp tác và hướng tới lợi ích chung", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ví von: "30 năm FDI có mặt tại Việt Nam nhưng "chàng trai" FDI vẫn chưa kết hôn với "cô gái" là DN Việt Nam. Chúng tôi mong 30 năm tới đây, FDI sẽ "kết hôn và sinh con" – hình thành chuỗi giá trị của mình tại Việt Nam".
Doanh nghiệp nội bị "cô lập"?
Vì thế, VBF 2018 là dịp để DN FDI có thể chia sẻ những băn khoăn, vướng mắc của mình nhằm đẩy mạnh mối liên kết trên.
Ông Tomaso Andreatta, đồng Chủ tịch VBF, cho biết một trong những khó khăn mà DN FDI gặp phải là DN trong nước quá nhỏ và quá thiếu kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc bán sản phẩm cho các khách hàng có thị trường toàn cầu và phải sản xuất các sản phẩm chất lượng hàng đầu với mức giá hợp lý.
Đó là lý do tại sao DN FDI vẫn phải đem các nhà cung cấp từ bên ngoài vào thay vì đưa các công ty Việt Nam tăng tốc ở nhiều cấp độ. Các công ty Việt Nam cần có trình độ quản lý cấp quốc tế, quản lý cấp trung, cần các trường đào tạo, các công ty dịch vụ, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ.
Trong khi đó những điều này không dễ dàng đến được Việt Nam bởi những rào cản pháp lý, hoặc làm cho những DN muốn mang những dịch vụ hay sản phẩm đó vào Việt Nam phải quan ngại, như những vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp.
Một hạn chế nữa của Việt Nam khiến các doanh nghiệp FDI không "mặn mà" hợp tác liên quan đến thuế và hải quan đối với hàng xuất khẩu sản xuất bằng thuê ngoài (outsourcing). Đây là khâu gây nhiều khó khăn, tốn kém cho DN cả về thời gian và tiền bạc và công tác quản lý. Theo ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), sau khi các doanh nghiệp Hàn Quốc đặt hàng các doanh nghiệp hợp tác ở Việt Nam và nhận được sản phẩm thì họ hoàn thiện thành phẩm và xuất khẩu ra nước ngoài. Đây là phương thức xuất khẩu phổ biến nhất.
Tuy nhiên, theo giải thích của Tổng cục Hải quan: "trường hợp các công ty nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu sản xuất thành phẩm bằng thuê ngoài toàn bộ hay một phần thì không thuộc đối tượng miễn thuế".
"Từ trước tới nay, dù sản xuất thành phẩm bằng thuê ngoài toàn bộ hay một phần,sau khi xuất khẩu xong chỉ cần chứng minh phần nguyên liệu nhập khẩu đã tiêu thụ theo thủ tục thanh lý là có thể được miễn thuế hoặc hoàn thuế. Tuy nhiên, nếu như quy định được thực thi thì đây sẽ là một cú đánh mạnh vào các doanh nghiệp", ông Kim Heung Soo nói và cho rằng, đối với các ngành đỏi hỏi công nghệ cao, việc một doanh nghiệp thực hiện tất cả mọi công đoạn sản xuất phức tạp là điều không thể.
Do đó, nhiều công ty sản xuất tại Việt Nam phải tái xuất 100% hàng hóa và như vậy một lần nữa đã "cô lập" các DN trong nước ra khỏi các DN FDI.
Ông Kim Heung Soo cũng đề cập câu chuyện của Posco để bày tỏ quan ngại về các mệnh lệnh hành chính tại địa phương đang gây khó cho doanh nghiệp trong quá trình vận hành và chuyển giao công nghệ.
Doanh nghiệp này đã thành lập liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam vào năm 1994 và đang có nhiều hợp tác thành công bao gồm chuyển giao công nghệ.
Theo ông Kim Heung Soo, tháng 1/2019, tập đoàn mới cần gia hạn thời hạn của liên doanh tuy nhiên tháng 6/2017, mặc dù chưa hết thời hạn liên doanh nhưng các cơ quan chức năng đã cấp mới quyền sử dụng đất cho một doanh nghiệp Việt Nam ở Hải Phòng cũng thuộc liên doanh khiến việc liên doanh không thể tiếp tục và phải kết thúc.
"Quyết định hành chính như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến việc chuyển giao kỹ thuật và hợp tác cùng phát triển dưới hình thức liên doanh giữa DN Việt Nam và DN FDI và ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút đầu tư nước ngoài", ông Kim Heung Soo chia sẻ.
Đại diện cho nhóm Công tác đầu tư và Thương mại của VBF, bà Orsolya Grove cho biết DN nước ngoài rất muốn chuyển giao công nghệ cho DN Việt Nam nhưng lại đang gặp cản trở bởi các thủ tục hành chính như việc yêu cầu phải đăng ký các hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và các hợp đồng chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài là không hợp lý và không khuyến khích được quá trình chuyển giao công nghệ.
Hơn nữa, khi đăng ký chuyển giao công nghệ, các bên sẽ phải nộp bản gốc hoặc bản sao có chứng thực văn bản giao kết chuyển giao công nghệ thể hiện tên và đối tượng công nghệ được chuyển giao. Điều này có thể dẫn đến rủi ro trong vấn đề bảo mật thông tin và bảo vệ bí mật kinh doanh hoặc bất kỳ thông tin bí mật nào khác có liên quan đến công nghệ được chuyển giao.
VBF 2018 là dịp để DN FDI nói lên mong muốn của mình nhằm đẩy mạnh liên kết với khối DN trong nước |
Cần vai trò của "bà mối"
Bà Orsolya Grove cho rằng yêu cầu đăng ký này có thể tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, thu hút được ít nhà đầu tư đến và hợp tác kinh doanh với các công ty trong nước cũng như cản trở việc cải thiện và phát triển công nghệ mới tại Việt Nam.
Vì vậy, nhóm Công tác đầu tư và Thương mại kiến nghị: đối với các hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, yêu cầu đăng ký chuyển giao công nghệ nên được loại bỏ để tạo điều kiện và thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ diễn ra hiệu quả hơn.
Đồng thời, để Việt Nam tiếp tục tăng cường vai trò của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các cơ quan hành chính phải giảm nhẹ gánh nặng đối với việc tuân thủ, không phải bằng cách hạ các tiêu chuẩn mà bằng cách cung cấp các quy định rõ ràng, hướng dẫn đơn giản và thực thi thống nhất. Một môi trường minh bạch, ủng hộ và hợp tác sẽ tạo thuận lợi cho việc các DN Việt Nam tiếp cận những thị trường quốc tế tốt nhất.
Đại diện cộng đồng DN Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc dẫn lại số liệu từ Diễn đàn Kinh tế thế giới đưa ra năm 2017: Năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp 55/137 quốc gia nhưng năng lực hấp thụ công nghệ ở thứ hạng 93, chuyển giao công nghệ 89, độ sâu chuỗi giá trị 106…
"Điều này cho thấy, các chỉ số liên quan tới kết nối giữa FDI với DN nội địa mức thấp, Việt Nam cần cố gắng vươn tới chỉ số trung bình của thế giới là 50", ông Lộc mong muốn.
Để đạt được mục tiêu này, đại diện VCCI kiến nghị, Chính phủ cần thực hiện triệt để các mục tiêu cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, VCCI sẽ xây dựng chương trình lựa chọn các DN có tiềm năng, qua đó có các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị giúp kết nối với DN FDI.
Đặt vấn đề tại sao năng suất lao động Việt Nam thấp, DN FDI không liên kết với DN trong nước, một số ý kiến cho rằng đang có hai nền kinh tế trong một quốc gia… Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá, vấn đề mấu chốt xoay quanh công nghệ. Hai khối DN hiện nay chênh nhau về trình độ công nghệ nên không có nhu cầu liên kết với nhau. "Chúng ta cần phải có chính sách thúc đẩy, hỗ trợ giúp DN trong nước phát triển công nghệ", ông Dũng nói.
Lê Thúy
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng đặt ra câu hỏi: động lực mới của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới là gì? Tôi cho rằng có bốn động lực chính: tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, thực hiện tốt thu hút FDI, ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển mạnh mẽ khu vực tư nhân và kết nối FDI với DN trong nước. Ông Kyle. F Kelhofer- Giám đốc quốc gia cấp cao, Việt Nam, Lào, Campuchia của IFC Để DN Việt Nam có thể kết nối với DN FDI cần phải có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trong nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có sự thay đổi về thu hút đầu tư, đa dạng nhà đầu tư nước ngoài – đó phải là nhà đầu tư quan tâm, muốn quan hệ đối tác với DN nội địa. Ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam 2018 sẽ là năm hành động mạnh mẽ về tăng cường liên kết giữa DN trong nước và nước ngoài. Đó là nền tảng quan trọng dẫn dắt cho Việt Nam tối đa hóa nguồn lực của mình. Muốn làm được, Việt Nam phải hiểu và giải quyết những mong đợi từ DN nội địa, DN FDI. Ngân hàng Thế giới (WB) sẵn sàng hỗ trợ, thúc đẩy và củng cố mối liên kết giữa DN Việt Nam và FDI. |