Cách đây hơn một tháng, khi nói về việc tập đoàn Hàn Quốc SK Group rót 410 triệu USD vào để nắm giữ 16,26% cổ phần của nhà bán lẻ VinCommerce (VCM) thuộc tập đoàn Masan, ông Woncheol Park, Giám đốc đại diện của SK South East Asia Investment (công ty thành viên của SK Group) cho biết là vì tin tưởng tiềm năng to lớn của mảng bán lẻ tích hợp từ trực tuyến (Online) đến ngoại tuyến (Offline) tại Việt Nam (còn gọi là mô hình O2O).
Còn nhiều dư địa phát triển
Ngày 18/5, mảng bán lẻ tích hợp này thêm một lần nữa được đề cập tới với tính chất đầy triển vọng trên thị trường bán lẻ Việt, khi Masan cùng nhóm các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Alibaba (Alibaba) và Baring Private Equity Asia (BPEA), đã công bố thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX (nền tảng tiêu dùng bán lẻ do Masan nắm quyền kiểm soát) với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD, tương đương 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành.
Mảng bán lẻ tích hợp O2O còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới. |
Không những vậy, Masan cũng đang trong quá trình đàm phán giao dịch đầu tư chiến lược với những nhà đầu tư khác trị giá 300 - 400 triệu USD vào The CrownX (đang hướng đến tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp O2O) và có thể hoàn tất trong năm nay.
Đến đây, một câu hỏi đặt ra là điều gì khiến cho các nhà đầu tư ngoại rót vốn vào mảng bán lẻ tích hợp của Masan nói riêng và ở thị trường bán lẻ Việt nói chung?
Theo giới phân tích, trước hết đó là tiềm năng của thị trưởng bán lẻ Việt vẫn đang rất lớn và còn nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới, dựa trên sức tăng trưởng tốt của nền kinh tế, cơ cấu dân số đông và trẻ, thu nhập của người dân ngày càng cải thiện.
Chuyên gia phân tích thị trường Tuấn Hoàng cho rằng đây là ngành khá hấp dẫn nếu phục hồi sau đại dịch Covid-19. Mặt khác, thu nhập bình quân đầu người có tác động rất nhiều đến việc tiêu thụ hàng hoá tại Việt Nam đối với những mặt hàng thiết yếu lẫn không thiết yếu, đồ xa xỉ.
Mặc dù dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, nhưng theo dự báo thì thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt trên 5.200 USD, điều này sẽ kích thích tiêu dùng rất lớn.
Nhất là xu hướng gia tăng hộ gia đình có thu nhập khả dụng trên 5.000 USD sẽ làm tăng tầng lớp trung lưu (chi tiêu trên 15 USD mỗi ngày). Đây cũng sẽ là động lực tăng trưởng chi tiêu mặt hàng cao cấp trong tương lai.
Cũng theo chuyên gia Tuấn Hoàng, cơ cấu thành thị cũng đang tăng lên, cụ thể là các thị trường có mức độ đô thị hóa cao thường hấp dẫn cho các nhà bán lẻ, do dịch vụ hậu cần phát triển, người tiêu dùng tập trung vào một khu vực nhỏ hơn và mức chi tiêu cao hơn.
“Mỏ vàng” chờ khai phá
Và điều quan trọng không kém cho việc phát triển mảng bán lẻ tích hợp O2O là đang có những định hướng trên thị trường bán lẻ Việt để thay đổi thói quen của người tiêu dùng từ các chợ, cửa hàng truyền thống sang những mô hình bán lẻ hiện đại hơn.
Nhất là khi người tiêu dùng hiện đại ở Việt Nam thường xuyên cập nhật những xu hướng mới không chỉ là xu hướng hàng hóa mà các cách thức, trải nghiệm mới khi mua hàng. Đó cũng là “mỏ vàng” để mô hình bán lẻ tích hợp khai phá trong thời gian tới.
Mảng bán lẻ tích hợp O2O được giới đầu tư nước ngoài đánh giá là khá phù hợp để triển khai ở Việt Nam khi 2/3 dân số đang sử dụng dịch vụ Internet. Cùng với đó, 67% dân số đang sử dụng mạng xã hội. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) sẽ tiếp tục duy trì trên 30%. Đó là chưa kể đại dịch Covid-19 đang có dấu hiệu đẩy nhanh khả năng tăng tốc của TMĐT.
Còn theo công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, bây giờ điện thoại thông minh là công cụ cho tất cả mọi người, cách sử dụng thiết bị này trở nên linh hoạt hơn. Do các dịch vụ cải tiến mới trên thị trường, các hoạt động trên thiết bị di động trở nên linh hoạt hơn, do đó tạo cơ hội cho các thương hiệu hướng đến dữ liệu nhiều hơn.
Giới đầu tư cho rằng sự phát triển của TMĐT ở Việt Nam không hoàn toàn triệt tiêu được kênh truyền thống như một số lo ngại mà vẫn có thể nhờ nó để “đẩy” cho kênh truyền thống, nhờ các cách tiếp cận của mô hình O2O.
Về mặt truyền thông, TMĐT vốn cũng là kênh quảng bá, tạo điều kiện cho khách hàng có dịp so sánh, tham khảo các đánh giá nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí trước khi đến cửa hàng chọn mua một sản phẩm.
Đây cũng là cách nhiều người tiêu dùng đang làm, xem như một chiêu “mua sắm thông minh”, tức “điều tra” sản phẩm trên Internet trước khi quyết định đến “xem tận mắt, bắt tận tay”.
Theo giới phân tích, mặc dù các nhà đầu tư nước đang rót vốn vào mảng bán lẻ tích hợp ở Việt Nam, nhưng để thúc đẩy mảng này thì sẽ vẫn cần vai trò của các nhà bán lẻ trong nước.
Nhưng để cạnh tranh trên thị trường bán lẻ tích hợp đòi hỏi các nhà bán lẻ Việt cần vượt qua những thách thức nội tại. Đặc biệt là thách thức về công nghệ. Do nhu cầu “phủ sóng” trên tất cả các kênh nên việc quản lý của doanh nghiệp (DN) không thể được thực hiện thủ công. Mô hình bán lẻ tích hợp này sẽ buộc nhà bán lẻ Việt phải thay đổi cách thức tổ chức DN.
Ngoài ra, các nhà bán lẻ Việt nếu một khi nhắm đến mô hình O2O thì cần đầu tư vào cải tiến tương tác với khách hàng, đổi mới trong quy trình quản trị và có nhiều hình thức thanh toán linh hoạt, thuận tiện hơn
Thế Vinh