Chỉ trong bán kính khoảng 500m ở một phường của quận 6 (Tp.HCM) hiện có tới 3 siêu thị mini của Vinmart bên cạnh một siêu thị nội địa khác là Co.op mart.
Tạo sân chơi cho bán lẻ Việt
Ở các phường khác trong quận này và các quận nội thành khác của Tp.HCM, số siêu thị mini của Vinmart cũng mọc lên chi chít trên các vị trí đẹp ở nhiều tuyến đường có mật độ dân cư đông đúc.
Tuy nhiên, nếu quan sát sẽ thấy lượng khách hàng ở Vimart là rất thấp. Nhiều người còn so sánh lượng khách vào đây có thể chỉ bằng 1/10 hay 3/10 của Co.op mart, Bách Hoá Xanh... hay các siêu thị mini ngoại như Family mart, Ministop, Circle K. Nguyên do được lý giải là giá bán ở đây khá đắt, hàng hóa kém phong phú như mua ở các siêu thị khác hoặc mua ở ngoài chợ hay tạp hoá gần nhà.
Vì vậy, trước thông tin hệ thống Vinmart được bán lại cho một đối tác, nhiều người cho rằng điều này không bất ngờ khi so về mức độ hiệu quả với các hệ thống bán lẻ khác.
Tuy nhiên, có một điều bất ngờ là đối tác mới đầu tư vào chuỗi siêu thị mini này đến từ một tập đoàn nổi tiếng trong nước ở lĩnh vực thực phẩm gia vị là Masan.
Tại buổi thoả thuận được công bố vào ngày 3/12 giữa Vingroup và Masan cho thấy VinCommerce (có mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart và VinMart + tại 50 tỉnh, thành phố), VinEco và CTCP hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Nhiều người nhận định đây có thể là thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) trong ngành bán lẻ nội địa lớn nhất trong năm nay. Còn theo chia sẻ của ông Trương Công Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP hàng tiêu dùng Masan: “Chúng tôi muốn đảm bảo sân chơi bán lẻ công bằng cho các nhà sản xuất Việt”.
Dù tính hiệu quả của hệ thống Vinmart còn nhiều bàn cãi, tuy nhiên nhìn từ thương vụ M&A này, giới chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là giúp khối nội trong ngành bán lẻ hiện đại mạnh lên để cạnh tranh với khối bán lẻ ngoại.
Đặc biệt là sẽ bảo vệ các hàng Việt có mặt dày hơn tại hệ thống siêu thị. Duy có điều, nhiều người không khỏi lo lắng từ những chuyện cũ như việc nước tương và nước mắm truyền thống có giai đoạn “cơm không lành, canh không ngọt” với Masan.
Trong việc cạnh tranh giữa khối nội và khối ngoại ở phân khúc bán lẻ hiện đại, ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và châu Úc về Số hóa bán lẻ, cựu Giám đốc kinh doanh của Unilever Việt Nam, từng nhận định những nhà bán lẻ ngoại cũng có những mặt hạn chế, nhất là vấn đề am hiểu người tiêu dùng Việt Nam có thể không bằng khối nội.
Các hệ thống siêu thị nội địa cần mạnh lên để cạnh tranh với bán lẻ ngoại |
Tận dụng lợi thế
Theo ông Sơn, nên biết rằng lợi thế đầu tiên của các nhà bán lẻ nội địa là những người hiểu rõ nhất về thị trường bán lẻ Việt. Thêm nữa, ở kênh bán lẻ hiện đại, vị trí là cực kỳ quan trọng, lợi thế này không phải các DN Việt không có.
Ngay như một số chuyên gia nước ngoài từng nói rằng những nhà đầu tư lớn có thể đến Việt Nam rồi đi, nhưng các DN trong nước sẽ vẫn ở đó và tiếp tục phát triển. Thậm chí, những DN bán lẻ nội hoàn toàn có tiềm năng để phát triển thành các tập đoàn lớn.
Điều này có thể sẽ được chứng thực từ những tên tuổi lớn của khối nội trong ngành bán lẻ ở hiện tại như Saigon Co.op, Satra hay tương lai có thể là từ thương vụ M&A của Masan với VinCommerce.
Cần nhắc lại, hồi tháng 5/2019, việc chuỗi siêu thị Auchan của nhà bán lẻ Pháp rút lui khỏi Việt Nam vì thua lỗ cho thấy tính cạnh tranh khắc nghiệt ở thị trường bán lẻ Việt.
Thêm vào đó, Saigon Co.op đã mua lại hệ thống Auchan tại Việt Nam cũng khẳng định không phải là khối nội không có sức mạnh để thâu tóm những chuỗi bán lẻ ngoại yếu kém.
Nhìn sâu hơn nữa, những khó khăn mà các nhà bán lẻ ngoại đang gặp phải ở Việt Nam chính là cơ hội để các khối nội trong ngành bán lẻ củng cố lại thực lực của mình để cạnh tranh tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, những cơ hội lẫn thách thức với ngành bán lẻ nội địa vẫn còn ở phía trước từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bà Phạm Thanh Nga, thành viên Hội luật quốc tế Việt Nam (VSIL), cho biết theo thống kê gần đây có tới 58% số doanh nghiệp (DN) thừa nhận việc mở cửa cho các nhà đầu tư CPTPP vào thị trường bán lẻ sẽ khiến cho cạnh tranh của DN trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, kết quả điều tra DN bán lẻ trong một nghiên cứu cho thấy DN bán lẻ dường như vẫn còn khá thờ ơ với các cam kết quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai hoạt động kinh doanh của mình.
Theo phân tích nội dung các cam kết trong CPTPP đối với ngành bán lẻ, cạnh tranh đến từ các nhà đầu tư CPTPP trên thị trường bán lẻ Việt Nam có thể sẽ gay gắt hơn dưới ảnh hưởng của các cam kết mở cửa thị trường sâu hơn so với Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Đặc biệt là sau 5 năm khi CPTPP có hiệu lực (khi các quy tắc Kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) được dỡ bỏ hoàn toàn với đầu tư của các đối tác này), cạnh tranh sẽ tăng mạnh.
Thế Vinh