Về hiện tượng sạt lở cục bộ khu vực sườn núi phía sau chùa Bà (thuộc núi Bà Đen) hôm 14/11 khiến đất đá từ trên đỉnh núi đổ dồn xuống chân núi, qua trao đổi với VnBusiness, nhiều người dân địa phương ở ven núi nói rằng đây là điều hiếm có từ trước đến giờ.
Vì đâu nên nỗi?
Quanh chuyện này, anh Trần Thanh An (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) trú ngụ ở ngôi nhà nhỏ cách chân núi vài km, đã bày tỏ mối băn khoăn về tình trạng sạt lở núi này liệu có kéo dài hay không?
Theo anh An, điều đó đòi hỏi chính quyền địa phương cần sớm đánh giá những tác động dẫn đến nguy cơ tiếp tục sạt lở núi trong thời gian tới để có biện pháp khắc phục triệt nhằm tránh thiệt hại về người và tài sản.
Đường lên đỉnh sườn núi Bà Đen. |
Còn ở góc độ của một khách du lịch, anh Hà Hữu Tường cho biết khi đến tham quan núi Bà Đen cách đây không lâu, anh đã thấy việc cần thiết phải tăng cường công tác bảo vệ môi trường để duy trì cảnh quan gắn với khai thác du lịch hiệu quả.
Về phía chính quyền tỉnh Tây Ninh hiện đang yêu cầu các cơ quan liên ngành đánh giá những tác động địa chất có thể xảy đến tiếp theo trong tình hình thời tiết vẫn tiếp tục mưa kéo dài.
Hiện tượng sạt lở này được ghi nhận tập trung ở khu vực lưng chừng núi, tại một số nơi địa chất yếu, khu vực đá mồ côi và không thuộc phạm vi các công trình, dự án đang xây dựng quanh núi Bà Đen.
Theo đó, qua kiểm tra, khảo sát hiện trường, cơ quan chức năng xác định: Có một dòng đất bùn lẫn với đá chảy từ trên đỉnh núi xuống khu vực lưng chừng sườn núi phía Đông. Đây không phải hiện tượng sạt lở núi tự nhiên mà nguyên nhân là do thời gian qua, có một khối lượng đất đá lớn được tập kết để phục vụ thi công các công trình xây dựng hạng mục cảnh quan ngay trên đỉnh núi. Khi gặp mưa lớn nhiều ngày, lượng đất đá này đã bị đẩy trôi, tạo thành dòng bùn đất chảy thành vệt dài từ khu vực đang thi công xuống lưng chừng sườn núi phía Đông.
Về giải pháp xử lý, tính đến chiều ngày 15/11, tuy mưa lớn vẫn đang tiếp tục diễn ra trên địa bàn nhưng hiện nay đơn vị thi công cảnh quan trên đỉnh núi đang phối hợp cùng với Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen nhanh chóng khắc phục hiện trường, đảm bảo an toàn.
Cách đây 4 năm, khi Ban Quản lý khu du lịch quốc gia núi Bà Đen tổ chức hội thảo về tính khả thi của dự án làm tuyến đường xe ô tô lên đỉnh núi Bà Đen, đã có một số ý kiến lưu ý về vấn đề môi trường, sự cân bằng, ổn định của đất, đá trên núi.
Giải pháp bảo vệ an toàn
Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng việc làm tuyến đường này, xem như là tiền đề để thu hút đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả hoạt động kinh tế du lịch. Nhất là với mục tiêu đến năm 2030 đưa Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đón 6 triệu lượt khách/năm và tổng số tiền thu được từ khách du lịch đến năm 2030 đạt 4.500 tỷ đồng.
Từ tháng 5/2021, Ban quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đã thông báo về việc cho tạm ngưng các tuyến phượt chinh phục đỉnh núi Bà Đen bằng đường bộ nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Nhất là thời điểm này, nhà đầu tư đang triển khai xây dựng công trình tuyến đường bộ lên đỉnh thuộc phân khu 1 (khu vực đỉnh núi và ven chân núi phía Nam).
Cần nhắc thêm, hồi tháng 1/2020, UBND tỉnh Tây Ninh và một nhà đầu tư lớn đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống cáp treo mới hiện đại tại Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen, sau 1,5 năm thi công xây dựng với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 2.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư này cũng đã hoàn thành tuyến cáp Chùa Hang từ chân núi lên chùa Bà Đen có chiều dài 1.210m.
Dự án tuyến cáp treo Núi Bà Đen và các công trình phụ trợ do nhà đầu tư nói trên làm chủ đầu tư được xem là dự án lớn của tỉnh Tây Ninh.
Trở lại vụ việc sạt lở ở núi Bà Đen, giới chuyên gia nhấn mạnh các hoạt động phát triển du lịch cần gắn liền với đảm bảo tính bền vững của môi trường ở ngọn núi này.
Việc chính quyền địa phương, nhà đầu tư và người dân cùng có ý thức chung tay bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên, sẽ góp phần thay đổi diện mạo cuộc sống nơi đây những vẫn bảo tồn được hệ sinh thái bền vững cho ngọn núi cao nhất vùng Đông Nam Bộ này (cao 986m).
Thế Vinh