Về việc tiếp cận vốn của DN hậu Covid-19, ông Hoàng Minh Hoàn, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần ở Tp.HCM, cho rằng riêng với hoạt động cấp tín dụng đặc biệt, cấp tín dụng mới, phía ngân hàng phải đảm bảo kiểm soát rủi ro. Vì thế, ngân hàng cũng không thể nào hạ chuẩn tín dụng trong giai đoạn hiện nay.
Không xoay vòng được vốn
Chia sẻ tại một hội thảo trực tuyến cuối tuần qua ở Tp.HCM về vấn đề quản trị nguồn tài chính trong và sau đại dịch, ông Hoàn lưu ý về phía các DN cũng phải hiểu cho các ngân hàng là họ có áp lực và trách nhiệm bảo toàn dòng vốn.
Nguồn vốn hiện tại vẫn luôn là điều mà nhiều DN vừa và nhỏ quan tâm sau mùa dịch Covid-19. Báo cáo mới đây của Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC) cho thấy về mong muốn hỗ trợ tài chính trong và sau đại dịch, 89% DN được hỏi cho biết muốn tiếp cận các gói vay ưu đãi, 43% DN cho biết muốn nới lỏng hạn mức tín dụng.
Hoặc như báo cáo gần đây của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), hầu hết các DN thủy sản ở cả 3 nhóm hàng (tôm, cá tra, hải sản khai thác) đều gặp khó khăn trong vấn đề tài chính vì DN thu hồi tiền hàng từ khách hàng chậm và rất chậm.
Do doanh thu xuất khẩu sụt giảm mạnh bởi ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến nhiều DN thuỷ sản “không xoay vòng được vốn”, không có tiền trả các khoản vay ngân hàng.
Theo Vasep, lãi suất vay cao cũng là một áp lực với các DN. Mặc dù đến nay đã có một số ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay nhưng việc thực hiện chưa đồng đều tại các ngân hàng thương mại và tại các địa phương. Mức giảm lãi suất chỉ là đối với các khoản vay mới, các khoản vay cũ không được áp dụng.
Và hiện nay, một số ngân hàng vẫn bắt DN bổ sung tài sản đảm bảo, trong khi phía DN thuỷ sản lại khó đáp ứng được điều kiện trong giai đoạn này để có thể vay được.
Thực tế cho thấy, một số ngân hàng vẫn có tâm lý ngần ngại cho một số DN vay trong giai đoạn hậu đại dịch này vì lo ngại DN không có khả năng trả nợ. Điều đó khiến cho các DN vừa và nhỏ khó tránh khỏi việc hụt vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM, nhấn mạnh rằng với sự gắn bó lâu nay giữa các khách hàng DN với các ngân hàng thương mại thì không có lý do gì trong lúc này, trước hệ luỵ của dịch Covid-19, ngân hàng lại tạo khó khăn cho DN.
Khó tiếp cận vốn vay, DN nhỏ càng khó phục hồi sản xuất |
Lỗi tại doanh nghiệp?
“Về phía Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi sẽ hỗ trợ DN để vượt qua khó khăn này và sẽ yêu cầu, thường xuyên kiểm tra giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tp.HCM thực hiện nghiêm túc Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc hỗ trợ DN là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt trong năm 2020 này”, ông Minh nói.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, một số chủ DN cho biết trong suốt 3 tháng ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu của DN giảm mạnh, thậm chí là không có thu nhập. Thế nhưng, hồ sơ chứng minh thiệt hại do dịch Covid-19 khá phức tạp khiến cho các DN vừa và nhỏ như họ vốn đã quá khó khăn rồi thì làm gì có báo cáo tài chính mà chứng minh? Và bây giờ, nếu phía ngân hàng không cho vay tiếp thì DN cũng không biết sẽ làm ăn ra sao trong giai đoạn hậu đại dịch.
Về phía Hiệp hội DN Tp.HCM, quan điểm là dịch bệnh lần này đã khiến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đều bị thiệt hại nghiêm trọng trực tiếp hoặc gián tiếp, do vậy khi xây dựng tiêu chí cần mở rộng đối tượng DN được hỗ trợ cùng với thủ tục đơn giản nhất.
Nhận định về những sai lầm mà nhiều DN vừa và nhỏ mắc phải đến nỗi lâm vào cảnh hụt vốn như hiện nay ở giai đoạn hậu dịch Covid-19, bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường KPMG Việt Nam, cho rằng đó là do các DN không đánh giá đúng tầm quan trọng của việc lập kế hoạch quản trị tài chính.
“Nếu lập kế hoạch từ sớm và dự báo những tình huống có thể xảy ra và tiên liệu trước là sẽ thực hiện một số hành động để dự trù cho các tình huống xấu xảy ra thì sẽ giúp DN chủ động hơn trong việc quản trị tài chính của mình để tránh đi vào khủng hoảng quá sâu”, bà Hảo lưu ý.
Nói đi phải nói lại, trong việc khó tiếp cận nguồn vốn vay hậu Covid-19 cũng cần phải nhìn lại tính minh bạch thông tin, minh bạch trong hoạt động kinh doanh của nhiều DN vừa và nhỏ còn hạn chế.
Một cuộc khảo sát từng cho thấy chỉ có 40% DN vừa và nhỏ trả lời cho biết công bố báo cáo tài chính của họ và chỉ 6,5% công bố báo cáo thường niên. 30% trong số các DN được hỏi không công bố bất kỳ một báo cáo có tính chất công khai nào cho công chúng.
Mặt khác, việc duy trì hai hệ thống sổ sách kế toán phản ánh thực tế là một số chủ DN vừa và nhỏ chưa sẵn lòng tuân theo các thực tiễn kinh doanh lành mạnh. Chính vấn đề này cũng gây khó khăn cho DN trong khả năng tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh hậu Covid-19.
Thế Vinh