Là một trong những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (NLTT), ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, đánh giá tiềm năng phát triển điện gió là rất lớn.
Nhà đầu tư phải "chạy vòng"
Tuy vậy, ông Tiến đặt vấn đề: Tại sao 10 năm vừa qua, từ tỉnh Bạc Liêu cho đến Quảng Trị mới phát triển được 400 MW công suất điện gió. Riêng, doanh nghiệp Trung Nam đến giờ là 104 MW, cuối năm tăng lên 200 MW.
Năng lượng tái tạo khó sáng vì vướng cơ chế (Ảnh: TL) |
Giải thích điều này, đại diện Trung Nam cho biết cơ hội có nhưng phát triển điện gió gặp nhiều khó khăn.Theo ông Tiến, trong 2 năm vừa qua, khi xây dựng lắp đặt 33 trụ điện gió, Trung Nam phải thay đổi tới 4 dòng tuabin. Tuy nhiên, phải nói rằng việc xin phép Bộ Công Thương để thay đổi công nghệ của những trụ gió này rất khó khăn dù chúng tôi cam kết giữ nguyên quy mô, số lượng trụ.
"Chúng tôi phải đi mất một vòng quá lâu để chuyển đổi dòng tuabin sang công suất lớn hơn, cánh lớn hơn", ông Tiến chia sẻ.
Qua việc này, đại diện Trung Nam kiến nghị, Bộ Công Thương giúp cho nhà đầu tư có thể đổi mới công nghệ trong quá trình xây dựng dự án.Từ đó, nhà đầu tư sẽ mạnh dạn đầu tư công nghệ tiên tiến hơn.
Ngoài ra, đối với điện gió mặc dù đã đầu tư nhiều nhưng hiện còn rất khó khăn do thiết bị toàn bộ phải nhập ngoại. Tất cả những thiết bị lắp đặt và xây dựng cho điện gió đòi hỏi những thiết bị siêu trường, siêu trọng, những xe đặc chủng mới làm nổi, và ở thị trường Việt Nam rất hạn hẹp trong vấn đề này.
Đồng thời, ông Tiến đề xuất Chính phủ nên giữ giá điện gió ưu đãi thêm 5 năm nữa, tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh kiến nghị chính sách giá điện gió kéo dài hơn, ông Nguyễn Hải Vinh, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn BIM, đề xuất Chính phủ có những chính sách mới như mua điện trực tiếp, chính sách đấu giá cụ thể rõ ràng, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng đơn giản.
Về phía địa phương, những bất cập trong phát triển NLTT cũng được đặt ra. Đại diện Sở Công Thương, UBND tỉnh Cà Mau, cho biết đến nay, tỉnh này đã có trên 30 nhà đầu tư chính thức tiếp cận, nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án năng lượng tái tạo cũng như các dự án điện khí LNG, với tổng công suất khoảng 12.000 MW.
Mặc dù các nhà đầu tư quan tâm tiếp cận nghiên cứu, đề xuất nhiều dự án nhưng hiện nay các dự án triển khai tương đối chậm, chưa đảm bảo tiến độ đề ra, ảnh hưởng đến hiệu quả mời gọi đầu tư trên địa bàn Tp.Cà Mau.
Nguyên nhân theo đại diện Sở Công Thương Cà Mau là đường dây truyền tải khó đáp ứng được nếu dự án điện gió và điện khí vào đồng loạt. Vị trí đấu nối từ các dự án nhà máy điện đến các trạm biến áp còn khá xa nên việc mỗi nhà đầu tư phải đầu tư đường dây truyền tải riêng biệt khá xa làm tăng suất đầu tư dẫn tới kém hiệu quả.
Đồng thời, việc bổ sung các dự án vào quy hoạch phát triển điện lực hiện nay còn khá chậm do lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan rất nhiều làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án của nhà đầu tư.
Gỡ nút thắt từ đâu?
Từ khó khăn trên, đại diện Sở Công Thương Cà Mau kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đối với các dự án thuận lợi về đất đai, có khả năng đấu nối để giải phóng công suất theo nguyên tắc dự án có văn bản đề nghị của UBND tỉnh gửi Bộ Công Thương trước thì được giải quyết trước.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT (Bộ Công Thương), thừa nhận mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ, song việc phát triển NLTT quy mô lớn còn hạn chế. Cụ thể, lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn NLTT; chưa có đủ nguồn dự phòng, hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp NLTT ở quy mô lớn; chính sách phát triển NLTT không được áp dụng trong thời gian dài...
Trong khi đó, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết, đang có cuộc đua phát triển NLTT. Một số quốc gia đi đầu về phát triển NLTT như Thụy Điển, Đan Mạch, Scotland, Đức. Hay, Trung Quốc cũng đặt mục tiêu năm 2030 đạt 30% cơ cấu NLTT. Đối với Việt Nam đang phấn đấu cơ cấu NLTT đến năm 2030 đạt 20%.
Đây là xu hướng khách quan, có sức ép cho các nước đi sau đặc biệt là các nước đang phát triển đang đối mặt với thực hiện tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, NLTT hiện nay còn phát triển nóng và tập trung ở một số địa phương nên đã ảnh hưởng lớn đến việc giải tỏa công suất cũng như việc điều độ, vận hành hệ thống điện. Đặc biệt, hiện nay, chúng ta đang thiếu hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái. Đây là vấn đề cần được quan tâm vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành hệ thống điện trung, hạ áp trong thời gian sắp tới.
Trước những bất cập trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, nhìn nhận rõ ràng cơ chế chính sách phát triển NLTT chưa mang tính dài hạn, ổn định. Cơ chế ban hành có "đời sống" 3-4 năm sẽ rất ngắn hạn. Mục đích thúc ép nhà đầu tư phát triển nhanh nhưng mặt khác lại làm khó DN, nhà đầu tư. Nhiều DN bị ép giá mua thiết bị, dẫn đến chi phí cao hơn.
Đồng thời, sự phát triển nhanh chóng của NLTT chưa có sự đồng bộ với việc phát triển truyền tải điện. Dẫn tới một số nhà máy điện mặt trời phải giảm công suất. Hiện, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, EVN đang tích cực triển khai xây dựng đường truyền tải điện.
Thời gian tới, ông Vượng cho biết Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất Chính phủ xây dựng các chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính, vốn... để thu hút các DN đầu tư phát triển NLTT.
"Bộ Công Thương sẽ lựa chọn nhà đầu tư, các dự án NLTT thông qua cơ chế đấu thầu. Nhà đầu tư phải làm sao để mình có năng lực tốt nhất, triển khai dự án hiệu quả. "Cuộc chơi" trong thời gian tới tập trung vào nhà đầu tư có đủ năng lực", ôngVượng nói.
Lê Thúy