Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã đưa ra nhận định trên khi được hỏi về tỷ lệ năng lượng tái tạo phù hợp trong cơ cấu nguồn điện.
Năng lượng tái tạo nên chiếm 10 - 15% công suất của hệ thống điện (Ảnh: Internet) |
Theo ông Quân, con số này vừa đảm bảo vận hành ổn định, an toàn hệ thống, vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. “Do đặc điểm khác nhau, tỷ lệ năng lượng tái tạo ở một số nước có thể lên đến 30%, thậm chí phấn đấu đến 60 - 70%. Với Việt Nam, chúng tôi đã trao đổi với nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, họ đều nhận định nguồn năng lượng này nên chiếm khoảng 10 - 15% công suất của hệ thống điện. Dự kiến đến năm 2025, tổng công suất hệ thống điện khoảng gần 100.000 MW thì năng lượng tái tạo khoảng 15.000 MW là vừa".
Thời gian qua, năng lượng tái tạo của Việt Nam phát triển mạnh. Với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành (5.000 MW), Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, quá trình phát triển này cũng đang đặt ra những thách thức mới về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, sử dụng đất, cơ chế giá điện, nguồn nhân lực/việc làm và nguồn tài chính…
Vì vậy, ông Quân cho biết: "Chính phủ đã yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đánh giá và xem xét kỹ lưỡng về điện mặt trời. Trong tuần này hoặc tuần tới, Chính phủ sẽ họp và đưa ra quyết định về giá điện mặt trời FIT 2".
Về nguyên tắc, giá FIT 1 chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định để khuyến khích một nguồn năng lượng nào đó phát triển. Giá FIT 1 của điện mặt trời được áp dụng là 9,35 cent/kWh và kéo dài đến 31/6/2019. Đối với giá FIT 2 nếu được Chính phủ chấp thuận có khả năng sẽ được áp dụng đến ngày 31/12/2021.
Thy Lê