Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có công văn gửi tới Bộ Tài chính phản ánh một số bất cập trong quy định phạt chậm nộp thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) khi nhập khẩu lại các lô hàng xuất khẩu bị trả lại tính từ khi xuất khẩu lô hàng. Việc này làm gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp (DN).
VASEP kiến nghị Bộ Tài chính xem xét lại việc phạt chậm nộp thuế VAT của lô hàng xuất khẩu bị trả về (Ảnh minh họa: Int) |
Trước đó, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có công văn hướng dẫn Cục Thuế TP.HCM về hoàn thuế VAT và tiền phạt chậm nộp với lô hàng xuất khẩu bị trả lại của Công ty TNHH điện tử Samsung HCMC.
Tổng cục Thuế cho rằng, Công ty Samsung HCMC xuất khẩu hàng hóa đã kê khai và được cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế VAT đầu vào theo quy định. Sau đó, khách nước ngoài trả lại hàng đã xuất, DN phải thực hiện khai bổ sung hồ sơ khai thuế, nộp lại số tiền thuế VAT đã được hoàn và thêm tiền chậm nộp theo quy định.
Theo VASEP, vướng mắc của Samsung HCMC cũng đang là khó khăn mà một số DN thủy sản đang gặp phải.
Do đó, VASEP vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị gỡ vướng việc phạt chậm nộp thuế với lô hàng xuất khẩu bị trả lại.
Theo VASEP, việc DN phải nộp lại số tiền thuế VAT đã nhận khi xuất khẩu lô hàng, nay lô hàng bị trả lại là đúng, nhưng việc bị phạt tiền chậm nộp tính từ lúc xuất khẩu lô hàng là bất công đối với DN.
“Khi lô hàng đã xuất đi, DN không thể biết trước lô hàng đó bị trả lại hay không, bị trả lại vào thời điểm nào. DN đã thiệt hại do bị trả hàng, còn phải chịu chi phí phạt chậm nộp thuế là không hợp lý. Thực tế có nhiều lô hàng xuất khẩu, vài tháng sau, thậm chí cả năm sau mới bị trả lại, do vậy khoản tiền phạt nộp chậm thuế của DN rất lớn, tạo gánh nặng chi phí, đặc biệt trong bối cảnh DN gặp khó khăn do COVID-19”, VASEP nêu quan điểm.
VASEP đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại cách thực hiện trên của ngành thuế, cũng như cần không hồi tố thời gian chậm nộp thuế VAT khi tái nhập hàng xuất khẩu bị trả lại đã được hoàn thuế.
Nhật Linh