Năm nay, ngành du lịch khó đạt được mục tiêu tăng trưởng do dịch virus corona |
Theo thống kê, khách Trung Quốc đến Việt Nam chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế, nên khi mất thị trường này, ngành du lịch sụt giảm nghiêm trọng lượng khách quốc tế. Ngoài ra, các nước khác cũng rất e ngại khi đi du lịch tại thị trường Việt Nam.
Du khách Trung Quốc sang Việt Nam về số “mo”
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Trung Quốc là thị trường khách du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới, tăng vọt từ 4,5 triệu người vào năm 2000 lên tới 150 triệu người vào năm 2018. Trong những năm 2020, con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi khi tỷ lệ người sở hữu hộ chiếu tại Trung Quốc tăng từ mức 10% dân số hiện tại lên 20%.
Đáng lưu ý, du khách Trung Quốc cũng là nhóm chi tiêu du lịch nhiều nhất thế giới, chiếm tới 16%, tương đương 277 tỷ USD, trong tổng số chi tiêu du lịch quốc tế toàn cầu.
Ở Việt Nam, khách Trung Quốc cũng vẫn đang xếp vị trí số 1 với 5,8 triệu lượt năm 2019, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn Trip.com, một trong những hãng du lịch trực tuyến hàng đầu Trung Quốc dự báo: “Năm 2020, Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến du lịch ngắn ngày ưa thích của người Trung Quốc”.
Tuy nhiên, hiện tại, các chuyên gia đưa ra nhận định, năm nay lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam sẽ không bằng năm ngoái, thậm chí giảm mạnh bởi dịch virus corona.
Theo Tổng cục Thống kê, với 644.700 lượt khách trong tháng 1/2020, tăng đến 72,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thị trường Trung Quốc chiếm hơn 32,3% trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng đầu năm 2020.
Theo các doanh nghiệp, ảnh hưởng của dịch cúm virus corona chỉ diễn ra trong tuần cuối của tháng 1 nên chưa tác động nhiều đến số con số thống kê chung. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 2 đến nay, không còn khách Trung Quốc đến Việt Nam. Nguyên nhân là bởi kể từ ngày 1/2, Cục Hàng không Việt Nam thông báo hủy toàn bộ các giấy phép bay đã cấp và dừng cấp phép chuyến bay mới cho các hãng hàng không khai thác giữa Việt Nam - Trung Quốc và hãng hàng không nước ngoài khai thác giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm khống chế dịch virus corona.
Ước tính, ngành du lịch Việt Nam sẽ thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vì dịch bệnh. Đại diện công ty du lịch Viettrantour cho biết, khi dịch virus corona bùng nổ, chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán, doanh nghiệp phải hoàn huỷ cho 300 khách hàng du lịch sang Trung Quốc. Dự kiến thời gian tới, khoảng 800 khách đến tất cả vùng miền Trung Quốc đã đặt tour cũng phải tạm dừng phục vụ.
“Để giải quyết đợt khủng hoảng này, chúng tôi đã quyết định hủy và hoàn lại 100% chi phí tour cho khách hàng, đồng thời miễn phí tất cả chi phí hoãn huỷ. Bởi thực tế chúng tôi đã thanh toán tất cả các số tiền vé máy bay và dịch vụ mặt đất tại nước ngoài”, đại diện Viettrantour cho hay.
Đại diện Công ty du lịch AZA đã huỷ hàng chục tour đi Trung Quốc và chấp nhận hoàn trả 100% tiền tour cho du khách đã đăng ký, mặc dù công ty chưa nhận được tiền bồi hoàn từ các công ty hàng không và các công ty dịch vụ du lịch từ Trung Quốc.
Kể cả các khách quốc tế khác đến Việt Nam cũng có tâm lý e ngại và đang nghe ngóng diễn tiến dịch bệnh ở Việt Nam như thế nào, nên điều này cũng ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các công ty du lịch.
Tìm cách “kéo” khách đến Việt Nam
Theo đánh giá của các chuyên gia, du lịch là ngành nhạy cảm trước dịch bệnh, nhưng không phải bị ảnh hưởng đầu tiên, mà là chứng khoán đã bị bốc hơi hàng nghìn tỷ USD. Trong khi đó, hiện nay hầu hết trường hợp hợp dương tính virus corona không phải từ khách du lịch, hoặc lây nhiễm từ khách du lịch. Do đó, trước đại dịch chưa có dấu hiệu giảm, ngành du lịch cần bình tĩnh, theo dõi và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để khống chế dịch.
Đặc biệt, một số doanh nghiệp đánh giá cao quyết tâm chống dịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng cho rằng cần thận trọng việc “đóng cửa” du lịch, cần cân nhắc, phân tích kỹ hơn tình hình để điều hành linh động. Nếu chưa phải đại dịch bùng phát, Việt Nam nên chủ động kiểm soát dịch bệnh hơn là đóng cửa toàn bộ. Bởi ngay cả Thái Lan - quốc gia có số người nhiễm cao hơn nhưng đến nay các hoạt động đón khách vẫn được diễn ra bình thường bên cạnh phòng chống dịch.
Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, các doanh nghiệp cho rằng sẽ mở những tour du lịch khác để định hướng cho khách hàng chuyển sang những tour du lịch đến vùng an toàn.
Đại diện Viettrantour chia sẻ: “Các doanh nghiệp du lịch và hiệp hội sẽ cùng nhau đàm phán, thương lượng với các đối tác, hãng hàng không trong nước và nước ngoài để đảm bảo tối đa lợi ích của khách hàng. Chúng tôi sẽ có những tour du lịch khác để định hướng cho khách hàng chuyển sang những tour du lịch đến vùng an toàn. Đồng thời, thời gian tới, chúng tôi sẽ nghe ngóng và theo dõi diễn biến của dịch bệnh để ngay kịp thời có biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách”.
Công ty du lịch AZA gợi ý, du khách có thể chuyển sang du lịch Myanmar lễ chùa đầu năm, đi biển Bali (Indonesia), là những nước chưa có dịch corona.
Các chuyên gia và công ty du lịch đánh giá, năm nay ngành du lịch sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thậm chí giảm mạnh. Tuy nhiên, mức giảm bao nhiêu phụ thuộc vào sự khống chế dịch của tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, mùa của du lịch là quý II và III, là thời điểm để củng cố kiện toàn bộ máy, chương trình xúc tiến chuẩn để “kéo” khách trong thời gian tới. Đặc biệt, khi dịch được khống chế không nên kỳ thị khách Trung Quốc.
Cơ hội cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng giám đốc HanoiRedtours cho biết, dịch virus corona đang ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch. Tuy nhiên, với du lịch nghỉ dưỡng bớt ảnh hưởng hơn, bởi đặc trưng ở nơi ít có người dân qua lại, có môi trường trong lành nên dễ kiểm soát dịch bệnh. Trong tâm điểm của dịch, du lịch nghỉ dưỡng sẽ là lựa chọn tốt cho du khách, thay vì đến những địa điểm du lịch mua sắm, đông người. Theo ông Hoan, hiện nay, nhiều công ty du lịch mới mở gây ra sự cạnh tranh lớn, có những công ty tìm mọi cách để khai thác như chính sách giá rẻ, mua đi bán lại những tour không đảm bảo tiêu chuẩn. Nên khi dịch bệnh xảy ra, du khách sẽ không dễ dãi chọn các dịch vụ giá rẻ mà họ sẽ chọn dịch vụ uy tín, kinh nghiệm, thương hiệu trong thời điểm này. Đây cũng là giai đoạn doanh thu của các công ty du lịch bị sụt giảm mạnh và chưa biết sẽ kéo dài trong 2 tháng, 1 quý hay 2 quý. Vì vậy, những công ty không đủ tiềm lực tài chính, nguồn vật chất để duy trì trong thời điểm này sẽ bị đào thải khỏi thị trường. Đây là cơ hội cho các công ty du lịch có tiềm lực tài chính, có năng lực, sức sáng tạo cao, tạo ra sản phẩm du lịch mới lạ hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu du khách và đảm bảo an toàn khách hàng có thể "đón lõng" được thị trường khách hàng. |
Hoàng Hà