Trong khi CTCP Vinamit có những nỗ lực đáng ghi nhận từ việc vượt khó về sản xuất kinh doanh giữa mùa dịch Covid-19, thì hoạt động thanh kiểm tra ở Bình Dương đối với nông trại của công ty vẫn thực sự là nỗi ám ảnh.
Nông trại “đứng ngồi không yên”
Đó là nông trại Vinamit Organic Farm diện tích hơn 152 ha nằm ở huyện Phú Giáo, đã đạt chứng nhận Organic USDA, Organic EU, Oganic China.
Khâu chính sách nên tránh tái diễn thanh kiểm tra chồng chéo “làm khổ” DN |
Xuất phát từ ý kiến của một cử tri ở huyện Phú Giáo muốn “xóa sổ” nông trại này để làm khu dân cư, đầu tư bất động sản, đã dẫn tới việc chính quyền tỉnh Bình Dương liên tiếp có các hoạt động thanh, kiểm tra nhắm vào nông trại.
Qua kiểm tra từ tháng 11 năm ngoái, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương thấy rằng Vinamit sử dụng đất đúng mục đích, quy hoạch.
Nhưng Sở này có đưa ra thêm một nhận định khiến cho DN phải “đau đầu”, đó là: hiệu quả việc sử dụng đất mang lại đóng góp vào ngân sách để phát triển kinh tế tại địa phương thời gian qua là không có.
Rồi từ tháng 12/2019 - 4/2020, lãnh đạo tỉnh Bình Dương tiếp tục các chỉ đạo hoạt động thanh kiểm tra nhắm vào nông trại khiến cho người lao động ở đây “đứng ngồi không yên”. Cụ thể như kiểm tra toàn diện đối với dự án sản xuất nông nghiệp của Vinamit, tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật…
Thanh tra tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu Vinamit báo cáo nhiều vấn đề như tình hình đầu tư, hiệu quả và đặc biệt là hồ sơ nguồn gốc pháp lý khu đất này.
Dù đã giải thích khá đầy đủ tính chất hợp pháp của nông trại và cả việc mỗi năm đóng góp hàng chục tỷ đồng vào ngân sách địa phương, thế nhưng Vinamit hoàn toàn hoang mang trước một loạt động thái thanh kiểm tra như vậy.
Liên tiếp trong tháng 5 và tháng 6/2020, DN này đã phải cầu cứu tới Hội Doanh nghiệp (DN) hàng Việt Nam chất lượng cao, tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mong muốn truyền tải vụ việc lên Thủ tướng Chính phủ.
Và trong một diễn biến mới nhất thì sẽ có một đoàn kiểm tra của Thanh tra Bộ Nội vụ xác minh làm rõ nội dung phản ánh việc các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai tại nông trại Phú Giáo của Vinamit, gây khó khăn cho DN.
Nhiều ý kiến cho rằng từ vụ việc thanh kiểm tra này "làm khổ" cho DN có thể sẽ ảnh hưởng đến chỉ số môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Bình Dương vốn có chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ, nhất là chỉ số tiếp cận đất đai, hỗ trợ DN, chi phí thời gian, gia nhập thị trường…
Cũng liên quan đến vấn đề thanh kiểm tra DN, cuối tuần qua, Quốc hội đã thảo luận dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với những tranh luận là thẩm quyền của cảnh sát môi trường liệu có gây khó cho DN hay không?
Mong không chồng chéo
Cụ thể, điểm b khoản 3 Điều 174 dự thảo luật quy định: “Lực lượng cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu hoạt động phạm tội, có tố giác, tin báo tội phạm về môi trường; kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường hoặc chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt”.
Quy định này được cho là tránh gây phiền hà cho DN, hạn chế việc thanh, kiểm tra chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Trong khi đó, một số ý kiến lại cho rằng với quy định như vậy thì cảnh sát môi trường sẽ rất bị động.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Trị), quy định của luật rất cần phân định lại để tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của DN khi có những bất cập, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ trong kiểm tra về môi trường giữa lực lượng thanh tra môi trường và cảnh sát môi trường.
Còn mới đây, khi góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán, phía VCCI cho rằng dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán theo quy định tại Điều 71.2.đ của Luật Kế toán. Tuy nhiên, cũng theo Điều 71.2.h và Điều 69.6.c của Luật Kế toán thì ngoài kiểm tra còn có thanh tra xử lý vi phạm pháp luật về kế toán, hoạt động hành nghề kế toán.
Như vậy, theo VCCI, có thể dẫn đến cách hiểu là hoạt động kiểm tra tách biệt với hoạt động thanh tra. Ngoài việc bị kiểm tra theo quy định tại dự thảo thông tư này, các DN và kế toán viên còn bị thanh tra hoạt động dịch vụ kế toán.
“Nếu hiểu như vậy thì sẽ dẫn đến trùng lặp không cần thiết. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán và kế toán viên chỉ bị kiểm tra mà không bị thanh tra về hoạt động dịch vụ kế toán”, VCCI đề nghị.
Mặt khác, bản dự thảo nêu trên cũng chưa quy định rõ về việc kiểm tra đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán có ảnh hưởng đến khách hàng sử dụng dịch vụ kế toán của đơn vị đó hay không.
Ví dụ, khi kiểm tra hợp đồng dịch vụ kế toán, hồ sơ kế toán thì đoàn kiểm tra có yêu cầu phía khách hàng phải phối hợp, cung cấp tài liệu không? Theo VCCI, việc kiểm tra này cần hết sức tránh làm ảnh hưởng đến phía khách hàng sử dụng dịch vụ, vì điều đó có thể khiến đơn vị cung cấp dịch vụ mất khách hàng.
Thế Vinh