Nếu soi kỹ con số xấp xỉ 42 tỷ USD nhập siêu từ Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2021 sẽ thấy có vai trò lớn của việc nhập khẩu (NK) nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với kim ngạch lên đến 18,8 tỷ USD (tăng 63,7% so với cùng kỳ năm 2020).
Phụ thuộc sâu, chất lượng bỏ ngỏ
Dẫu biết việc NK máy móc từ Trung Quốc là nhằm phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp (DN), tuy nhiên việc quá phụ thuộc vào nguồn máy móc của nước này vẫn gây nên nỗi lo lớn.
Việc nhập khẩu máy móc giá rẻ từ Trung Quốc vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhiều DN (Ảnh minh họa). |
Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc CTCP xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn (Tp.HCM) chia sẻ, với ngành nhựa, các DN sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi sử dụng 60-70% thiết bị từ Trung Quốc.
Theo vị tổng giám đốc này, có thực tế là ở nhiều ngành, dù sản phẩm sản xuất ở Việt Nam nhưng phần lớn thiết bị đều NK từ Trung Quốc về lắp ráp.
Xét về ưu điểm, hiện nay, máy móc, thiết bị công nghiệp nhập từ Trung Quốc vẫn có giá rẻ hơn so với mua ở Việt Nam hay NK từ các nước khác. Đây cũng là lợi thế lớn khi các DN trong nước cần đầu tư máy móc sản xuất sau đại dịch Covid-19 với nguồn tài chính khiêm tốn trong khả năng cho phép.
Tuy nhiên, lâu nay, nhiều loại máy móc, thiết bị của Trung Quốc có chung nhược điểm là có tuổi thọ thấp, tiêu hao nhiều năng lượng, không phải là công nghệ nguồn. Đặc biệt là có những loại máy móc giá rẻ với công nghệ thấp, bị thải loại, ít tính đến yếu tố môi trường, không cho ra những sản phẩm chất lượng cao.
Việc NK máy móc Trung Quốc có thể nhìn rõ ở ngành dệt may ở Việt Nam. Đơn cử như máy móc thiết bị dệt sợi bao gồm máy chuẩn bị dệt sợi, máy chải thô, máy chải kỹ, máy ghép cúi, máy kéo sợi... đa phần NK chủ yếu từ Trung Quốc, rồi mới đến Nhật Bản, Thụy Sĩ, Ấn Độ, Đức, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Hoặc trong lĩnh vực dệt nhuộm, máy móc thiết bị thời gian qua được các DN nâng cấp, đa số tại các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, thông qua việc NK máy móc chủ yếu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, máy móc NK trong lĩnh vực dệt nhuộm từ Trung Quốc phần lớn là công nghệ truyền thống, với chi phí NK rẻ hơn với các quốc gia khác nhưng ảnh hưởng tới môi trường cao hơn.
Hay như máy may, nhiều năm nay chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, trong đó máy may NK từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất (58%).
Điều đáng nói, một dàn máy may của Trung Quốc có mức giá chỉ bằng một nửa so với dàn máy của Nhật Bản. Thế nhưng, dàn máy Trung Quốc tuy rẻ nhưng có độ bền kém, chỉ sử dụng vài năm là hỏng. Trong khi với dàn máy may từ Nhật dù giá đắt gấp đôi nhưng có tuổi thọ lâu, chất lượng tốt hơn nhiều lần.
Thua thiệt trên "sân nhà"
Giới chuyên gia cho rằng, khi DN nhập máy móc Trung Quốc mà không có sự đánh giá mức độ uy tín của đơn vị sản xuất sẽ tạo ra những rủi ro rất lớn trong đầu tư.
Hơn nữa, máy móc, thiết bị sản xuất là mặt hàng mang tính chất đặc thù, không thể chỉ dừng lại ở việc “mua đứt bán đoạn” là xong.
Trong thực tế, sau quá trình mua máy móc từ Trung Quốc, nhiều rắc rối mới thực sự nảy sinh, dẫn đến rất nhiều trường hợp DN nhập máy về để nằm không, chưa thể đi vào sản xuất.
Ngoài ra, ngay cả quá trình lắp đặt máy móc từ Trung Quốc nhưng DN không được hỗ trợ, dẫn đến phát sinh các vấn đề cần sửa chữa, thay thế linh phụ kiện và bảo hành, bảo dưỡng. DN buộc phải tự thân vận động vì không nhận được sự hỗ trợ từ nhà sản xuất kịp thời. Sự ngưng trệ sản xuất vì máy hỏng, khó khăn trong việc tìm kiếm linh phụ kiện thay thế dẫn đến “tiền mất tật mang”…
Trong việc NK máy móc, thiết bị với giá trị kim ngạch tăng mạnh như hiện tại và còn góp phần nhập siêu, vấn đề đặt ra là Nhà nước cần có thêm những chính sách hỗ trợ như thế nào để các DN Việt tham gia chiến lược nội địa hóa máy móc nhằm tránh việc phụ thuộc vào máy móc Trung Quốc?
Thực tế, việc nâng cao tỷ lệ nội địa hoá về máy móc, thiết bị trong các ngành công nghiệp hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI), trung bình 10 năm qua, Việt Nam thường NK từ nước ngoài trên dưới 40 tỷ USD/năm các trang thiết bị, máy móc, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế.
Trong khi đó, cơ khí nội địa không những thiếu đơn hàng mà còn bị thua thiệt ngay trên "sân nhà". Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách, và cả sự quản trị yếu kém của các DN cơ khí nội địa.
Ông Long nhấn mạnh, cần phải có cơ chế chính sách tạo thị trường cho các DN cơ khí nội địa; nhất là không thể tiếp tục tham rẻ để tiếp nhận những công nghệ, trang thiết bị thải loại từ nước ngoài tràn sang Việt Nam như những năm gần đây.
“Nếu dùng những công nghệ, trang thiết bị, máy móc, những dây chuyền sản xuất đã lạc hậu, các nước phát triển đã bỏ đi mà trong nước tiếp tục ham rẻ hoặc vì một lý do nào đó (do thiếu thông tin, do điều kiện tài chính...), thì rất cần cẩn thận”, ông Long nói.
Thế Vinh