Vào ngày 8/1, nhân công bố Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý 4/2023, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) có cho biết thông qua một cuộc khảo sát mới nhất đã nhận được những thông tin giá trị về những thách thức pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp (DN) của họ tại Việt Nam phải đối mặt.
Rào cản hàng đầu
Cụ thể, theo EuroCham, có 52% số người được hỏi xác định “gánh nặng hành chính và sự kém hiệu quả của bộ máy” là một trong ba rào cản hàng đầu, nêu bật ảnh hưởng của sự quan liêu đối với hoạt động kinh doanh.
Để tăng thu hút đầu tư nước ngoài thì Việt Nam cần giải quyết rốt ráo một những thách thức trước mắt đang nằm ở khâu thủ tục hành chính. |
Bên cạnh đó, có 34% DN nhấn mạnh “các quy tắc và quy định không rõ ràng và được giải thích khác nhau” cũng là một thách thức lớn, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc rõ ràng và nhất quán trong khuôn khổ pháp lý. Ngoài ra, việc đảm bảo giấy phép và các phê duyệt cần thiết là mối quan tâm của 22% số người được hỏi, chỉ ra những rào cản về thủ tục trong hoạt động kinh doanh.
Cuộc khảo sát mới nhất của EuroCham cũng nêu lên những lĩnh vực chính cần cải thiện để tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, có 54% số người được hỏi kêu gọi “tinh giản bộ máy hành chính”. Điều này cho thấy rằng việc giảm bớt các quy trình quan liêu có thể cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh.
Ngoài ra, có 45% người tham gia khảo sát đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “tăng cường hệ thống pháp luật và môi trường pháp lý” là điều cần thiết để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Từ cuộc khảo sát nêu trên có thể thấy vẫn còn đó những thách thức ở khâu thủ tục hành chính rất cần được tiếp tục cải thiện trong năm 2024 để không là “điểm nghẽn” cho việc thu hút dòng vốn ngoại. Nhất là khâu xử lý các thủ tục hành chính ở một số địa phương đang đòi hỏi cần phải nhanh chóng hơn và các quy trình nên có chiều hướng đơn giản hơn để không phải phiền lòng giới đầu tư.
Như lưu ý của Ts. Burkhard Schrage (Đại học RMIT), ở mức độ cơ bản, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Có như vậy Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này bao gồm giảm thủ tục hành chính, đảm bảo pháp quyền và bảo vệ quyền sở hữu.
Theo nhóm nghiên cứu của Ts. Hà Thị Cẩm Vân và Ts. Daniel Borer, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm tham nhũng là một trong những thay đổi cần thiết cho Việt Nam nhằm giải quyết thách thức cho việc thu hút vốn FDI. Điều này sẽ giúp thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn, và có thể thực hiện được thông qua việc triển khai tăng cường số hóa và nâng cao tính minh bạch.
Trên thực tế, những quốc gia như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chứng minh rằng các công ty nước ngoài không nản lòng bởi chi phí thiết lập FDI cao, mà bởi chi phí không chắc chắn là bao nhiêu do bộ máy quan liêu khó lường.
Cần giải quyết rốt ráo thách thức trước mắt
Vì thế, theo chuyên gia của RMIT, Việt Nam cần đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các chính sách và thực tiễn đầu tư. Chính phủ có thể hiện thực hóa điều này bằng cách thiết lập các quy tắc và quy định rõ ràng và nhất quán, và thực thi chúng một cách công bằng và đồng nhất.
Một trong những than phiền của DN FDI ở khâu thủ tục hành chính tại Việt Nam có thể kể đến một số thủ tục hành chính như thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.
Nhiều nhà đầu tư ngoại cho rằng, các quy định mới về phòng cháy chữa cháy (PCCC) theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP có độ “vênh” trong cách hiểu và thực thi. Điều này khiến vướng mắc về PCCC chưa thể giải quyết ngay và nhà đầu tư gặp khó khăn trong kinh phí để khắc phục theo yêu cầu an toàn PCCC.
Trước bất cập thủ tục PCCC đang làm khó các DN, để cải thiện chuyện này, tại Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 5/1/2024 trong Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12/2023, Chính phủ đã thống nhất đề nghị xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Theo đó, Chính phủ cơ bản thống nhất 5 chính sách của đề nghị xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ, ý kiến của các Thành viên Chính phủ tiếp tục rà soát, nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa trong chuyện này. Nhất là phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương quản lý, thực hiện và chịu trách nhiệm về công tác PCCC trên địa bàn. Đồng thời, có quy định về xử lý thủ tục hành chính trên môi trường mạng, chuyển đổi số.
Ngoài vấn đề về thủ tục PCCC, nhiều DN FDI còn gặp vướng mắc về các thủ tục về cấp giấy phép cho người lao động, đất đai, tài nguyên, năng lượng tái tạo, môi trường…
Như chia sẻ của ông Kim Young Jun, Giám đốc một DN 100% vốn Hàn Quốc, thời gian qua việc duyệt giấy phép cho lao động nước ngoài dài hơn so với giấy hẹn, làm chậm trễ các công việc tiếp theo của DN.
Theo ông Kim Young Jun, khâu thủ tục còn rối rắm, hồ sơ phải sửa nhiều lần mới xong, chưa kể làm xong còn phải chờ đợi thời gian rất lâu mới có giấy phép.
Chính vì thế mà có trường hợp một DN FDI có 7 lao động, chuyên gia người nước ngoài xin giấy phép, có hồ sơ đã làm trong 2 - 3 tháng vẫn chưa xong. Việc chậm trễ này khiến DN gặp nhiều khó khăn khi triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hoặc như vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá còn gặp nhiều hạn chế trong việc thu hút dòng vốn FDI. Và trong những hạn chế đó nó vẫn còn nằm ở vấn đề thủ tục, pháp lý chồng chéo.
Trong Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023 được công bố mới đây cũng cho thấy, khu vực này đang dần mất đi lợi thế về môi trường kinh doanh (PCI). Và nếu không có những nỗ lực cải thiện đúng mức, ĐBSCL vốn đã bất lợi sẽ càng trở nên thất thế trong nỗ lực thu hút dòng vốn FDI.
Nói tóm lại, từ cuộc khảo sát của EuroCham đã chỉ rõ một trong những “khúc ngoặt” cho việc thu hút dòng vốn ngoại đang nằm ở khâu thủ tục hành chính. Và Việt Nam cần giải quyết rốt ráo thách thức trước mắt này nhằm tiếp tục là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Thế Vinh