Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 được CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) công bố mới đây cho thấy, lợi nhuận sau thuế 148 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng ấn tượng sau hai quý thụt lùi về lợi nhuận. Điều này cũng nhờ giá thành nguyên liệu quý 3/2023 giảm so với cùng kỳ, từ đó tác động lợi nhuận sau thuế tăng.
Nhìn từ thực tế ngành nhựa
Mặc dù có sự bứt phá lợi nhuận như vậy nhưng vẫn chưa đủ đưa lợi nhuận cho NTP tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2023. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu thuần giảm 7%.
Thị trường tiêu dùng, bán lẻ ở Việt Nam được khối ngoại xem như “miếng bánh thơm” để rót vốn mua cổ phần hoặc thâu tóm. |
Cần nhắc lại, cách đây vài tháng, NTP từng công bố thông tin về việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên mức 50%. Trong danh sách cổ đông lớn của công ty này hồi tháng 6/2023 cho thấy có đại diện của cổ đông ngoại là Sekisui Chemical Co., Ltd (Nhật Bản) đang nắm giữ 15% cổ phần.
Trong khi đó, ở một công ty nhựa hàng đầu khác là CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) - do NawaPlastic Industries Co. Ltd (một công ty con thuộc Tập đoàn SCG Group của Thái Lan) đang nắm cổ phần chi phối với 55%, trong kết quả kinh doanh quý 3/2023 vừa công bố cho thấy tuy doanh thu quý 3/2023 giảm 38% cùng kỳ năm trước nhưng lãi trước thuế tăng 22% lên 268,7 tỷ đồng.
Theo giới phân tích, BMP vẫn duy trì vị thế hưởng lợi từ sự hợp nhất đang diễn ra của ngành nhựa, nơi mà các “ông lớn” với lợi thế tài chính và vận hành đang chiếm ưu thế so với các doanh nghiệp (DN) nhỏ, và giành được thêm nhiều thị phần hơn.
Gần đây, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán BVSC cho rằng, trong dài hạn việc BMP ngày càng củng cố vị thế trên thị trường sẽ đảm bảo năng lực thương lượng đối với khách hàng qua việc duy trì giá bán ở mức cao. Điều này sẽ bảo vệ biên lợi nhuận cho họ nếu giá nhựa PVC phục hồi.
Việc duy trì lợi nhuận cao và giành thêm thị phần của BMP trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt càng giúp cho SCG Group thu lãi lớn sau thời gian thâu tóm DN nhựa hàng đầu Việt Nam này. Không chỉ vậy, tập đoàn của Thái Lan cũng đang nắm cổ phần chi phối tại một số DN bao bì nhựa hàng đầu trong nước.
Đây là một trong những lý do mà trong chia sẻ tại đại hội Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) hồi tuần rồi, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch VPA, có lưu ý các DN của Thái Lan đang đứng đầu khối ngoại trong việc mua lại các DN ngành nhựa. Ngoài ra, các DN châu Âu, Nhật Bản cũng quan tâm đến việc mua bán sáp nhập (M&A). Nói chung, ngành nhựa Việt Nam là “miếng bánh thơm” mà các DN nước ngoài muốn mua lại.
Trong khi đó, nói về mặt hạn chế, VPA dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy ngành nhựa trong nước hiện tại có khoảng hơn 4.000 DN đang hoạt động, phần lớn là các DN nhỏ và vừa chiếm đến 90% với hơn 250.000 lao động.
Âm thầm thâu tóm “miếng bánh thơm”
Theo VPA, ngành nhựa Việt Nam được ví như ngành gia công vì phần lớn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ 70-80% trong nhiều năm qua, máy móc thiết bị cũng được nhập khẩu gần như 100% từ các thị trường chính như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật, Đức, Ý...
Tuy nhiên, với khối ngoại thì ngành nhựa Việt Nam lại là “miếng bánh thơm” khi mà quy mô ngành hàng này hồi năm rồi đạt đến 22 tỷ USD. Trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là hai mảng nhựa bao bì và mảng nhựa xây dựng. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, sản phẩm của ngành nhựa Việt Nam còn tham gia xuất khẩu với kim ngạch ước đạt trên 5 tỷ USD/năm.
Riêng với các DN bao bì nhựa, thực tế, 5 năm trở lại đây, đã có hơn 10 DN bao bì lớn nhất của Việt Nam bị DN nước ngoài “thôn tính” và tình trạng này vẫn đang tiếp diễn. Trong đó, SCG Group đã mua lại 80% Công ty Bao bì Tín Thành, 94% Công ty Bao bì Biên Hòa hay 70% Công ty Nhựa Duy Tân.
Bên cạnh ngành nhựa chịu áp lực thâu tóm của khối ngoại, ở một số ngành hàng khác trong thời gian qua do khó khăn về dòng tiền nên đã xảy ra tình trạng một số DN nội địa bị khối ngoại thâu tóm. Nhất là các DN sản xuất - đối tượng gặp khó khăn lớn về pháp lý, dòng tiền, đơn hàng vẫn đang bị các nhà đầu tư ngoại âm thầm thâu tóm qua giao dịch mua bán sáp nhập.
Không chỉ vậy, các DN nội địa trong lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ cũng muốn bán bớt cổ phần cho các nhà đầu tư ngoại. Như hồi tháng 8/2022, CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) đã thuê cố vấn để tư vấn việc bán 20% cổ phần của chuỗi Bách Hóa Xanh và dự kiến hoàn tất vào quý đầu tiên của năm 2023.
Tuy nhiên, phải đến tháng 9/2023, thông tin đưa ra cho thấy Quỹ đầu tư quốc gia GIC của Singapore và một số DN từ Thái Lan đang cạnh tranh để mua tới 20% cổ phần của chuỗi Bách Hóa Xanh. Theo hãng tin Reuters, thỏa thuận này đang gần đến giai đoạn hoàn tất và có thể được ký kết sớm nhất là vào quý 1/2024 nếu đàm phán thành công.
Giới phân tích cho rằng, các DN, quỹ đầu tư nước ngoài đang tận dụng cơ hội tăng trưởng nhanh của thị trường tiêu dùng Việt Nam và sẽ tăng cường bơm tiền vào các nhà bán lẻ, tiêu dùng hàng đầu.
Hoặc như thông tin trong tháng 10/2023 cho thấy Bain Capital (Quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới với tổng tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD) với quyết tâm đón đầu “thời điểm vàng” kỷ nguyên tiêu dùng tại Việt Nam, đã dẫn đầu nhóm nhà đầu tư ngoại rót tối thiểu 200 triệu USD vào Masan (một DN Việt với danh mục sản phẩm đa dạng gồm gia vị, mì ăn liền, nước tăng lực, thịt chế biến và cả một hệ thống mạng lưới bán lẻ hiện đại đang không ngừng mở rộng).
Các nhà đầu tư ngoại khác cũng đang mong muốn đàm phán với Masan. Và tùy theo nhu cầu sử dụng vốn cũng như điều kiện thị trường thì DN nội địa hàng đầu trong ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ này có thể tăng mức đầu tư lên đến 500 triệu USD.
Nói chung, việc gia tăng rót vốn, mua cổ phần của khối ngoại có thể giúp cho các DN nội địa có thêm nguồn lực tài chính để cải thiện sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, vẫn còn đó mối lo là sau khi bán một phần đáng kể cổ phần thì liệu DN Việt có tránh “bán mình” hay không, nhất là nhìn vào thực tế đang diễn ra ở ngành nhựa Việt Nam.
Thế Vinh