Vào ngày 6/7, khi công bố kết quả khảo sát doanh nghiệp (DN) Đức tại Việt Nam (được thực hiện vào tháng 3 và tháng 4/2023), Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) có đưa ra một trong những khuyến nghị nhằm tăng cường hơn nữa sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tiềm năng như Việt Nam. Đó là cần cụ thể hóa và khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện VIII để khuyến khích sản xuất điện tái tạo.
Nhu cầu chính đáng cho sản xuất xanh
Trên thực tế, không chỉ riêng các nhà đầu tư Đức, hiện tại các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng yêu cầu được cung ứng năng lượng sạch (trong đó có năng lượng tái tạo) cho sản xuất xanh.
Các DN nội địa lẫn các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam đang có nhu cầu đảm bảo nguồn năng lượng sạch cho sản xuất xanh. |
Khi đề cập đến các chính sách bổ sung nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp FDI trong thời gian tới, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset cho rằng chủ trương thí điểm Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) và Quy hoạch điện VIII đã thể hiện rõ định hướng phát triển năng lượng tái tạo và hướng đến việc cung cấp tín chỉ carbon (loại giấy phép cho phép chủ sở hữu một giới hạn phát thải khí CO2 nhất định, có thể chuyển nhượng được, và được công nhận bởi Chính phủ).
Song song đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang xây dựng dự thảo về “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam”. Theo đó, kể từ năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon với kỳ vọng triển khai chính thức vào năm 2028. Điều này cũng nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng về việc được cung ứng năng lượng sạch cho sản xuất của các DN nội địa lẫn doanh nghiệp FDI.
Còn đứng ở tầm nhìn của một “sếu đầu đàn” trong ngành năng lượng, vào ngày 10/7 sắp tới Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) sẽ nhập khẩu 70.000 tấn khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) về Kho cảng LNG Thị Vải (ở Bà Rịa - Vũng Tàu) nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch cho các nhà sản xuất.
Như chia sẻ của ông Phạm Văn Phong, Tổng giám đốc PV Gas, dù việc đưa chuyến tàu vận chuyển 70.000 tấn khí đầu tiên về Việt Nam gặp rất nhiều trở ngại (nhất là chưa xây dựng xong các cơ chế chính sách để đảm bảo cho khí LNG có thể là nguồn nhiên liệu bổ sung để phát điện), thế nhưng công ty vẫn rất nỗ lực nhằm thúc đẩy việc nhập khẩu LNG để phục vụ cho sản xuất điện khí. Đây cũng chính là một trong những cam kết của công ty khi đi tiên phong trong lĩnh vực năng lượng xanh, sạch.
“Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nhưng, chúng tôi cũng đảm bảo phát thải CO2 sẽ đáp ứng được các yêu cầu mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26 về việc đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Và việc nhập khẩu khí LNG để phục vụ sản xuất điện khí là một minh chứng cho điều đó”, ông Phong chia sẻ.
Cần tháo gỡ các trở ngại
Cũng theo vị tổng giám đốc PV Gas, câu chuyện khí LNG với thế giới không phải là mới, nhưng với Việt Nam lại là câu chuyện rất mới và khá xa lạ. Cho nên rất cần tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách để có thể đưa LNG trở thành nguồn nhiên liệu thay thế cho các nguồn nhiên liệu truyền thống để phát điện như dầu, than đá.
Xét về ưu điểm trong tiến trình sản xuất năng lượng sạch, khí LNG khi đốt cháy tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải CO2 so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ; không thải ra muội, bụi và chỉ sinh ra một lượng không đáng kể khí SO2. Điều này khiến nó trở thành nhiên liệu hóa thạch sạch nhất.
Trong đánh giá mới nhất từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect cho rằng trong Quy hoạch Điện VIII có ưu tiên phát triển nguồn điện khí, bao gồm cả nguồn điện khí nội địa và LNG.
Theo đó, quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, nhiệt điện khí sẽ đóng vai trò quan trọng, là nguồn điện chạy nền của hệ thống nhờ tính ổn định, liên tục và linh hoạt trong sản xuất điện và ít phát thải hơn so với nhiệt điện than (để sản xuất cùng một đơn vị năng lượng).
Phía VnDirect nhận định điện khí (từ cả nguồn khí trong nước và LNG) sẽ là điểm nhấn trong giai đoạn 2022-2030 với tốc độ tăng trưởng kép công suất đạt 23,1%, và chiếm 25% tổng công suất vào năm 2030.
Đây có thể là động lực để thúc đẩy các dự án phát triển mỏ khí nhiều tỷ đô vốn bị đình trệ lâu nay như Lô B và Cá Voi Xanh trong những năm tới. Bên cạnh đó, việc giá LNG sụt giảm gần đây có thể tạo điều kiện thuận lợi cho xu hướng chuyển dịch sang LNG tại Việt Nam trong những năm tới nhờ giá khí LNG tham chiếu tại châu Á đã giảm về vùng hợp lý.
Giới phân tích cũng lưu ý các hợp đồng LNG dài hạn mặc dù ít được tiết lộ công khai, nhưng hầu hết các hợp đồng được định giá theo tỷ lệ phần trăm của giá dầu thô tham chiếu, thường thấp hơn và ổn định hơn giá giao ngay.
Nhìn từ triển vọng với nguồn khí mới được nhập khẩu như LNG, có thể sẽ góp phần hóa giải “bài toán” cung ứng năng lượng sạch, xanh cho sản xuất và cho thu hút dòng vốn FDI, cũng như để giữ vị thế là thị trường xuất khẩu chính.
Cần nhắc thêm, việc bảo đảm đủ nguồn năng lượng tái tạo, xanh, sạch đang là mối quan tâm lớn của doanh nghiệp FDI khi rót vốn vào Việt Nam (đặc biệt là các “đại bàng” FDI) nhằm đáp ứng tiêu chí phát triển xanh của thế giới.
Xét trong bối cảnh hiện nay, đầu tư FDI gia tăng sẽ tạo điều kiện phát triển sâu hơn các chuỗi cung ứng, tăng cường khả năng kết nối và vị thế của Việt Nam như một trung tâm thương mại và sản xuất.
Cho nên, nhìn từ khuyến nghị của giới đầu tư Đức, nhu cầu chung về năng lượng sạch của các doanh nghiệp FDI và những trăn trở về mặt chính sách đến khí LNG thì rất cần các cơ quan quản lý tháo gỡ các trở ngại nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà sản xuất tiếp cận với nguồn năng lượng sạch và xanh một cách tốt nhất. Và đó cũng là một trong những cách thức để tạo ra sức hấp dẫn hơn nữa trong thu hút dòng vốn ngoại dịch chuyển về Việt Nam.
Thế Vinh