Đây những lời phát biểu mở đầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ phát động cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tối 7/11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Nét văn hoá của doanh nghiệp Việt là gì?
Thủ tướng nói: "Người ta thường nói để cạnh tranh thành công trên thương trường thì sự khác biệt là rất quan trọng. Hai doanh nghiệp có thể cùng sản xuất ra một loại sản phẩm, có công nghệ giống hệt nhau nhưng khách hàng sẽ chọn mua sản phẩm từ doanh nghiệp này mà không mua của doanh nghiệp kia. Bởi lẽ họ tin vào cách ứng xử, các nguyên tắc kinh doanh, tính cam kết và tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp này hơn doanh nghiệp kia".
Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. Mọi quốc gia đều ra sức bảo vệ những thương hiệu của mình. Đó là lý do Chính phủ kiến tạo ngày nay rất quan tâm đến chủ đề văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân.
Thủ tướng nhấn mạnh một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia
Nếu như doanh nghiệp Mỹ có đặc trưng của tính tự do, phóng khoáng, có thiên hướng thực dụng; doanh nghiệp Nhật có tính kỷ luật, sự tận tụy và tinh thần hợp tác mang thiên hướng gia đình; doanh nghiệp Hàn Quốc có đặc trưng là trung thành, trách nhiệm, tính cam kết cộng đồng rất cao; doanh nghiệp Đức thể hiện tính chính xác, thận trọng, kỷ luật và thực tế.
"Vậy nét văn hóa của doanh nghiệp Việt Nam là gì? Tôi nghĩ đó là câu hỏi mà tự mỗi doanh nghiệp sẽ có câu trả lời của riêng mình. Nhưng tôi cho rằng các nguyên tắc cơ bản hay nói cách khác là những giá trị cốt lõi chính là nền tảng, là sức sống của văn hóa doanh nghiệp. Những nguyên tắc hay giá trị đó có thể là: “liêm chính”, “sáng tạo”, “chuyên nghiệp”, “tận tụy” hay “trách nhiệm môi trường”, v.v…", Thủ tướng nêu quan điểm.
Vì vậy, theo Thủ tướng, chừng nào xã hội, khách hàng còn tin vào những giá trị và nguyên tắc này của một doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó còn có cơ hội phát triển lớn mạnh. Văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh lành mạnh, tiên tiến, phù hợp với các xu thế của thời đại chính là chiếc cầu nối hữu hiệu nhất để chúng ta hòa nhập, hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Văn hoá doanh nghiệp là niềm tin của khách hàng
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh với cộng đồng doanh nhân Việt Nam, nếu đánh mất văn hóa nói chung và văn hóa doanh nghiệp nói riêng là đánh mất chính mình. Làm gì có tổn thất nào lớn hơn và khó khắc phục hơn là tổn thất đó. Ông bà mình đã từng nói rất đúng: Đánh mất niềm tin là mất tất cả. Văn hóa của doanh nghiệp cũng chính là niềm tin của khách hàng.
Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia, nhất là khi chúng ta tham gia vào các hiệp định song phương, đa phương… Thủ tướng lấy ví dụ, sau này, khi chúng ta phê chuẩn TPP và hiệp định này có hiệu lực, những doanh nghiệp nào không tôn trọng quyền lợi người lao động, gây ô nhiễm môi trường (tức là vi phạm những nguyên tắc và giá trị cốt lõi), v.v… thì sẽ không được hưởng các ưu đãi TPP, không có khả năng làm ăn với các đối tác TPP. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta càng phải khuyến khích áp dụng những tiêu chuẩn đạo đức trong làm ăn kinh tế, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với các nguyên tắc phát triển bền vững.
Khi nói đến văn hóa doanh nghiệp, người ta còn hay nhắc đến các hành vi ứng xử cụ thể. Đó là ứng xử với khách hàng, với cộng đồng. Đó là cách giao tiếp với đối tác, với xã hội.
Đồng thời, khi nói đến văn hoá doanh nghiệp người ta hay nhắc đến một khái niệm gọi là “trách nhiệm xã hội”. Các doanh nghiệp đi làm từ thiện, xây cầu, làm đường, xây trường,… là rất tốt, đáng biểu dương nhưng đó chỉ mới là một phần của “trách nhiệm xã hội”, một trong những điều cốt yếu làm nên trách nhiệm xã hội đó là cách quý vị kinh doanh, cách quý vị ứng xử với môi trường, với người lao động và tuân thủ pháp luật…
Văn hoá doanh nghiệp, các nguyên tắc cơ bản, giá trị cốt lõi không thể tách rời khỏi tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có nền tảng văn hoá mạnh cũng là những doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và sứ mệnh tốt đẹp, biết hài hoà, cân bằng các lợi ích giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa lợi nhuận có được với lợi ích của cộng đồng, giữa các mục tiêu ngắn hạn với các phương châm phát triển bền vững.
Vì vậy, Thủ tướng cho rằng, xây dựng văn hoá doanh nghiệp chính là xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi của nền kinh tế toàn cầu hoá ở thế kỷ 21. Đó phải là một phần nhiệm vụ của Chính phủ kiến tạo, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đó phải là một phần không thể tách rời trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp.
Nhân dịp công bố Ngày văn hoá doanh nghiệp Việt Nam – ngày 10 tháng 11, Thủ tướng chính thức phát động Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” với năm nội dung chính, gồm: Nâng cao nhận thức, quán triệt sâu rộng về vai trò văn hóa doanh nghiệp; Xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam; Phát huy tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; Làm lành mạnh môi trường kinh doanh; Nâng cao văn hóa tinh thần, tăng cường thể lực cho cán bộ nhân viên và người lao động.
Lê Thuý